Đối với bất động sản, không có chuyện rót vốn “giải cứu”, trong khi thị trường này dù suy giảm, đóng băng nhưng giá vẫn giảm nhỏ giọt, vượt quá khả năng của phần lớn người dân.
Những chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn chỉ ưu tiên cho một số lĩnh vực thiết yếu, phục vụ đời sống dân sinh.
Gói tài chính không “phủ sóng” đến bất động sản
Về gói tài chính 29 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ xem xét theo kiến nghị của Bộ Tài chính (sẽ trình Quốc hội quyết định), thực chất là các biện pháp tác động vào chính sách thuế.
Tuy nhiên, một số thông tin vừa qua chưa đầy đủ khiến nhiều người cho rằng, Chính phủ sử dụng số tiền trên để kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế, các biện pháp tác động vào thuế khác hẳn với việc sử dụng nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp cho vay với lãi suất thấp như việc tung tiền mặt trong các gói kích cầu trước đây.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, gói giải pháp đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên 5 nguyên tắc:
Thứ nhất là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để lạm phát quay trở lại và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Thứ hai, hỗ trợ đúng đối tượng doanh nghiệp đang khó khăn và hỗ trợ một cách kịp thời. Thứ ba, có tính đến khả năng cân đối ngân sách nhưng đồng thời tạo điều kiện về vốn, thanh khoản cho doanh nghiệp.Thứ tư, phối hợp tốt với điều hành chính sách tiền tệ để từng bước cắt giảm lãi suất, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Thứ năm, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp.
Theo đó, các giải pháp hướng vào miễn, giảm, giãn thuế, trong đó giãn thuế tác động lớn nhất, khoảng 16.000 tỷ đồng (giãn thuế VAT khoảng 12.030 tỷ đồng, giãn thuế TNDN khoảng 3.000 tỷ đồng).
Tiếp tục kiên định thắt chặt tài chính với bất động sản
Mặc dù doanh nghiệp bất động sản liên tục phát tín hiệu xin “giải cứu” từ cuối năm ngoái tới nay, nhưng xét toàn diện, có rất nhiều lĩnh vực khác cần được giải cứu chứ không phải bất động sản.
Vì vậy, hướng tháo gỡ là tập trung vốn tín dụng của Nhà nước vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là về điện, giao thông, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động…
Đối với bất động sản, sự đóng băng của thị trường này liên quan trực tiếp tới hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại. Bất động sản đã trở thành thị trường siêu lợi nhuận trong thời gian dài và tỷ lệ cho vay của ngân hàng thương mại đổ ra kênh này rất lớn. Khi thị trường suy giảm, việc thanh khoản kém tạo nợ xấu gia tăng.
Tại TP HCM, có hơn 23.000 đơn vị vay vốn tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố, trong số đó có trên 1.400 đơn vị phát sinh nợ xấu, với tỷ lệ 5,8% tổng dư nợ, tập trung cao nhất là lĩnh vực bất động sản, xây dựng (4.000 tỷ đồng).
Vì vậy, hiện các ngân hàng đều có chương trình và tuyên bố cứu bất động sản là điều dễ hiểu, vì cứu bất động sản cũng chính là giải pháp để ngân hàng thoát nợ xấu. Trước đây, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là các doanh nghiệp đã vay tiền của ngân hàng, huy động vốn của khách hàng để mua đất làm dự án, rồi ứng vốn của nhà thầu hoặc bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi để xây dựng.
Tuy nhiên, không vì mối quan hệ “anh em” giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản khó khăn mà Nhà nước có những thay đổi lớn về chính sách tiền tệ. Được kỳ vọng sẽ giảm mạnh trong năm 2012 song thực tế cho đến nay, thị trường này vẫn chỉ giảm nhỏ giọt và chủ yếu ở đất nền, đất dự án. Còn lại, giá nhà đất vẫn ở mức cao, nằm ngoài tầm với của đa số người dân.
Người dân đang kỳ vọng giá tiếp tục giảm sâu. Trong khi đó, nếu tung vốn vào thị trường này sẽ đẩy giá nhà đất tăng trở lại, kéo lạm phát tăng, đó là hệ luỵ cực kỳ nguy hiểm. Do đó, chính sách thắt chặt tín dụng với bất động sản là cần thiết và cần được kiên định trong dài hạn chứ không chỉ riêng năm 2012