Định giá điện, xăng dầu: Bộ Công Thương không đồng thuận, vì sao?

Thứ ba, 08/05/2012, 16:25
Vì sao tuần rồi Bộ Công Thương, cơ quan quản lý trực tiếp ngành điện và xăng dầu, lại gửi văn bản cho Thủ tướng, đề nghị loại bỏ hai mặt hàng này ra khỏi danh mục định giá của dự thảo Luật Giá?
 
Đại diện phía Chính phủ trình dự thảo Luật Giá ra Thường vụ Quốc hội hồi giữa tháng 4 là Bộ Tài chính, nơi đang quản lý giá xăng dầu. Trong khi đó, giá điện và hệ thống phân phối xăng dầu lại do Bộ Công Thương quản.

Hai bộ này trong thời gian qua thường có ý kiến trái chiều nhau trong một số vấn đề liên quan đến việc quản lý giá. Bộ Tài chính thường muốn quản lý giá chặt hơn nên dự thảo Luật Giá thể hiện rõ quan điểm này bằng các quy định về bình ổn giá và định giá điện, giá xăng.

 


Bộ Công Thương muốn loại bỏ điện và xăng dầu ra khỏi dự thảo Luật giá
 

Còn Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, khi thẩm định dự thảo luật, cũng đưa ra ba tiêu chí để chọn các mặt hàng, dịch vụ đưa vào diện phải định giá và bình ổn giá, đó là các mặt hàng, dịch vụ dùng vốn ngân sách, nhà nước độc quyền và những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Theo tiêu chí đó, thuận theo Bộ Tài chính, ủy ban này đưa điện và xăng dầu vào danh mục định giá (và đương nhiên được bình ổn giá, cũng theo dự thảo luật).

Thông thường, Bộ Công Thương có chung tiếng nói với những người soạn luật về quản lý hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước độc quyền. Nhưng lần này Bộ Công Thương lại không đồng thuận. Vì sao?

Trong văn bản gửi Thủ tướng hôm 23-4, bộ này cho rằng điện và xăng dầu đều là những mặt hàng mà Nhà nước từng bước thực hiện cơ chế thị trường theo lộ trình được vạch sẵn.  “Về giá điện, Luật Điện lực hiện hành cho phép Nhà nước chỉ giám sát giá (phê duyệt khung giá hay biểu giá), chứ không trực tiếp định giá.Việc định giá bán lẻ điện bình quân mà Nhà nước đang áp dụng chỉ phù hợp trong giai đoạn hiện tại khi tập đoàn Điện lực (EVN) còn độc quyền mua và bán lẻ điện”, nội dung văn bản nêu rõ.

Khi cấu trúc thị trường thay đổi, các quy định về giá điện cũng phải thay đổi theo. Vì vậy dự thảo Luật Giá cũng phải tính đến việc chỉ còn tám năm nữa, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ hoạt động.

Lúc đó, việc định giá điện sẽ đi ngược với những cam kết của WTO về tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, nhất là khi Nhà nước can thiệp vào việc định giá hàng hóa, dịch vụ bất kể thuộc sở hữu nhà nước hay ngoài sở hữu nhà nước (đoạn 78 và 96 - Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO). Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị loại giá bán lẻ điện ra khỏi diện định giá.

Thực tế đợt điều chỉnh giá xăng tăng 900 đồng/lít hôm 20-4 mới đây cho thấy việc Nhà nước can thiệp giá không đúng thời điểm khiến cho giá xăng dầu bị méo mó.

Tương tự, bộ này cũng cho rằng việc định giá xăng dầu là vô hiệu hóa Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Do đó việc đưa mặt hàng xăng dầu vào diện Nhà nước định giá là không phù hợp với chính quy định của Nhà nước. Bộ Công Thương đề nghị xăng dầu chỉ thuộc nhóm bình ổn giá.

Trong một văn bản khác cũng gửi Thủ tướng tổng kết việc thi hành Nghị định 84, Bộ Công Thương cho rằng các đợt điều chỉnh, can thiệp giá bán lẻ xăng dầu từ Bộ Tài chính thường chậm so với biến động của giá thế giới. Giá bán lẻ nhiều khi thấp hơn giá thế giới dẫn đến việc doanh nghiệp xăng dầu hiện còn treo lỗ lũy kế khoảng 5.000 tỉ đồng.

Thực tế đợt điều chỉnh giá xăng tăng 900 đồng/lít hôm 20-4 mới đây cho thấy việc Nhà nước can thiệp giá không đúng thời điểm khiến cho giá xăng dầu bị méo mó. Như thừa nhận của Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và một số doanh nghiệp đầu mối, tại thời điểm quyết định tăng giá xăng, các doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi từ 300-500 đồng/lít. Việc lỗ (nếu có) là trước thời điểm tăng giá ít nhất gần một tháng.

Mục đích của Luật Giá là kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước độc quyền có tác động mạnh đến đời sống của nhân dân. Nhưng hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi, từ cơ quan soạn luật, cơ quan thẩm tra đến các bên có liên quan, xung quanh dự luật này.

Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước, cũng như các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, e ngại các vấn đề còn tranh cãi khi soạn thảo Luật Giá có thể lặp lại “vết xe đổ” khi làm luật về hội cách đây chưa lâu (luật về hội được đưa vào chương trình làm luật từ Quốc hội khóa XI đến nay chưa thông qua được).

Quay lại vấn đề giá điện, giá xăng, không có gì đảm bảo những quy định của dự thảo Luật Giá sẽ giải quyết được những bất cập về giá mà người dân phải gánh chịu. Điều quan trọng là, dù điều hành theo cơ chế nào, thì các yếu tố cấu thành giá điện, giá xăng phải rõ ràng, minh bạch và công khai, chịu sự kiểm soát của các cơ quan kiểm toán và công luận, không phụ thuộc vào ý chí, sự điều khiển chủ quan của nhà nước hay mong muốn của doanh nghiệp.
 

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn