Nhìn lại chặng đường của Beeline tại Việt Nam

Thứ năm, 26/04/2012, 08:10
Gây ấn tượng mạnh khi ra mắt với hai màu vàng đen, cùng gói cước gây sốc Big Zero nhưng Beeline sẽ rút khỏi Việt Nam sau 6 tháng tới. Trước đó, thương hiệu này có những dấu ấn đáng nhớ trên thị trường di động.


Tin liên quan
>> Gtel Mobile: “Mua lại 49% cổ phần Beeline là cơ hội tốt”
>> Công bố lý do đối tác rút khỏi Beeline
>> Beeline sắp “biến mất” khỏi Việt Nam
>> VimpelCom thoái vốn và xóa thương hiệu Beeline tại Việt Nam




1. Beeline ra mắt thị trường viễn thông

Tháng 7/2009, Beeline chính thức khai trương tại Việt Nam cùng sản phẩm đầu tiên là gói cước BigZero, trở thành hãng mạng di động thứ 7.

Nhà mạng này thuộc sự quản lý của Tổng công ty viễn thông di động toàn cầu (Gtel Mobile), là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn viễn thông VimpelCom (Nga) và Công ty Truyền dẫn và Dịch vụ Hạ tầng Gtel.

 


Vào lúc đó, Beeline trở thành điểm nóng của thị trường di động bởi gói cước Big Zero cho phép khách hàng gọi nội mạng gần như miễn phí hoàn toàn.
 

2. Beeline đạt một triệu thuê bao đầu tiên

Tháng 10/2009, sau 3 tháng khai trương, Beeline Việt Nam đạt một triệu thuê bao đầu tiên.3. Beeline ra mắt sản phẩm thứ 2 - gói cước Big&Kool.

 


Đầu năm 2010, Beeline giới thiệu tiếp sản phẩm thứ 2 là gói cước Big&Kool. Với những ưu đãi "khủng" liên tiếp của 2 gói cước Big Zero và Big&Kool như cước 0 đồng từ phút thứ 2, gọi trong nước giá 990 đồng mỗi phút hay tặng 50% giá trị thẻ nạp trong suốt quá trình sử dụng, nhiều nhà mạng lớn khi đó đã lo ngại thị phần sụt giảm vì sự xuất hiện của hãng di động màu vàng đen.

Quảng bá ồn ào nhưng Big&Kool là gói cước kém thành công nhất trong những sản phẩm mà Beeline tung ra thị trường.

 

3. VimpelCom cam kết rót thêm 500 triệu USD cho Beeline
 

 

Tháng 4/2011, VimpelCom cam kết đầu tư thêm 500 triệu USD cho Gtel Mobile để phát triển Beeline, từ thời điểm đó đến hết năm 2013.

Trong đó, khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD đã được VimpelCom đầu tư vào liên doanh, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong Gtel Mobile từ 40% lên 49%.

Số tiền còn lại trị giá 304 triệu USD sẽ được thực hiện trong bước tiếp theo nếu Liên doanh Gtel Mobile đạt được những mục tiêu kinh doanh nhất định cũng như nhận được sự chấp thuận cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.

 

4. Beeline hợp tác với câu lạc bộ bóng đá Manchester United
 


Tháng 8/2011, Beeline toàn cầu có thỏa thuận hợp tác với câu lạc bộ bóng đá Manchester United trong 3 năm. Theo đó, Beeline được sử dụng hình ảnh "Quỷ đỏ" trong chiến dịch khuếch trương thương hiệu tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngoài ra, thuê bao của Beeline tại 3 nước Đông Dương được xem các clip bàn thắng, phỏng vấn riêng và thông tin hậu trường về câu lạc bộ MU.

Ngay sau đó, Beeline Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi đi kèm với hình ảnh MU để thu hút thuê bao như "Bay cùng Rooney" với giải thưởng là chuyến du lịch nước ngoài xem câu lạc bộ MU thi đấu hay 23 suất đi Anh xem bóng đá...

Cùng với công bố rót thêm 500 triệu USD vốn đầu tư, quảng bá thương hiệu cùng hình ảnh của "Quỷ đỏ" nằm trong chiến dịch trở lại của mạng di động màu vàng đen.

 

5. Beeline tung gói cước Tỷ phú
 


Tiếp theo đó, Beeline gây sốc cho thị trường di động với gói cước có tên Tỷ Phú. Với sản phẩm này, khách hàng được hưởng quyền lợi gọi nội mạng một tỷ đồng trong vòng 10 năm.

Đi kèm với gói Tỷ phú, điện thoại mini của nhà mạng này cũng tạo lên một cơn sốt trên thị trường. Tại thời điểm đó, trung bình mỗi ngày, hãng viễn thông này bán được hàng nghìn máy điện thoại kèm sim, điều khó làm ngay cả đối với mạng di động lớn.

Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau đó, gói cước này bị Bộ Thông tin và Truyền thông tuýt còi vì nguy cơ phá giá thị trường viễn thông.

Theo đó, Beeline đã đệ đơn xin cấp phép gói Tỷ phú 2 với quy định: mỗi thuê bao sử dụng 1.350 đồng cho gọi và nhắn tin nội mạng sẽ kích hoạt 270.000 đồng từ tài khoản Tỷ phú. Ngày 9/12/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép gói cước Tỷ Phú 2.

 

6. Beeline rút khỏi Việt Nam
 


Ngày 23/4/2012, đối tác ngoại VimpelCom bán hết 49% cổ phần cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Truyền dẫn và dịch vụ hạ tầng Gtel với giá 45 triệu USD. Theo đó, Beeline chính thức trở thành công ty 100% vốn của các cổ đông trong nước.

Theo thỏa thuận của thương vụ mua bán trên, thương hiệu Beeline sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam sau 6 tháng tới. Phía Gtel Mobile khẳng định vẫn tiếp tục kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Việt Nam, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sẽ đưa ra một tên thương hiệu mới sau thời điểm trên, phù hợp với đường lối và chiến lược đã đề ra

 


Theo VnExpress

Các tin cũ hơn