Dân đang bị ngành điện áp đặt giá?

Thứ ba, 15/05/2012, 08:43
"Để phương án tăng giá hợp lý, thuyết phục được người dân, ngành điện cần phải có giải trình rõ ràng".

>>EVN đã trình 3 phương án tăng giá điện
>>EVN muốn 'ém' nợ gần 500 tỷ đồng của dân?
>>Nghịch lý ngành điện và sự im lặng của EVN

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa trình Bộ Công thương ba phương án tăng giá điện. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng, điện tăng giá sẽ thêm một lần đẩy doanh nghiệp và người dân vào cơn khốn khó.

Trước thông tin ngành điện lại tiếp tục tăng giá, chị Nguyễn Thùy Linh (45 tuổi, Cầu giấy, Hà Nội) bày tỏ lo lắng: "Lương mới vừa được tăng thêm mấy đồng từ đầu tháng thì lại nghe tin điện, nước tăng giá tới cả chục phần trăm. Hàng hóa, dịch vụ cứ liên tục tăng giá thì dù lương có được điều chỉnh bao nhiêu cũng chẳng đuổi kịp".
 
Nếu tăng chỉ nên tăng dưới 5%
 
TS. Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: "Việc tăng giá điện cần có những đánh giá kỹ lưỡng. Thực tế báo cáo của ngành điện còn nhiều điểm không rõ ràng và chúng ta đang phải mặc định tin vào những thông tin ấy. Hoạt động giám sát kinh doanh độc quyền của ngành điện chưa thật sự hiệu quả.
Tiền lương của nhân viên vẫn ở mức cao ngất ngưởng mà EVN báo lỗ là rất không bình thường. Để giảm thất thoát trong ngành và tham gia gánh vác chi phí cho xã hội, ngành điện nên xem xét lại việc tăng giá. Nếu tăng chỉ nên tăng dưới 5% là hợp lý".
Mới đây, trong cuộc trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã đưa ra hàng loạt khó khăn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất hiện nay của EVN.

Theo ông Thỏa, tính đến thời điểm hiện tại các yếu tố đầu vào đã khiến giá điện tăng gần 3,3% (42,9 đồng/kWh). Ba yếu tố cấu thành giá điện gồm tỷ giá đã tăng 0,6%, nhiên liệu khí tăng 10,4%, dầu FO tăng 40%, than giảm 0,3%...

Bên cạnh đó, EVN còn những khoản chi phí từ chênh lệch tỷ giá và mua điện giá cao năm 2010 lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng chưa tính vào giá thành điện.
 
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, các khoản chênh lệch này dự kiến sẽ được phân bổ dàn trải để tránh gây "sốc" giá, đảm bảo giá điện dần đi theo hoạch toán cơ chế thị trường, phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân.
 
TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội), cho rằng: "Giá điện tăng không thể căn cứ vào các yếu tố cấu thành như giá xăng, giá dầu, giá than... Bởi nếu căn cứ như vậy thì những yếu tố đó giảm thì điện cũng phải giảm theo.

Thực tế từ trước đến nay giá điện chỉ điều chỉnh một chiều. Để đưa ra phương án hợp lý, thuyết phục được người dân, ngành điện cần phải có giải trình rõ ràng. Nếu tăng mà chỉ đưa ra những lý do cũ thì ngành điện lại hoạt động theo kiểu áp đặt cho người dân".
 
Ông Nguyễn Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: "Việc tăng giá điện là cần thiết nhưng đặt trong thời điểm này thì chưa nên. Thời gian qua đã có hàng ngàn doanh nghiệp phá sản nên lượng điện phục vụ sản xuất đã giảm bớt.

Điện sử dụng trong lĩnh vực sinh hoạt, tiêu dùng, khách sạn, du lịch cũng chỉ chiếm tới 30% sản lượng. Nếu EVN tăng giá điện vào thời điểm này là quá nhạy cảm và nên tính toán lại. Khác với các mặt hàng khác, điện ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống. Giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo. Vậy nên nếu có tăng thì cũng phải từ từ để tránh sốc cho người dân".
 
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xét trong bối cảnh các mặt hàng "hùa nhau" điều chỉnh giá và nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang dần xuống thấp, việc tăng giá điện chỉ còn là vấn đề thời gian trong nay mai.
 
Năm 2012, EVN dự kiến có 2 đợt tăng giá
 
Đầu tháng 3 vừa qua, đại diện EVN cho biết, năm 2012, EVN sẽ đề nghị Chính phủ và bộ Công Thương cho phép tiến hành ít nhất 2 đợt tăng giá điện và mức tăng mỗi đợt ít nhất là 5%. Việc điều chỉnh này sẽ phụ thuộc vào lộ trình của Chính phủ nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ chủ trương, từ nay đến năm 2015, giá điện sẽ được điều chỉnh theo hướng tiếp cận với giá thị trường.



Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn