Vinashin: Thời điểm nói thật

Thứ năm, 17/05/2012, 15:16
Nếu doanh nghiệp có vấn đề, nhà đầu tư bao giờ cũng là người cuối cùng chịu thiệt thòi. Và cổ đông Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (Habubank) là một trường hợp điển hình.


>>Từ Vinalines, nghĩ về Vinashin
>>Hết Vinashin đến Vinalines
>>Doanh thu của Vinashin giảm hơn 80%
 


 

Theo báo cáo tài chính năm 2011 đã được kiểm toán bởi Ernst & Young, ngân hàng có lãi, dù giảm so với các năm trước. Đùng một cái, trước đại hội đồng cổ đông, Habubank báo lỗ hai tháng đầu năm 2012 hơn 4.000 tỉ đồng. Vậy chắc kiểm toán lạc đường?

Sự vênh quá mức của những con số do liên quan đến khoản nợ Vinashin.

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng SHB, đại diện công ty kiểm toán mới cho biết số lỗ hai tháng đầu năm của Habubank không xuất phát từ báo cáo tài chính đã kiểm toán, mà từ kết quả đánh giá đặc biệt.

Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tiến hành kiểm toán đặc biệt ba tổ chức tín dụng, trong đó có Habubank. Trước đây, theo kiểm toán bình thường, Habubank không cần trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ Vinashin, nhưng kiểm toán đặc biệt đòi hỏi phải trích lập 100%. Việc trích lập đã đưa ra một bảng cân đối tài chính thật, một bức tranh thật về Habubank.


Nếu những chủ nợ khác của Vinashin cũng phải trích lập 100% dự phòng, thì sẽ có bao nhiêu ngân hàng nữa từ lãi thành lỗ như Habubank? Cho đến nay ngoài Habubank bắt buộc phải kiểm toán đặc biệt, không một tổ chức tín dụng nào phải trích lập dự phòng cho khoản nợ Vinashin hết. Một số chủ nợ biết khả năng trả nợ của Vinashin mong manh, nên đã trích dự phòng dần dần mỗi năm một ít từ những năm qua, nhưng hẳn chưa thể nào trích đủ.

Ảnh hưởng nợ của Vinashin tới các ngân hàng, do đó, vẫn đang bao trùm mờ ảo. Liệu có chủ nợ nào đến giờ phút cùng cực, phải sáp nhập vào ngân hàng khác như Habubank, mới vén bức màn về tác động thật của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy tới sự sống còn của bản thân mình?
 

Một số chủ nợ biết khả năng trả nợ của Vinashin mong manh, nên đã trích dự phòng dần dần mỗi năm một ít.

Sự biến mất của cái tên Habubank, cho đến giờ, còn liên quan đến một đối tác nước ngoài: Deutsche Bank, tổ chức sở hữu 10% vốn điều lệ của ngân hàng này. Sau khi sáp nhập với SHB, tỷ lệ sở hữu của Deutsche Bank giảm xuống. SHB cho biết họ chào đón Deutsche Bank như một cổ đông, họ cần một tổ chức giúp đỡ về quản trị và chiến lược.

Deutsche Bank đã không lên tiếng về Habubank. Đại diện của tập đoàn tài chính Đức này tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông SHB chỉ nói sẽ báo cáo diễn biến và xin chỉ đạo từ ngân hàng mẹ.

Deutsche Bank cũng đã từ lâu không còn phát biểu về Vinashin, khác hẳn cái thời năm 2006-2008. Người ta tự hỏi Deutsche Bank có đóng vai trò nào trong quyết định của Habubank cho Vinashin vay không? Còn nhớ trước khi hoàn tất việc mua cổ phần Habubank vào tháng 10-2007, Deutsche Bank đã từng tư vấn cho Vinashin phát hành 3.000 tỉ đồng (tương đương 187 triệu đô la Mỹ lúc bấy giờ) trái phiếu quốc tế và trong nước.

Báo Nhân Dân ngày 8-5-2007 đưa tin 3.000 tỉ đồng trái phiếu này có kỳ hạn 10 năm, lãi suất 9%/năm và không được Chính phủ bảo lãnh. Tiền thu về, Vinashin đầu tư xây dựng Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, mở rộng Nhà máy Đóng tàu 76 và cụm dự án ngành công nghiệp phụ trợ.


Tạp chí Marine Money (Asia Edition) số 6, ngày 10-5-2007 cho biết cụ thể 95% người mua trái phiếu Vinashin do Deutsche Bank tư vấn là các ngân hàng nước ngoài, công ty bảo hiểm và nhà buôn trái phiếu quốc tế. Hiện tại vì chưa đến ngày đáo hạn, nên khoản trái phiếu này tương đối yên tĩnh. Chỉ không biết Vinashin có trả lãi hàng năm cho người mua không? Và nếu Vinashin không trả lãi, có ai trả thay không?

Quan hệ Deutsche Bank - Vinashin không chỉ dừng lại ở đấy. Tháng 3-2008 tại Frankfurt (Đức), Deutsche Bank ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Vinashin về tài trợ thương mại, dịch vụ ngân hàng.

Kế đó cũng trong năm ấy, Deutsche Bank AG chỉ định nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình làm thành viên Ban cố vấn cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của mình (Advisory Board). Cho đến trước khi bị bắt, ông Bình vẫn đảm đương trọng trách đó. Chi tiết này được tờ Wall Street Journal công khai trong một bài viết đăng ngày 22-9-2010.


Có lẽ chỉ Habubank mới đánh giá chính xác vai trò của đối tác chiến lược nước ngoài trong việc hỗ trợ thẩm định khách hàng, quản trị rủi ro. Mà Habubank thì nay không tồn tại nữa. Lại thêm một câu hỏi lơ lửng, thiếu phần trả lời!

Vinashin hiện tại khó khăn nối tiếp trở ngại. Tháng trước tập đoàn có công văn gửi Bộ Tài chính xin miễn khoản phạt chậm nộp thuế sau nhiều lần xin gia hạn thời gian nộp thuế. Lý do của Vinashin là chưa đủ khả năng tài chính để nộp thuế.

Bộ Tài chính từ chối. Vinashin chỉ được gia hạn nộp thuế năm nay nếu nộp đủ thuế gia hạn năm ngoái. Còn nếu không tập đoàn vẫn phải chịu phạt chậm nộp thuế với mức 0,05%/ngày.


Vinashin không nộp đủ thuế dù đã được ưu đãi hơn doanh nghiệp khác. Vinashin không có đủ tiền trả lương công nhân. Một phần nguồn tiền trả lương công nhân phải vay ngân hàng. Có nghĩa Vinashin vẫn chưa có lợi nhuận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chính. Trong khi đó ngành đóng tàu, vận tải biển tiếp tục khủng hoảng. Cơ may trả nợ của Vinashin xem ra ngày càng mịt mờ.



Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn