Thu hồi đất ở Văn Giang: Chỉ người dân chịu thiệt

Thứ ba, 08/05/2012, 07:41
Lý giải đến tận cùng nguyên nhân xung đột giữa một số người dân có đất bị thu hồi trong dự án với chủ đầu tư và chính quyền ở Văn Giang không thể không bàn đến vấn đề lợi ích của các bên liên quan.


>>Nhộn nhịp đầu tư bất động sản tại Văn Giang
>>Hưng Yên: Hơn 160 hộ dân Văn Giang bị cưỡng chế thu hồi đất
>>1.000 công an tham gia trong vụ cưỡng chế đất ở Hưng Yên


Được và mất không chỉ là bài toán của chủ đầu tư, mà lớn hơn và bao trùm hơn là bài toán của chính quyền, những người hơn ai hết có thể bảo đảm sự hài hòa về quyền lợi của các bên khi thực hiện dự án.

Việc thu hồi đất ở xã Xuân Quan - Văn Giang đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của một số người dân nhưng cuối cùng, ngày 24-4 vừa qua, chính quyền cũng đã thực hiện xong việc cưỡng chế và đã bàn giao 72 ha cho chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng -Vihajico).


Chỉ chủ đầu tư được lợi?

Căn cứ giá đền bù, có thể thấy cán cân lệch hẳn về phía chủ đầu tư, nếu không muốn nói là gần như chỉ có họ được lợi. Người được lợi ít hơn, không đáng kể là Nhà nước và người chịu thiệt là nông dân.

Để thực hiện dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (gọi tắt là khu đô thị sinh thái Ecopark), 3.900 hộ dân của ba xã Cửu Cao, Xuân Quan và Phụng Công sẽ gần như không còn đất sản xuất nông nghiệp - vốn là sinh kế duy nhất của họ từ nhiều thế hệ qua.

Với mức giá đền bù chỉ 135.000 đồng/m2, mỗi hộ dân có năm nhân khẩu và 2,5 sào ruộng ở đây có thể nhận về số tiền hơn 120 triệu đồng. Số tiền này đủ để duy trì cuộc sống của năm con người trong vòng một năm. Trong khi đó, các giải pháp hỗ trợ, giúp người dân chuyển đổi nghề, chuyển sang làm dịch vụ… không thấy gì. Từ đó, có thể nói thu hồi đất đồng nghĩa với việc cắt đứt nguồn sống của họ.
 

Dọn dẹp hiện trường sau cưỡng chế.


GS-TS Nguyễn Minh Thuyết có một phép so sánh đơn giản: “Đền bù cho người ta chỉ hơn 100.000 đồng/m2, nghĩa là gì? Nghĩa là mua được vài lít xăng hoặc ba bát phở. 1m2 đất nông nghiệp, kết quả tích tụ của hàng bao nhiêu năm, lại là cái người nông dân phải đổ ra bao nhiêu mồ hôi mới có được, chưa tính đến chuyện trong đó có cả thành quả cách mạng chia cho người ta nữa, mà giờ trả quá rẻ mạt. Làm sao người ta sống được?”.

Trong khi đó, giá căn hộ tại khu chung cư Rừng Cọ thuộc Ecopark được mở bán từ tháng 3-2011 đã ở mức 21-27 triệu đồng/m2. Con số này trừ chi phí đầu tư hạ tầng, xây dựng… vẫn còn lại khoản lợi nhuận lớn rơi vào túi nhà đầu tư và sau đấy có thể là giới đầu cơ nhà đất.

Về khoản đóng góp cho cho ngân sách Nhà nước từ dự án này, ông Thuyết đặt vấn đề: “Ecopark có làm đường, làm cầu cho Nhà nước, gọi là “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”. Thực ra số tiền ấy cũng có thể tính bằng ngàn tỉ đồng nhưng không phải là lớn lắm cho ngân sách Nhà nước. Cái chính là theo tôi, ở những trường hợp như thế này thì chúng ta phải đánh giá xem có nên phát triển kinh tế theo kiểu Nhà nước bán quyền sử dụng đất như thế hay không”.

Đó là chưa kể Ecopark cũng tỏ ra là một dự án gây ra sự lãng phí lớn về tài nguyên đất nông nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam đang phải cố gắng duy trì tối thiểu 3,8 triệu ha đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

“Có thể chúng ta sẽ có được một khu đô thị sinh thái rất đẹp nhưng rõ ràng chúng ta đã lãng phí một tài nguyên rất lớn. Đó là đất nông nghiệp, nhất là đất ở Văn Giang, vốn được đánh giá là đất hai lúa, bờ xôi ruộng mật. Xét về mặt chính sách, phải tính toán để các tỉnh đồng bằng có thế mạnh về đất nông nghiệp, đất lúa phát triển đô thị một cách phù hợp” - ông Thuyết nói.

Liệu lợi ích mà khu đô thị mang lại, theo như chủ đầu tư hứa hẹn: Sẽ hình thành một khu đô thị mới, xanh, sạch, đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu đô thị du lịch, giải trí và thương mại đặc thù Việt Nam phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước; sẽ hình thành một trung tâm buôn bán, giao dịch thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân - trung tâm kinh tế khu vực của tỉnh, trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí… có bù đắp được những thiệt hại, mất mát của người dân nơi đây?
 

Dự án Khu biệt thự Vườn Tùng. (Ảnh do người dân Văn Giang cung cấp)


Không được để mất lòng dân!

Ở góc độ khác, ông Thuyết bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng, khi qua vụ cưỡng chế vừa qua, “chỉ thu được mấy hecta mà hình ảnh chính quyền trở nên rất xấu” trong mắt người dân.

Ông lý giải: “Họ đã khiếu kiện rất nhiều nhưng chính quyền không lắng nghe, không giải quyết hợp tình hợp lý, cuối cùng tổ chức cưỡng chế, ắt không tránh khỏi việc họ có hành động phản kháng để bảo vệ đất…”.

Thực tế ở Xuân Quan, “di chứng” còn lại của vụ cưỡng chế là nỗi kinh sợ trong tâm lý người dân khiến họ cảnh giác với tất cả người lạ. Tối tối người già họp nhau lại than thở về mất mát, còn thanh niên cầm gậy gộc, giáo mác tự chế “đi tuần” bên ngoài…

Xung quanh chuyện được mất, người dân Xuân Quan vẫn nhắc lại chuyện năm 1955, bà con đã từng tự nguyện hiến 90 mẫu đất, năm 1958 hiến gần 200 mẫu để đào sông, phục vụ cho việc bơm nước xây dựng công trình thủy lợi nổi tiếng Bắc Hưng Hải. Cũng năm ấy, chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, gần 150 hộ gia đình ở Bát Tràng đã tự nguyện dỡ nhà, ra đi để nhường chỗ cho con kênh đào dẫn nước vào cống Xuân Quan.

Ông Bàn, xóm 4, xã Xuân Quan khẳng định: “Người dân chúng tôi không hề muốn chống đối chính quyền. Nếu thấy đúng đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì chúng tôi có thể hiến tất cả đất ruộng và ngay cả đất thổ cư để phục vụ cho công cuộc kiến quốc”.
 

Lấy vận động, thuyết phục làm chính

Tập trung giải quyết dứt điểm 528 vụ khiếu kiện còn tồn đọng trong cả nước, bởi “nếu chủ quan, coi thường, không tập trung giải quyết dứt điểm thì đây sẽ là những mầm mống dẫn tới bất ổn an ninh chính trị thời gian tới”.

Quá trình lập quy hoạch, thu hồi đất phải sát thực tế, phải dân chủ, bàn bạc công khai theo đúng quy trình để đảm bảo sự đồng thuận. Quá trình này phải hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Chúng ta phải làm hết lòng, hết trách nhiệm để người dân thấy được lẽ phải. Khi họ thấy lẽ phải thì họ sẽ đồng thuận thực hiện.

Trong các vụ việc, khi đã làm hết cách vận động, tuyên truyền, thuyết phục mà một số ít người dân vẫn cố tình không chấp hành mới buộc phải cưỡng chế. Cưỡng chế cũng phải đúng phương án, phù hợp quy định pháp luật với tinh thần không dùng vũ khí, không được để xảy ra chết người, không được dùng quân đội vào cưỡng chế.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG phát biểu tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào ngày 2-5.

Dẫn theo Lao Động, Thanh Niên, 3-5

Khiếu nại và niềm tin

Hầu hết những vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài đều có điểm chung đó là chính quyền cơ sở đã có những việc làm khiến người dân không còn tin. (…) Vụ cưỡng chế đất đai gây xôn xao dư luận tại Văn Giang trong mấy ngày vừa qua cũng xuất phát từ việc người dân mất lòng tin. Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ nhận xét: “Trong vụ Văn Giang, mọi quy định luật pháp đều được chính quyền tôn trọng và đảm bảo ở mức cao. Nhưng tại sao dân vẫn khiếu kiện là bởi vì họ không có niềm tin rằng chính quyền làm đúng. Hơn nữa, về mặt luật pháp hiện cũng còn những điểm chưa lấp đầy. Đền bù cho dân hơn 100.000 đồng/m2, chủ đầu tư bán đất đô thị mấy chục triệu đồng/m2 thì đúng là khó giải thích với họ”.

AN NGUYÊN (Theo Thanh Niên, 3-5)

Từ năm 2003, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) được phép đầu tư dự án khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang (Ecopark) với tổng diện tích 500 ha, trở thành một trong những dự án bất động sản lớn nhất tại miền Bắc. Đến nay, dự án đã và đang triển khai một số dự án thành phần như khu căn hộ Rừng Cọ, khu nhà phố Phố Trúc và các khu biệt thự Vườn Tùng và Vườn Mai. Theo tìm hiểu của VnEconomy, giá căn hộ tại dự án này hiện đang được rao bán với giá trên dưới 20 triệu đồng/m2 và giá bán biệt thự và nhà phố trên dưới 45 triệu đồng/m2, đã bao gồm phần xây thô.

(Theo VnEconomy, 27-4)



Theo Pháp Luật TP

Các tin cũ hơn