Tiêu được mùa, nông dân cán đích thành...tỷ phú

Thứ năm, 17/05/2012, 14:00
Thật kỳ lạ khi bước sang năm 2012, hầu hết các nông sản chủ lực của Việt Nam đều "ngã ngựa" - không mất mùa thì cũng tuột giá thì duy nhất ngành hồ tiêu đang... siêu lãi. Liên tiếp 2 niên vụ vừa qua giá bán hồ tiêu tăng kỷ lục. Khả năng niên vụ 2012 này, giá hồ tiêu quá đẹp tiếp tục giúp hàng nghìn hộ nông dân cán đích... tỷ phú!
Một  năm trong mơ
 
Năm 2011, trong bối cảnh hầu hết giá các mặt hàng nông sản gặp “nạn” thì giá hồ tiêu lại đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm. Tại Hội nghị ngành hồ tiêu hôm qua 16/5, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch VPA cho biết, vào thời điểm tháng 9, tháng 10/2011 giá tiêu tăng đột biến và luôn giữ ở mức cao, bám sát mặt bằng giá thế giới ở mọi thời điểm. Thu nhập của người sản xuất, kinh doanh, nhất là những hộ, những DN tích trữ tiêu đầu vụ và bán vào các thời điểm giá cao đã thu lời rất lớn.
 
Trong số đó, hàng nghìn hộ nông dân trên cả nước đã có thu nhập lên tới trên 1 tỷ đồng/năm. Đơn cử như 64 hộ nông dân trồng tiêu tại Liên hiệp Câu lạc bộ năng suất cao Phước Lộc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) nhờ ứng dụng thành công KHKT nâng cao năng suất cây tiêu, nên hầu hết đã trở thành tỷ phú.

Theo anh Nguyễn Văn Thắng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ, trong năm 2011 rất nhiều thành viên đã trúng giá tiêu, thu hàng tỷ đồng nên cất được nhà lầu, xây dựng nhà xưởng sản xuất và tiếp tục tái đầu tư nâng cao hơn nữa năng suất cây tiêu.

 

Nhờ giá bán tăng cao kỷ lục, hàng nghìn hộ nông dân trồng tiêu đã thành tỷ phú

Để có được thành tích đáng nể này, theo ông Nam là do lực lượng đông đảo bà con trồng tiêu, thương lái, đại lý mua bán tiêu ở địa phương đã làm chủ hàng hóa, điều phối thị trường, bình ổn giá cả, ít bị lệ thuộc, chi phối từ các nhà XK trong nước và quốc tế.

Mấy năm qua, việc trữ tiêu khi vào vụ thu hoạch và sau đó bán cầm chừng, chờ giá tăng đã cho hiệu quả cao, tạo tâm lý khá phổ biến hiện nay trong nông dân và các đại lý thu gom. Điều này khiến các nhà nhập khẩu và XK thế giới phải ứng phó linh hoạt thay đổi giá và cách thức mua bán. Do đó bước đầu đã tạo ra môi trường lưu thông buôn bán mới, sự chuyển biến mới trong lịch sử phát triển sản xuất, lưu thông của ngành hồ tiêu VN rất đáng khích lệ.

 
Tuy nhiên, do giá tiêu tăng cao đã kích thích sản xuất phát triển, bà con đã mở rộng diện tích trồng mới khá mạnh, nhất là các tỉnh Tây Nguyên. Vì thế, VPA đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào, trồng tiêu tự phát tại những nơi điều kiện tự nhiên không thuận lợi.

Đối với nhữg vườn tiêu hiện hữu, cần thâm canh theo hướng hữu cơ, chống úng hạn, tăng cường phân hữu cơ, thâm canh ngay sau khi thu hoạch, không lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, khai thác cạn kiệt làm tiêu mau suy thoái, dễ nhiễm bệnh, chết.


Kỷ lục mới năm 2012

 
Theo VPA, ngay từ đầu vụ thu hoạch tiêu 2012, giá tiêu đen đã ở mức rất cao 120.000 đồng/kg (cùng kỳ 2011 giá chỉ 90.000 đồng/kg). Sang tháng 2, tháng 3 giá đạt mức 126.000 đồng/kg. 10 ngày cuối tháng 3 đến trung tuần tháng 4, trước áp lực lãi suất vốn vay ngân hàng rất cao, một số DN đã chào bán giá thấp so với mặt bằng giá thế giới, xuống còn 115.000 đồng/kg.

Giao dịch mua bán trong nước trầm lắng, nông dân, đại lý găm hàng, chờ giá tăng trở lại. Từ cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 5/2012 giá lại tăng lên 124.000 đồng/kg. Vì thế, giá tiêu 4 tháng qua đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay, bình quân tiêu đen đầu giá trên 120.000 đồng/kg, tăng 33% so với cùng kỳ 2011, tiêu trắng 190.000 đồng/kg, tăng 46% so cùng kỳ 2011.

Phần lớn những hộ hạn hẹp về tài chính và bà con đồng bào dân tộc, thường thu hoạch đến đâu bán tới đó. Những hộ khá, hộ giàu chỉ bán đủ trang trải chi phí sản xuất, cá biệt còn mua thêm trữ hàng, chờ giá lên (số này ước khoảng 40 – 50% sản lượng) sẽ tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm.

 
Ông Đỗ Hà Nam khẳng định, tình hình thị trường xuất nhập khẩu, giá cả hồ tiêu trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp, căng kéo. Các nhà nhập khẩu đang dùng mọi chiêu ép giá các nhà XK, chủ yếu trông chờ vào VN giảm giá để gom hàng, đến khi nguồn cung hạn hẹp sẽ đẩy giá lên.

Tuy nhiên, hiện bà con trồng tiêu, thương lái, đại lý mua bán, DN cung ứng tiêu đã làm chủ hàng hóa, bình tĩnh không bán tháo khi giá giảm, góp phần điều phối thị trường, bình ổn giá cả, ít bị lệ thuộc, chi phối bởi các nhà XK trong nước và quốc tế.

 
Ngoài ra, VPA cũng cho biết, trong quý I/2012 cá biệt vẫn có DN ký hợp đồng XK giao xa, đến hẹn không giao hàng, chiếm dụng tiền cọc của khách, để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, mất uy tín. VPA đã cảnh báo các DN này và sẽ có những biện pháp chế tài để chấn chỉnh ngay.
 
Theo VPA, tổng nguồn cung năm 2012 (gồm sản lượng 2012 + tồn kho + tạm nhập tái xuất) khoảng 100.000 – 115.000 tấn (giảm 15 – 20% so với 2011). Trừ tiêu thụ trong nước, lượng XK năm 2012 ước đoán ở mức 95.000 – 100.000 tấn (bao gồm cả tạm nhập tái xuất).
 
Trong 4 tháng đầu năm 2012, VN đã XK 47.784 tấn hồ tiêu (tăng 18,7% so cùng kỳ 2011); kim ngạch đạt 323,5 triệu USD (tăng 56,6% so với cùng kỳ 2011); giá bình quân tiêu đen 6.354 USD/tấn (tăng 1.660 USD/tấn), tiêu trắng 9.275 USD/tấn (tăng 2.141 USD/tấn).
 


Theo Nông Nghiệp Việt Nam

Các tin cũ hơn