Cổ đông chiến lược nhìn từ trường hợp Deutsche Bank tại HBB

Thứ ba, 08/05/2012, 09:06
Sau 5 năm Deutsche Bank trở thành đối tác chiến lược, HBB đã phải “bán mình” và phần vốn pha loãng còn lại đang bị SHB “ra điều kiện”.

>>Ấn nút sáp nhập HBB, SHB vào Top 10 ngân hàng TM lớn nhất VN
>>Chủ tịch SHB: Hoán đổi cổ phiếu hoàn tất trong tháng 6, chỉ HBB hủy niêm yết
>>HBB thấp thỏm chờ cổ đông SHB "quyết" vụ sáp nhập




 

Tháng 2/2007, Deutsche Bank trở thành đối tác chiến lược nước ngoài của Habubank trong đợt tăng vốn điều lệ lên 2,000 tỷ đồng. Với tư cách cổ đông chiến lược, Deutsche Bank có một đại diện là ông Joseph Paul Longo trong HĐQT.

Đúng 5 năm sau, Habubank công bố số liệu theo kiểm toán đặc biệt đến cuối tháng 2/2012 thì vốn chủ sở hữu của ngân hàng này chỉ còn 195 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên 32%, thu nhập lãi thuần âm 281 tỷ đồng, chi phí dự phòng 2,622 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế âm 4,197 tỷ đồng. Nếu tính bình thường theo theo chuẩn mực kế toán Việt Nam thì tỷ lệ nợ xấu cũng lên đến 16.06%.

Trước thực trạng “ngã ngữa” này, hơn 85% cổ đông của HBB đành phải nhất trí sáp nhập vào SHB trong đại hội cổ đông diễn ra tuần qua.

Hiện Deutsche Bank đang nắm 10% vốn điều lệ tại HBB. Sau sáp nhập, tỷ lệ nắm giữ sẽ bị pha loãng xuống còn khoảng hơn 3%. Với tỷ lệ này thì rõ ràng vai trò ảnh hưởng của Deutsche Bank sẽ bị suy giảm mạnh mẽ.

Không dừng lại ở đó, phần vốn của Deutsche Bank tại ngân hàng sau sáp nhập đang bị ngân hàng nhận sáp nhập là SHB “ra điều kiện”. Theo đó, SHB đưa ra hai phương án:

(1) Deutsche Bank bán lại cổ phần cho các cổ đông hiện hữu, hoặc

(2) Deutsche Bank vẫn đảm bảo tỷ lệ sở hữu là 10% để trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng sau sáp nhập bằng cách tăng tỷ lệ sở hữu, với điều kiện phải có sự cam kết lâu dài với SHB và hỗ trợ về chiến lược phát triển, CNTT, đào tạo nguồn nhân lực từ Deutsche Bank.

Các phương án này rõ ràng là khá ngặt nghèo đối với Deutsche Bank, vì nếu bán hết phần vốn góp thì phải chịu khoản lỗ lớn, trong khi tiếp tục rót thêm vốn thì cũng khó xử không kém.

Câu hỏi đặt ra là có phải Deutsche Bank với chỉ một đại diện trong HĐQT đã không thể “quản trị” nổi các hoạt động kinh doanh khiến HBB phải “bán mình”?

Và liệu tình trạng này có tiếp tục diễn ra ở các ngân hàng khác hay không, khi mà vài năm trước đây, hàng loạt định chế tài chính nước ngoài vẫn khao khát trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng nội?


Theo infonet

Các tin cũ hơn