Sáng nào ông Phạm Văn Sơn ở ấp Vĩnh Cầu (xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, An Giang) cũng tranh thủ ăn no bụng rồi vác xuổng, lồng sắt, bình đựng nước uống và dẫn theo chú chó phèn ra đồng săn chuột.
Ông đi dọc theo bờ kênh Vĩnh Tế và các bờ đê lớn trên đồng để tìm nơi chuột trú ẩn. Nhiều năm làm công việc này, chỉ cần nhìn sơ qua là người đàn ông này biết hang nào có chuột làm tổ. Sau khi quan sát cẩn thận, ông dùng xuổng đào hang. Nếu gặp phải nhiều ngách nhỏ, ông dùng đất ém lại để tiếp tục đào theo đường chính.
“Lũ chuột khôn lắm. Chúng tạo ra nhiều ngách để đánh lừa mình. Phải ém các ngách này lại để khi đào theo hang chính mà không có thì đào theo từng ngách”, chuyên gia bắt chuột chia sẻ.
Gặp trường hợp các ngách giống nhau, ông Sơn phải nhờ đến chú chó mực đánh hơi để xác định hướng nào có chuột. Lũ "nhắt" dẫu có tinh ranh cũng khó chạy thoát bởi chú chó đã chực sẵn bên ngoài, chỉ cần chúng vụt ra khỏi hang là bị chó phèn tóm gọn. Với cách làm này, sau một buổi đào bắt, chiếc lồng sắt của ông Sơn đã chứa gần đầy chuột, ước lượng hơn 10 kg.
Lồng chuột bán cho thương lái.
Ông cho biết: “Lớn tuổi rồi nên tôi chỉ đào vào buổi sáng thôi, chứ mấy đứa trẻ và thanh niên đi cả ngày có thể kiếm được gần 20 kg chuột”.
Số chuột bắt được này sẽ có người đến thu gom mua tại nhà. Chuột chết có thể làm khô hoặc muối để ăn lâu dài. Với giá bán tại chỗ khoảng 45.000 đồng một kg, mỗi người đi đào chuột kiếm không dưới 500.000 đồng mỗi ngày.
Các xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), Vĩnh Gia, Lạc Quới (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), khu vực giáp ranh với quận Kirivong (tỉnh Kandal, Campuchia), là nơi chuột đồng xuất hiện nhiều nhất.
Trên những cánh đồng bạt ngàn dọc theo tuyến kênh Vĩnh Tế, chạy dài từ thị xã Châu Đốc qua các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Giang Thành, lúa hè thu đang phát triển xanh rì. Bên kia biên giới, trên địa bàn tỉnh Kandal, người dân vùng biên cũng vừa xuống giống lúa. Đây cũng là lúc những “chú Tý”, vốn sống ẩn nấp trong các bụi rậm khu vực giáp biên giữa Việt Nam - Campuchia, bắt đầu tràn mạnh xuống đồng, cắn phá lúa non.
Để bảo vệ mùa màng, người dân hợp lực săn bắt chuột. Người ta đặt bẫy, dùng thuốc chuột, ví cù (dạng như một ụ rơm để dụ chuột vào). Tuy nhiên, biện pháp được thực hiện phổ biến nhất vẫn là đào hang bắt chuột.
Làm sạch chuột đồng chuẩn bị mang ra chợ bán.
Anh Huỳnh Văn Bé, ấp Vĩnh Hòa (xã Lạc Quới), có hơn 15 năm theo nghề kinh doanh chuột đồng ở khu vực này. Anh Bé cho biết, nhu cầu tiêu thụ chuột đồng tăng và giá bán cũng cao hơn trước.
Mỗi ngày, anh đi dọc theo các tuyến kênh Vĩnh Tế có thể thu gom được từ 400 đến 500 kg chuột đồng do người dân bắt. Giá thu mua chuột tại đồng là 45.000 đồng một kg, bán lại cho thương lái 50.000 đồng, anh Bé có thể kiếm lời hơn 2 triệu đồng mỗi ngày.
Từ đây, chuột sống được vận chuyển bán lại cho các vựa ở thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) với giá 70.000 đồng một kg. Chủ vựa lại thuê người lột da, làm sạch chuột rồi ướp lạnh đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh miền Tây, lên tới TP HCM.
Bình quân, mỗi chuyến đi bằng xe gắn máy, người vận chuyển chuột từ vùng biên xuống Cái Dầu cũng kiếm lời được trên một triệu đồng. Riêng những người làm nghề lột da chuột cũng có thu nhập từ 100.000 đến 200.000 đồng một ngày.
Theo anh Bé, người dân vùng biên giới giáp Campuchia thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) và Giang Thành (Kiên Giang) có thể săn bắt chuột quanh năm. Tuy nhiên, chuột xuất hiện nhiều nhất vào đầu các vụ xuống lúa giống. Riêng vào mùa nước nổi, người thu gom chuột như anh có thể mua được cả tấn chuột mỗi ngày, thu gần 5 triệu đồng. Còn người bắt chuột và người chở đi bỏ mối kiếm được 1-2 triệu đồng một ngày là bình thường.
Chuột đồng miền Tây ngon, béo, có thể chế biến thành nhiều món: chiên giòn hoặc xào lá cách, xào củ hành, nướng ngũ vị hương, khìa nước dừa, xối mỡ, chiên nước mắm, rô ti, nướng sả, quay lu cho đến nấu cơm mẻ và khô chuột nướng lửa hồng.