TP.HCM: Dự án “rùa” lại gặp trục trặc

Thứ sáu, 27/04/2012, 08:08
Hết hạn bàn giao mặt bằng dự án cải tạo kênh Ba Bò, các đơn vị liên quan mới “té ngửa” khi phát hiện chưa đủ… quyết định thu hồi đất


Các tin khác
>>Ông Đỗ Minh Phú chính thức làm Chủ tịch TienPhong Bank
>>Nhớ mẹ, bỏ du học về làm ruộng, kiếm bạc tỷ
>>10 đại gia “nuốt trọn” những thứ bạn mua mỗi ngày
>>Nông dân Bình Định tán gia bại sản vì… dưa hấu

 


Khu vực hồ điều tiết chưa được nạo vét đủ
dung tích chứa vì tình trạng giao đất “da beo”


Ngày 26-4, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã khảo sát tiến độ thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2002 do Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP làm chủ đầu tư nhằm tiêu thoát nước, chống ngập và giảm ô nhiễm cho quận Thủ Đức.


“Điệp khúc” phá - đập

Báo cáo với Ban Kinh tế - Ngân sách, ông Võ Thanh Huy, Giám đốc dự án cải tạo kênh Ba Bò, cho biết gói thầu số 4 (xây dựng 3 cây cầu qua kênh) đã nghiệm thu đưa vào sử dụng; gói thầu số 3 (xây dựng tuyến kênh nhánh) cũng đã hoàn thành; gói thầu số 5, 6 (hệ thống cây xanh, chiếu sáng) chuẩn bị đưa ra đấu thầu.

Riêng 2 gói thầu quan trọng liên quan đến tuyến kênh chính vẫn đang vướng mặt bằng. Cụ thể, gói thầu số 2 xây dựng đoạn 2-3 tuyến kênh chính mới thi công được 75% do mặt bằng “da beo” vì vướng một hộ dân.

Mãi đến ngày 23-3, hộ này mới chấp nhận bàn giao. Riêng gói thầu số 1 xây dựng hồ điều tiết và đoạn 1 tuyến kênh chính phát sinh thêm 3 hồ sơ mới không nằm trong danh sách bồi thường trước đó.

Theo ông Huy, hồ điều tiết có dung tích 250.000 m3 nhưng do địa phương chưa bàn giao mặt bằng đầy đủ nên mới chỉ nạo vét được hơn 87.000 m3.

“Đơn vị thi công phải đắp đê ngăn nước khu vực chuồng bò (vị trí gần cuối tuyến kênh chính- PV) để thi công nhưng khi mưa lớn, bắt buộc phải đưa xe xúc đến phá đi để thoát nước. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Quận Thủ Đức đã cam kết trước UBND TP sẽ bàn giao mặt bằng trước ngày 30-4 nhưng thực tế hiện nay vẫn chưa bàn giao đủ” - ông Huy nói.


Chưa giải phóng mặt bằng được!

Về phía địa phương, theo ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức, trong số 3 hồ sơ phát sinh, hồ sơ của Công ty Đại Dũng không có tính pháp lý, bản chất sự việc chỉ là giao dịch dân sự giữa công ty này với người dân; còn lại 2 hộ, quận sẽ cố gắng bàn giao mặt bằng trước ngày 30-4, chậm nhất đến ngày 20-5 sẽ tiến hành cưỡng chế đối với các hộ không chịu bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, ông Phước nhấn mạnh chỉ cưỡng chế trong phạm vi đã có quyết định thu hồi đất. Theo lý giải của ông Phước, năm 2004, UBND TP ra quyết định thu hồi khoảng 6,6 ha  tạo quỹ đất sạch và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP bán đấu giá quyền sử dụng đất. 

Đến năm 2008, UBND TP lại tiếp tục ra quyết định thu hồi 1,3 ha để xây hồ điều tiết, phần diện tích này trùng ranh với phần diện tích đã thu hồi năm 2004. Đến năm 2010, dự án được UBND TP điều chỉnh do có thêm hồ sinh học với diện tích hơn 1,9 ha.

Phần đất xây hồ sinh học có một phần trùng với ranh đất đã thu hồi năm 2004 nhưng còn khoảng 0,4 ha nằm ngoài ranh, vẫn chưa có quyết định thu hồi đất dù đã quá thời hạn quy định, vì thế không đủ pháp lý để giải phóng mặt bằng.

Thông tin của UBND quận Thủ Đức khiến các đại biểu “té ngửa”. Dẫn Quyết định số 3993 do UBND TP ban hành năm 2010, ông Huy chứng minh trách nhiệm này thuộc về quận Thủ Đức. Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, thừa nhận trách nhiệm của quận.


Nói sao với dân…?

Theo ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP, việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng của dự án đã mất quá nhiều thời gian. Nếu tiếp tục tham mưu để ban hành quyết định thu hồi đất (0,4 ha) rồi tiến hành bồi thường thì cả năm nữa cũng e không làm kịp.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đến cuối năm 2012 phải đưa công trình vào sử dụng, không để kéo rê nữa. Trong khi đó, phần đất đã thu hồi từ năm 2004 vẫn còn dư (khoảng 3,2 ha) chưa sử dụng, ông Hùng đề nghị chủ đầu tư xem xét điều chỉnh quy mô, vị trí hồ sinh học, hoán đổi vị trí đất chưa thu hồi với phần đất đã được thu hồi.

Ông Huy cho biết chủ đầu tư sẽ tính toán, cân nhắc về việc này nhưng việc điều chỉnh dự án phải do UBND TP phê duyệt và các thủ tục hành chính sẽ tốn rất nhiều thời gian. 

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, đánh giá dự án cải tạo kênh Ba Bò là dự án “điểm” của TP và được khá nhiều ưu tiên: phân bổ vốn, chỉ đạo của TP… để hoàn thành đúng tiến độ.

Thế nhưng, dự án đã quá “nổi tiếng” vì tiến độ ì ạch. “Dự án này nếu còn kéo dài, TP sẽ không thể trả lời với các đại biểu Quốc hội, quan trọng nhất là không biết nói sao với người dân địa phương cũng như cử tri TP” - ông Đông nhấn mạnh.

Ông Đông đề nghị chủ đầu tư và các bên liên quan phải báo cáo sớm cho UBND TP về phần đất ngoài ranh, trình bày cụ thể để UBND TP chỉ đạo hướng giải quyết.

Vẫn còn ô nhiễm nghiêm trọng


Bên cạnh việc chống ngập, một vấn đề lớn khác của kênh Ba Bò là tình trạng ô nhiễm vì nếu không giải quyết tận gốc, việc cải tạo kênh Ba Bò sẽ thành “đường dẫn” cho ô nhiễm ra sông Sài Gòn nhanh hơn mà thôi.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM, khẳng định các nguồn nước thải đổ vào kênh Ba Bò vẫn còn ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là tuyến thoát nước số 4 từ KCN Sóng Thần 1 và 2 (Bình Dương) và tuyến thoát nước số 3 gồm khu dân cư của Bình Dương và một phần KCN Sóng Thần 1.

Dù KCN của Bình Dương đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đấu nối. HĐND TP cho biết sẽ sắp xếp để làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong thời gian sớm nhất về vấn đề quản lý nguồn xả thải.


Theo CafeF Land

Các tin cũ hơn