Hoài nghi tham vọng thâu tóm các công ty nhỏ của Kinh Đô?

Thứ ba, 08/05/2012, 11:10
Trong khi chi phí bán hàng và lãi vay bị đẩy lên cao, lợi nhuận ròng giảm thì việc thâu tóm các công ty nhỏ nhằm gia tăng thị phần liệu có phải chiến lược sáng suốt của Kinh Đô?


>> Siêu dế "Vertu rồng" của đại gia Việt
>> Đỗ Quang Hiển: Đại gia tài chính và ông bầu bóng đá hào phóng


Mọi chi phí cùng tăng cao

Theo những thông tin từ Báo cáo tài chính quý IV/2011 của Kinh Đô (KDC), tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu của công ty đã tăng đáng kể, từ mức 17,9% năm 2010 lên 22,3% năm 2011. KDC là doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng bánh kẹo, có đặc thù riêng, nên tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu của Công ty cổ phần Kido (công ty thành viên, đã sáp nhập vào KDC) là khá cao.

Cụ thể năm 2009 là 32%, 9 tháng đầu năm 2010 là 35%. Trong khi đó, khoản khấu hao lợi thế thương mại phát sinh từ việc hợp nhất Kinh Đô Miền Bắc (NKD) và Kido (hai công ty cùng sáp nhập vào KDC tháng 5/2010) cũng làm tăng chi phí quản lý của công ty mẹ.

Không khó để nhận thấy, tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu của KDC (22,3%) là cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành là Bibica (BBC -19%) và Bánh kẹo Hải Hà (HHC - 5,8%). Tương tự, tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu của KDC là 7,6%, trong khi của BBC chỉ là 4,6% và HHC là 5,5%.

Thêm vào đó, chi phí lãi vay của KDC tăng 2,83 lần trong năm ngoái, từ 42 tỷ đồng lên 119 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cũng ghi nhận chuyện KDC dùng nhiều khoản vay
ngân hàng để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển khá nhanh chóng của mình.

Khoản nợ ngắn hạn đã tăng 2,31 lần, lên 881 tỷ đồng; còn nợ dài hạn tăng 1,23 lần, lên 115 tỷ đồng. Tuy số vốn phải vay ngân hàng nhiều với các khoản nợ gia tăng, song công ty vẫn kiểm soát được tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức an toàn là 26% vào thời điểm ngày 31/12/2011.


Kinh Đô nuôi tham vọng gì khi thâu tóm các công ty nhỏ?


Có thông tin cho biết thêm, KDC đã có một khoản thu nhập bất thường tương đối lớn, ước trên 400 tỷ đồng ròng, thu được từ việc chuyển nhượng 50% cổ phần trong một dự án bất động sản vào năm 2010. Như vậy, nếu loại bỏ khoản thu nhập bất thường này, thu nhập tài chính của KDC sẽ giảm 62 tỷ đồng.

Lý do chính vẫn là do chi phí lãi vay ngân hàng tăng, dẫn đến sự sụt giảm khả năng trả lãi của KDC. Điều này cũng phản ánh hệ số khả năng thanh toán lãi vay giảm (năm 2010: 4,62 lần, đến 2011 giảm còn 3,35 lần). So sánh với BBC (7,8 lần) thì tỷ lệ này của KDC năm 2011 thấp hơn đáng kể; cho thấy các khoản nợ của KDC tăng và hệ số khả năng thanh toán lãi vay giảm, bộc lộ một khả năng, dù chưa chắc chắn, là KDC đang có nguy cơ gặp rủi ro tài chính.


Tăng trưởng lợi nhuận ròng giảm

Vẫn theo báo cáo đã dẫn, lợi nhuận trước thuế thực tế của KDC là 349 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch ban đầu 550 tỷ đồng. Công ty này cho biết, lợi nhuận mục tiêu năm 2011 không bao gồm khấu hao lợi thế thương mại từ việc sáp nhập hai công ty Kido và NKD vào KDC cũng như việc mua lại 19,8% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương diễn ra vào nửa đầu năm ngoái.

Nhưng theo phân tích của một chuyên gia tài chính, kể cả tạm loại bỏ mức chi phí khấu hao ước tính (khoảng 57,6 tỷ đồng) trong mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2011, thì Công ty cũng chỉ đạt 71% mục tiêu lợi nhuận trước thuế đã điều chỉnh. Mức lợi nhuận thuần của KDC đã tụt giảm 48% so với năm 2010, còn khoảng 300 tỷ đồng.

Một vấn đề nữa, chỉ số thu nhập cổ phiếu (EPS) của KDC năm 2011 đã giảm mạnh ở mức 53% so với 2010. (EPS năm 2011 là 2.445 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với mức 5.189 đồng/cổ phiếu của năm 2010). Do vậy, các chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) của KDC cũng giảm đáng kể, thấp hơn so với BBC và HHC.

Cụ thể, ROE năm 2011 của KDC là 7,8%, BBC 8,4% và HHC 13,2%. Theo ông Kelly Wong, Giám đốc Tài chính KDC, để cải thiện ROE, công ty ông sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, dựa trên quy mô tài sản công ty cũng như danh mục sản phẩm mà trong tương lai sẽ khai thác. Nếu cải thiện được hiệu quả hoạt động, lợi nhuận sẽ tăng và dự tính ROE của KDC sẽ đạt khoảng 10% trong những năm tới.

Tăng trưởng lợi nhuận ròng giảm.

 

Tham vọng trên thị trường mỳ gói - dầu ăn

Hiện KDC là doanh nghiệp tư nhân thuộc loại lớn nhất trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Nhận định này dựa trên cơ sở mức doanh thu năm 2011 của Công ty tăng đến 120% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 4.266 tỷ đồng.

Sự gia tăng đột biến doanh thu chủ yếu nhờ việc Hội đồng quản trị công ty quyết định tiến hành hợp nhất NKD và Kido vào KDC. Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng doanh thu riêng biệt của ba công ty, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2011 chỉ là 27,6% so với cùng kỳ năm 2010, vì tình hình tài chính hai công ty con chưa ảnh hưởng ngay đến báo cáo tài chính hợp nhất KDC năm 2010.

Theo phân tích của KDC, tăng trưởng doanh thu (trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo) thường được đóng góp bởi 1/3 là khối lượng hàng bán tăng, 2/3 là giá bán tăng. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu thuần là 27,6% so với năm trước trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát cao trong năm 2012 (18,13%).

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu lớn là lấn sân sang lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thực phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao (mỳ gói, dầu ăn, sữa, nước mắm) và gia tăng giá trị cho công ty, KDC đã có những bước đi mang tính chiến lược.

Đầu tiên là hợp tác chiến lược với đối tác ngoại qua việc bán 14 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Ezaki Glico - công ty sản xuất thực phẩm, bánh kẹo Nhật Bản có doanh thu thuần 3,4 tỷ USD tính đến 31/3/2011.

KDC cho biết, họ đã phát hành lượng cổ phiếu này với giá 680 tỷ đồng qua hình thức chào bán riêng lẻ cho Glico (1/2012) – một mức giá cao hơn tới 40% so với thị giá. Tỷ lệ sở hữu của Ezaki Glico tại KDC được cho là 10,5%.
 
Chiến lược bán hàng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với ngành thực phẩm. KDC cho biết sẽ phân phối các sản phẩm Ezaki Glico thông qua mạng lưới phân phối rộng lớn trên 120.000 cửa hàng bán lẻ khắp cả nước của mình.

Chính lợi thế này cho phép KDC được hưởng hoa hồng ở giai đoạn đầu của quá trình hợp tác, theo thỏa thuận giữa hai bên trong thương vụ. KDC đề ra mục tiêu đạt doanh thu từ việc phân phối các sản phẩm của Ezaki Glico khoảng 1.000 tỷ đồng (50 triệu USD), tức là chiếm 1/6 tổng doanh thu năm 2012 của công ty.

Có thể tin cái bắt tay với Ezaki Glico sẽ tạo ra giá trị tích hợp (synergy value) lớn cho công ty Việt Nam trong việc phát triển ngành kinh doanh cốt lõi là bánh kẹo và kem. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác này cũng giúp ích cho chiến lược lâu dài mà KDC hướng tới, đó là mở rộng sang các sản phẩm thực phẩm thiết yếu.

Ngoài Ezaki Glico, có tin cho hay KDC đang "ngắm nghía" một đối tác từ Malaysia và có thể ký hợp đồng hợp tác đầu tư ngay trong năm nay nếu không có gì thay đổi.

Nhưng, các nhà phân tích cho rằng, KDC không được phép quên những thất bại buồn đau trong quá khứ, chẳng hạn hợp tác không hiệu quả với các đối tác Nutifood (KDC mua 30% vốn cổ phần Nutifood để phát triển các sản phẩm từ sữa, nhưng hợp tác thất bại khiến Nutifood lỗ khoảng 150 tỷ đồng cuối năm 2008), hay Uni-President (để phát triển các sản phẩm nước giải khát).

Một chuyên gia marketing trong ngành thực phẩm tại TP.HCM cho biết, rút kinh nghiệm từ những thương vụ không thành công ngày trước, hiện tại KDC sẽ vẫn theo đuổi chiến lược mang tính dài hạn.

Chiến lược này đặt trọng tâm chính vào ngành kinh doanh cốt lõi của KDC là bánh kẹo. Sau đó, Công ty sẽ mở rộng và đặt chân vào thị trường chế biến nhóm sản phẩm thực phẩm thiết yếu, bao gồm mỳ gói, sữa, dầu ăn, nước mắm. "KDC có lẽ sẽ không đầu tư trực tiếp vào quá trình sản xuất nhóm mặt hàng này, mà đi thuê ngoài các đối tác chiến lược thực hiện khâu sản xuất.

Thay vào đó, KDC dồn sức cho mặt trận tiếp thị và xây dựng thương hiệu như hai trụ cột then chốt nhằm giành giật thị phần vốn đã chật hẹp do sừng sững nhiều ông lớn như Masan, Vinamilk", vị chuyên gia tiết lộ.

Bước đi chiến lược thứ hai của KDC được dự báo là "săn" doanh nghiệp có nền tảng tài sản bền vững nhằm mua bán, sáp nhập số doanh nghiệp này. Nhưng KDC sẽ vận dụng chiến thuật chậm mà chắc, đi theo các lộ trình bài bản với mục tiêu tương đối khiêm tốn so với tiềm lực và vị trí của KDC - đạt vị trí số 2 hoặc số 3 trong những phân khúc mới này, chưa phải vị trí số 1.

Nhìn vào cơ cấu doanh thu của KDC hiện nay có lẽ đây là nước cờ khá cao tay. Bởi lẽ, cho dù nắm giữ một phân khúc thị trường hấp dẫn (sản xuất bánh kẹo, snack, bánh gạo, bánh trung thu…) với thương hiệu đã được tạo lập vững chắc thì tính chất mùa vụ của ngành hàng này cũng buộc KDC phải đa dạng hóa sản xuất, nếu không sẽ chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu, tỷ suất lợi nhuận và dòng tiền không cao và ổn định như các nhóm hàng thực phẩm thiết yếu khác. Trong khi đó, mỳ ăn liền, sữa hay dầu ăn và nước mắm đều là nhóm hàng thực phẩm có tỷ suất lợi nhuận và tính ổn định của dòng tiền cao.

Liệu KDC có chiến thắng trên sân chơi khốc liệt đang có những Vinamilk, Masan Food, AceCook, Asian Food… thi nhau làm mưa làm gió, trong khi vẫn phải giữ vững ngôi vị dẫn đầu ngành bánh kẹo nội địa?


Theo DĐDN

Các tin cũ hơn