Chủ tịch LSS: “Không có chuyện cổ đông hiện hữu bị rút ruột”

Thứ năm, 26/04/2012, 10:54
Trước bức xúc của một số cổ đông liên quan đến phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi của CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS), phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT LSS xung quanh vấn đề này.

 


Các tin khác

>>6.700 doanh nghiệp "chết": Vẫn chưa giải mã nổi
>>Chứng khoán thế giới khởi sắc
>>TGĐ Coimex - Người biến cá tạp Côn Đảo thành 'vàng'
>>Khó mua bán nợ xấu trong thời điểm hiện nay

 


Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT LSS
 

Thưa ông, phương án phát hành được điều chỉnh như thế nào?

Phương án phát hành vừa được điều chỉnh đứng trên quan điểm phát triển bền vững, dài hạn, chứ không chỉ lợi ích trước mắt. Những nội dung điều chỉnh cơ bản là 75% phát hành cho cổ đông hiệu hữu, còn lại phát hành cho người trồng mía và người lao động của LSS. Thời gian đáo hạn được rút xuống 2 năm thay vì 3 năm như phương án ban đầu, lãi suất vẫn giữ nguyên 12%/năm.

Người lao động của LSS và người trồng mía bị giới hạn giao dịch trong vòng 5 năm. Nghĩa là sau thời gian trái phiếu đáo hạn và chuyển đổi, họ tiếp tục nắm giữ cổ phần thêm 3 năm nữa. Đây là một trong những biện pháp để gắn kết họ lâu dài với LSS.

Theo ông, bức xúc của một số cổ đông hiện hữu về việc LSS quá ưu ái người trồng mía, cũng như người lao động của Công ty có chính đáng?

Tôi tin chắc rằng ưu ái người trồng mía càng lớn, thì càng mang lại lợi ích lớn và bền vững cho LSS.

LSS rất thấm thía bài học từ nhiều DN nông nghiệp đã trắng tay, rơi vào cảnh phá sản do không quan tâm tới nông dân. Đặt lợi ích nông dân lên hàng đầu là bí quyết phát triển bền vững của các DN nông nghiệp, trong đó LSS không phải là ngoại lệ.

LSS luôn cần nhà đầu tư góp vốn vào phát triển sản xuất, nhưng nếu bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa một bên là chăm lo cho lợi ích của nông dân với một bên là lo cho lợi ích của cổ đông hiệu hữu, tôi sẽ ưu tiên nông dân hơn. Cá nhân tôi và LSS sẵn sàng trả giá cho sự lựa chọn này.

Những năm qua, tuy giá mua mía nguyên liệu đã tăng, nhưng chưa thực sự tương xứng với công sức của người trồng mía. LSS sẽ tiếp tục làm mọi cách để gia tăng thu nhập cho nông dân, cũng như người lao động gắn bó lâu dài với LSS.

Điều này không chỉ phù hợp với đạo lý và triết lý phát triển của LSS, mà còn phù hợp với luật chơi của thị trường, bởi những năm tới đây sẽ không còn dễ mua nguyên liệu nông sản với giá rẻ nữa.

Về lâu dài, nếu không lo cho người trồng mía, người lao động, thì ngay trong ngắn hạn, chứ không phải đợi quá lâu LSS sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn. Khi đó không chỉ cổ đông sáng lập, mà chính các cổ đông bên ngoài cũng chịu nhiều thiệt thòi.

Theo phản ánh của một số cổ đông, phương án phát hành của LSS mang tính rút ruột cổ đông hiện hữu. Ông nghĩ sao?

Không có chuyện này, lý do là bởi chẳng ai lại tự đi rút ruột chính mình, vì bản thân tôi và những người thân gắn bó lâu dài với LSS đang nắm tới 60% cổ phần của LSS. Nói như vậy để thấy rằng, hơn ai hết chúng tôi phải lo cho quyền lợi của chính bản thân mình, chứ không đợi đến sự quan ngại của những nhà đầu tư đang nắm vài phần trăm cổ phần của LSS.

Có thông tin cho rằng, hiện LSS còn tới 90 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng, tại sao lại phải phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi?

Tại thời điểm hiện nay LSS nợ các ngân hàng tổng cộng hơn 300 tỷ đồng, với lãi suất cao lên tới 20-22%/năm. Điều này đang tạo sức ép làm gia tăng chi phí tài chính cho Công ty. Bởi vậy, phương án phát hành là cần thiết để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh lành mạnh của LSS.

Chúng tôi luôn cầu thị đối thoại với cổ đông, nhà đầu tư có tinh thần hợp tâm, hợp sức đồng hành cùng LSS không chỉ trước thềm ĐHCĐ hàng năm, mà bất cứ khi nào họ muốn vì lợi ích hài hòa của các bên.


Theo Vietstock

Các tin cũ hơn