Đại gia Việt biếu quà "độc", giá "khủng" cho ai?

Thứ tư, 09/05/2012, 07:22
Những món quà các chủ doanh nghiệp, doanh nhân tặng, biếu các cá nhân, đơn vị dù là quà gì? Tiền mặt hay cổ phiếu, hàng hóa, đất đai… đều rất quý giá, nếu mục đích làm từ thiện, trả ơn… Tuy nhiên, có không ít trường hợp mục đích cho tặng lại chỉ để vụ lợi.
 
Trong thông báo gửi Ủy ban chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, cho biết sẽ trích ra 150.000 cổ phiếu QCG đang sở hữu để làm quà tặng. Thông báo không đề cập sẽ tặng 150.000 cổ phiếu QCG cho ai. Nếu giao dịch cho tặng thành công, bà Loan còn giữ 60,58 triệu cổ phần, thay vì 60,73 triệu cổ phần như hiện tại. Thời gian chuyển nhượng dự kiến trong 2 tháng (từ 9/5 đến 9/7).

Đây là lần thứ 2 trong gần một năm qua, nữ doanh nhân Quốc Cường Gia Lai trích cổ phần QCG đang sở hữu để biếu tặng. Cuối năm 2011, bà Loan định dùng 201.005 cổ phần QCG để cho tặng nhưng có một đơn vị từ chối nhận. Chính vì vậy, bà Loan chỉ tặng 81.850 cổ phần. Sau giao dịch này, bà nắm giữ 60,73 triệu cổ phần QCG và giữ nguyên số cổ phần này đến nay.

Bà Loan là cổ đông lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai, nắm 49,98% tổng số cổ phần QCG lưu hành. VOF Investment Limited giữ 10% cổ phần QCG, 40% còn lại thuộc sở hữu của nhiều cổ đông khác. Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) sở hữu 537.500 cổ phần QCG.

Nếu tính theo thị giá cổ phiếu QCG trên thị trường chứng khoán ngày 7/5 (12.500 đồng một cổ phiếu), thì số tài sản 150.000 cổ phiếu QCG bà Loan sẽ tặng cho một người/đơn vị giấu tên trên lên tới hơn 1,87 tỷ đồng.


 
Dự luận không thể không đặt nghi ngờ về tính trung thực với những lô "quà tặng" khủng như siêu xe Bentley Continental Spur.


Trường hợp các chủ doanh nghiệp, doanh nhân cho, tặng, biếu một cá nhân, đơn vị nào đó bằng cổ phiếu, cổ phần mà họ đang sở hữu không phải là hiếm. Trước giờ có khá nhiều trường hợp cho tặng như vậy, với số lượng còn khủng hơn nhiều.

Những món quà các chủ doanh nghiệp, doanh nhân tặng, biếu các cá nhân, đơn vị dù là quà gì, là tiền mặt hay cổ phiếu, cổ phần, hàng hóa, đất đai… đều rất quý giá nếu mục đích cho tặng không vụ lợi, như làm từ thiện, trả ơn…

Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp mục đích cho tặng lại không phải để cho tặng, hoặc nhân những kẻ hở của pháp luật để dùng hình thức cho tặng quà nhằm mục đích riêng của mình như trốn thuế, lách giấy tờ…

Cụ thể, một số vụ cho, tặng cổ phiếu đình đám đã gây sự chú ý của công chúng đầu tư. Đơn cử, ngày 21/3/2007, ông Lê Quang Tiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT (thời điểm đó) đã chuyển nhượng hơn 1,85 triệu cổ phiếu trong tổng số 3,7 triệu cổ phiếu FPT đang sở hữu cho người vợ cũ theo quyết định ly hôn của tòa án, sau đó ông này còn tặng 900.000 cổ phiếu FPT cho con gái.

Ngày 26/7/2007, ông Lương Cao Tùng, thành viên HĐQT Công ty CP Xuất khẩu Bến Tre (ABT) tặng 250.000 cổ phiếu ABT cho bà Nguyễn Thu Hương, chị vợ của ông, ước tính theo thị giá cổ phiếu ABT thời điểm đó, số tiền lên đến hơn 25 tỷ đồng.

Pháp luật chứng khoán các nước trên thế giới đều có quy định về những trường hợp này và coi đây là ngoại lệ đối với nguyên tắc trung gian của các giao dịch trên thị trường tập trung.

Tuy nhiên, những chuyển nhượng trực tiếp này chỉ được phép thực hiện khi thỏa mãn các tiêu chí nhất định để đảm bảo rằng, chuyển nhượng không thông qua trung gian không phải là mục tiêu vụ lợi của nhà đầu tư.

Theo một quan chức Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, điều này cần thiết nhằm đảm bảo tính công bằng cho nhà đầu tư khác khi mua bán chứng khoán qua thị trường chứng khoán, bởi lẽ không loại trừ có trường hợp nhà đầu tư tìm cách lợi dụng chuyển nhượng trực tiếp này để thực hiện mục đích riêng của mình như thâu tóm doanh nghiệp niêm yết, thao túng giá...

Tại Việt Nam, xét trên góc độ pháp lý, Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp chưa có quy định đầy đủ và rõ ràng về việc cho, tặng, phân chia tài sản bằng cổ phiếu niêm yết.

Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ Công thương từng bác yêu cầu của một cá nhân ở Hà Nội xin nhập khẩu một chiếc ô tô mới cứng hiệu Bentley Continental Spur dung tích 6.0L theo hình thức phi mậu dịch với khai báo là làm quà tặng, quà biếu cho một người khác.

Thương hiệu Bentley Continental Spur được liệt vào hàng siêu xe, với dung tích 6.0L, khi về Việt Nam (cộng tất cả các khoản thuế) sẽ có giá vào khoảng 10 tỷ đồng. Một món quà là chiếc siêu xe chưa qua sử dụng mà có người lại  hào phóng trao tặng nhau quả là đáng ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, một số cán bộ hải quan có kinh nghiệm nhận định vụ việc này có thể mục đích không đơn giản là tặng biếu, vì một số trường hợp xin nhập khẩu phi mậu dịch (khi khai báo quà tặng, biếu sẽ được nhập khẩu phi mậu dich) có thể là "chiêu" để các nhà nhập khẩu lách quy định về giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. Cụ thể, ở đây là các quy định về giấy phép nhập khẩu ô tô tại Thông tư 20.

Chưa kể, một số người cũng không loại trừ khả năng có những trường hợp có nhu cầu chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam nhưng gặp khó khăn trong thủ tục này nên chuyển hướng sang mua hàng hoá có giá trị tương ứng và nhu cầu tiêu thụ nội địa cao để đưa về nước.

Vào thời điểm trước, tại Hải quan TP HCM, một cá nhân xin làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Sài Gòn khu vực 1 lô hàng gồm 7.500 đôi giày thể thao dành cho người lớn, có xuất xứ Trung Quốc dưới dạng “quà biếu, quà tặng”. Cục Hải quan TP HCM cho rằng số lượng lên đến 7.500 đôi giày thể thao không thể xem là quà biếu, quà tặng của cá nhân, tổ chức nước ngoài và cũng không thể nói cá nhân này nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.

Ngoài việc lợi dụng loại hình phi mậu dịch nhập khẩu để “né” giấy phép tự động, giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất, cá nhân này còn khai báo hải quan giá rất thấp, chỉ có 0,7 USD/đôi (chưa đến 15.000 đồng/đôi giày thể thao) để tránh việc nộp thuế đúng giá trị hàng thực nhập.

Hồi tháng 4 năm nay, dư luận xôn xao khi một doanh nghiệp là Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Thái Bình Dương đã tặng cho Bộ Giao thông vận tải 1 chiếc ôtô 8 chỗ hiệu Land Cruiser VX, nguyên giá hơn 2,6 tỷ đồng.

Mục đích của việc tặng biếu này được bàn cãi khá nhiều, có thể đây chỉ là việc cho tặng thông thường, có doanh nghiệp tặng từ thiện, có người lại tặng cho các cơ quan nhà nước, đấy là quyền riêng của họ.

Dư luận có quyền bàn luận nhưng không có quyền khẳng định, chỉ biết rằng sau đó có thông tin doanh nghiệp trên đã trúng thầu trong một dự án của Bộ Giao thông vận tải. 

 

Theo Giáo dục

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích