Sáp nhập ngân hàng: Mũi tên trúng hai đích!

Thứ năm, 10/05/2012, 07:30
Sáp nhập sẽ giúp tăng sức mạnh cho hệ thống ngân hàng và giảm “mầm bệnh” cho nền kinh tế.


>>Ấn nút sáp nhập HBB, SHB vào Top 10 ngân hàng TM lớn nhất VN
>>HBB thấp thỏm chờ cổ đông SHB "quyết" vụ sáp nhập
>>Sáp nhập Habubank - SHB: Vì sao khoản lỗ 4.000 tỷ giảm một nửa?

 


Sau hợp nhất của các ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa thành Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), nay việc sáp nhập ngân hàng HBB vào SHB chỉ còn chờ hoàn tất thủ tục và thời điểm công bố.

Từ các thương vụ này, nhìn rộng ra toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam có thể khẳng định, hành động sáp nhập ngân hàng để từng bước tạo ra một hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn, trong đó các thành viên đều có sức cạnh tranh thực sự và phát triển bền vững, là đúng đắn, thậm chí có thể nói đây là một mũi tên trúng hai đích.


Sáp nhập sẽ tăng sức mạnh…

Trở lại cuối năm 2011, trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, ngày 4/11, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng sẽ được triển khai trong thời gian tới là khẩn trương tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngân hàng.

Về nguyên tắc, Chính phủ khẳng định sẽ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng tăng hợp lý về quy mô, tăng hiệu quả hoạt động, quản lý và sử dụng vốn. Đặc biệt, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến lưu ý rằng, không phải cứ có quy mô lớn là ngân hàng mạnh và yếu hay mạnh phụ thuộc vào hiệu quả quản lý và sử dụng đồng vốn.

Chứng tỏ, hiệu quả là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng. Nhớ lại, cuối năm 2011, tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có điểm nhấn với 3 ngân hàng gồm Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa thực hiện hợp nhất tự nguyện, dưới sự "bảo trợ" của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ngay sau khi hợp nhất, vốn điều lệ của ngân hàng mới là hơn 10.580 tỷ đồng. Từ 1/1/2012, ngân hàng hợp nhất với tên gọi Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) chính thức đi vào hoạt động.

Trong quá trình diễn ra sự hợp nhất của các ngân hàng này, dư luận, người gửi, người vay tiền và cả các cổ đông ngân hàng cũng xôn xao, lo lắng. Nhưng sau khi chính thức đi vào hoạt động, đến nay SCB đã và đang được dư luận và cả những người trong cuộc đánh giá hiệu quả hoạt động tốt hơn, ổn định hơn, tâm lý khách hàng yên tâm hơn trước những nguy cơ tiềm ẩn của không ít tổ chức tín dụng.

Thêm nữa, tới nay thương vụ HBB sáp nhập vào SHB đã ngã ngũ, mặc dù chưa biết sau khi sáp nhập, SHB sẽ lớn mạnh đến cỡ nào. Nhưng, ngay từ thời điểm hiện nay, nhiều thông tin về những lợi ích nhãn tiền cho thấy sáp nhập là thượng sách.

Bởi vì sau sáp nhập, ngân hàng SHB sẽ có nguồn vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, cùng mạng lưới kinh doanh khắp cả nước... trở thành 1/10 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn và thị phần. Trong khi đó, trước khi sáp nhập, HBB đang đứng trước nhiều nguy cơ khó lường.

Và, NHNN còn nhìn nhận việc HBB sáp nhập vào SHB là một lựa chọn tối ưu để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nói riêng và các nhà đầu tư nói chung tại HBB, phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng của Chính phủ và NHNN.

Như vậy, sẽ không phải quá sớm để nhận định rằng, việc sáp nhập ngân hàng yếu kém vào ngân hàng khác có năng lực hơn là hướng đi đúng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Nó không chỉ là sự thống nhất đầu mối để giảm phân tán, nhỏ lẻ gây khó cho quản lý,giám sát, tăng sức mạnh cho dòng vốn; mà còn tăng trách nhiệm của các ngân hàng với nền kinh tế.


Loại trừ “mầm bệnh”…

Ngân hàng luôn được coi là “hầu bao" về vốn cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Vì thế, cái hầu bao này phải được bảo vệ an toàn, đủ sức mạnh để đáp ứng kịp thời các nhu cầu về vốn cho nền kinh tế.

Sở dĩ nói sự sáp nhập ngân hàng sẽ loại trừ "mầm bệnh" là vì, nếu những ngân hàng thực sự yếu kém, không còn đủ năng lực tham gia, với tư cách là một mắt xích, vận hành hệ thống tài chính, tín dụng mà để tồn tại sẽ cản trở vòng quay này.

Hơn thế, nếu sự đổ vỡ xảy ra, dù chỉ một vài ngân hàng, sẽ làm mất niềm tin của khách hàng đối với hệ thống ngân hàng. Khi đó, khó lường trước dòng vốn gửi trong các ngân hàng sẽ chảy đi đâu và các dòng vốn tiềm năng chuẩn bị vào ngân hàng sẽ chạy đi đâu.

Vì thế, khi các ngân hàng yếu kém sáp nhập vào ngân hàng mạnh hơn sẽ loại bỏ nguy cơ, tăng sức cạnh tranh cho cả hệ thống ngân hàng, trong đó từng ngân hàng thành viên hưởng lợi, và đích hiệu quả thuộc về nền kinh tế quốc gia.

Cho nên, không nên đánh giá việc sáp nhập là sự thâu tóm, chiếm lĩnh hay xóa sổ một ngân hàng nào đó mà là sự tổ chức, sắp xếp và định hướng lại dòng vốn, thống nhất đầu mối để quản lý, điều hành hiệu quả hơn.

Hơn nữa, theo đánh giá của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến rằng “không phải cứ có quy mô lớn là ngân hàng mạnh và yếu hay mạnh là phụ thuộc vào hiệu quả quản lý và sử dụng đồng vốn”. Điều này vừa là cảnh báo không thể lấy việc tạo ra quy mô lớn cho một ngân hàng làm mục đích sáp nhập, đồng thời còn là một khẳng định sáp nhập phải để tăng hiệu quả hoạt động ngân hàng.

Niềm tin trong quá trình sáp nhập các ngân hàng được tạo ra ở chỗ, ngoài việc thẩm định, quyết định chính thức do NHNN, thì chính các cổ đông, lãnh đạo các ngân hàng thành viên cũng đồng thuận cao vì họ thấy ngân hàng đích đến có đủ năng lực tiếp quản.

Và, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, ngoài việc từng ngân hàng phải tìm cách tăng sức cạnh tranh nội bộ, cùng gánh đỡ khó khăn cho nền kinh tế nước nhà, thì họ còn phải chịu áp lực cạnh tranh với các dòng vốn từ các ngân hàng ngoại quốc. Như vậy, các ngân hàng không nên và không thể quay lưng với xu thế sáp nhập để tăng sức.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là phải thận trọng giải bài toán hậu sáp nhập. Bởi vì, cho dù sáp nhập ở mức độ quy mô như thế nào, xét cho cùng, sản phẩm nó tạo ra lại vẫn là một ngân hàng. Cho nên, sáp nhập mới chỉ là thao tác ấn nút cho quá trình vận hành một cỗ máy mới được lắp ráp bằng khá nhiều linh kiện cũ.

Chính phủ đã cam kết “sẽ không để xảy ra đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng, không để ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người gửi tiền”. Đây là cơ sở của niềm tin.

Nhưng, để niềm tin thành hiện thực, bản thân hệ thống ngân hàng phải thức thời để hành động đúng, vừa thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ vừa kịp thời ứng xử đúng,có chiến thuật và có chiến lược lâu dài; phải đặt mục tiêu ổn định nền kinh tế lên trên mục tiêu lợi nhuận của riêng từng ngân hàng.

Bởi vì, quá trình tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng mới chỉ ở giai đoạn đầu. Và mới đây, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN khẳng định: “Có 5 đến 8 ngân hàng đang trong quá trình sắp xếp và tái cơ cấu đúng theo kế hoạch và lộ trình của NHNN. Quá trình này đang được tiến hành một cách tích cực và sẽ đem lại kết quả trong thời gian tới”./.


Theo VOV

Các tin cũ hơn