>>Đấu giá viên kim cương hồng “sao Hoả” quý hiếm
>>Sắp đấu giá viên kim cương hình trái lê 400 năm tuổi
>>Ai dám ăn Socola dát vàng và kim cương?
Gia tài kinh doanh của những 'nhà buôn' kim cương ở thủ đô Kinshasa (Congo)
chỉ vỏn vẹn trong chiếc vali: gồm có kim cương và tiền mặt.
Khi Gabriel Osombo, một công dân Congo sống tại Kinshahsa, nhận ra rằng mình không thể đủ sống nếu làm một công chức nhà nước ở CHDC Congo, anh quyết định tự kinh doanh.
Năm 2004, Congo bắt đầu đi lên sau một thập kỷ chiến tranh. Dạy học, sau đó là kế toán là những công việc đầy hứa hẹn với những công dân như Osombo. Nhưng làm công chức đồng nghĩa với việc chậm lương và sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Osombo quyết định mở một cửa hiệu ở khu chợ trời kim cương ở Kinshasa.
Giống Osombo, tất cả những người bán kim cương ở đây đều buôn bán ngoài trời, trên các bàn nhựa dưới gốc cây, dọc một bên phố ở trung tâm thủ đô Congo.
Mặc dù có một số lượng kim cương lớn được bày bán và rất dễ bị 'chôm', nhưng những người bán hàng ở đây không hề lo lắng về vấn đề an ninh.
"Chúng tôi xem như có công ty riêng với chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký riêng - chính là tôi. Và có bảo vệ ở chợ. Chúng tôi kiểm soát mọi thứ", Osombo khẳng định. "Nếu có một người đáng nghi xuất hiện ở chợ, nếu chúng tôi thấy có gì bất ổn, bảo vệ của chúng tôi sẽ chặn họ lại và gọi cảnh sát ngay".
Những người kinh doanh ở đây nói, họ có thể nhận ra chính xác đâu là kim cương Congo - thứ kim cương được đào ở những vùng tranh chấp và họ sẽ từ chối bán những loại kim cương buôn lậu từ những nước khác, như Zimbabwe.
Chợ kim cương bắt người mua và người bán đăng ký danh tính, để đảm bảo việc truy xuất nguồn gấc và gìn giữ các loại 'kim cương máu'.
Công việc kinh doanh của Osombo chỉ vỏn vẹn trong chiếc vali: gồm có kim cương và tiền mặt (đô la Mỹ), để thực hiện giao dịch mua bán, cùng một vài công cụ kiểm tra ánh sáng để kiểm tra kim cương.
"Mỗi chúng tôi đều có vốn riêng và chiếm một góc bàn riêng. Chúng thôi thu mua kim cương và bán lại chúng cho những nhà xuất khẩu chính thức. Khách hàng chủ yếu của chúng tôi là người Li-băng và người Do Thái. Họ đảm đương việc xuất khẩu kim cương.", Osombo nói thêm.
Hiến pháp Congo bảo vệ quyền kinh doanh kim cương trong nước đối với các công dân Congo với hai mức trung gian. Một số nhà buôn 'đóng đô' ở ngay gần các mỏ kim cương, thu mua trực tiếp từ các thợ mỏ thủ công, trong khi những người kinh doanh tại Kinshasa như Osombo thì giao dịch với các nhà xuất khẩu nước ngoài.
Vốn ban đầu của Osombo khoảng 5000 USD, được anh xoay xở từ việc bán kim cương, buôn quần áo và các đồ dùng có xuất xứ Trung Quốc ngược lên cho vùng mỏ Kasai, khu vực giàu mỏ kim cương nhất Congo.
Ở Kasai, có 4 người là đại lý phân phối hàng của Osombo. Ngoài kim cương, những đại lý này gửi lại cho Osombo bán cả các sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu là ngô và sắn.
Hàng tháng, Osombo cho biết, anh lãi 10-15% vốn, tương đương 500-750 USD so với 150 USD anh kiếm được nếu làm công chức.
Những người không có nhiều tiền để buôn bán kim cương thì cung cấp các dịch vụ cho các nhà buôn kim cương. Nhiều người làm việc như các đại lý trung gian thay mặt cho các nhà xuất khẩu lớn tiến hành những giao dịch kim cương ở Kinshasa.
Trong vòng 8 năm, công việc buôn bán kim cương của Osombo giúp anh nuôi 8 đứa con ăn học tử tế, 4 trong số đó nay đã vào đại học. Thử thách tiếp theo của Osombo là có được một khoản vay - "một vấn đề lớn ở cái đất nước này".
Khoản vay này sẽ cho phép Osombo mở rộng gấp đôi công việc kinh doanh và bước vào nền kinh tế chính thức. "Với số vốn khoảng 10.000-15.000 USD, tôi có thể mở một công ty nhỏ với 10 nhân công", Osombo dự tính.
Theo VEF