Dư luận đang rất quan tâm về việc bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ bán khu đất do bộ GTVT đang quản lý ở số 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để lấy kinh phí đầu tư trụ sở mới và khẳng định “mọi thủ tục triển khai trụ sở mới của bộ GTVT hiện đang thực hiện đúng quy định pháp luật”.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia về bất động sản tỏ ý bất ngờ về việc này. Bởi với khoảng 8.000 m2 đất tại phố Trần Hưng Đạo, khu vực trung tâm, sầm uất của Hà Nội với ba mặt tiếp giáp ba dãy phố lớn, thì việc đảm bảo nguyên tắc “giá trị mua trụ sở mới không lớn hơn giá trị bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” của khu đất bộ GTVT đang sử dụng hoàn toàn có khả năng đem lại mức chênh lệch, lợi nhuận rất lớn cho đơn vị nào may mắn mua lại được khu đất này.
Trụ sở bộ GTVT tọa lạc trên khu đất vàng ở Hà Nội.
Hiện nay, nếu chiếu theo cách tính giá đất của bộ Tài chính và theo khung giá đất của UBND thành phố Hà Nội (đất mặt đường Trần Hưng Đạo trị giá 29 triệu đồng/m2), khu đất mà bộ GTVT hiện được giao quản lý chỉ khoảng 232 tỉ đồng (hơn 11 triệu USD).
Nhưng giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng (hiện vẫn đang là cố vấn cấp cao) Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, 1 m2 đất mặt tiền đường Trần Hưng Đạo có giá khoảng 700 triệu đồng; như vậy, với 8.000m2 thì trị giá của trụ sở bộ GTVT có thể lên tới 5.600 tỉ đồng (gần 280 triệu USD).
Theo quy hoạch, khu đất có trụ sở của bộ GTVT sẽ trở thành công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng, không có chức năng nhà ở. Hiện nay, giá tham khảo tại các sàn giao dịch bất động sản Hà Nội cho thấy giá đất riêng lẻ bán tại đường Trần Hưng Đạo dao động ở mức 300 – 350 triệu đồng/m2, tuy nhiên, với những khu đất diện tích lớn, giá tiền lại không cao bằng giá bán các khu đất lẻ, nhỏ.
Nếu khu đất trên không được xây làm cao ốc như quy hoạch (không được xây quá chín tầng, khu vực nội đô) cũng sẽ khó bán được ngang với giá thị trường. Nhưng dù có thế đi chăng nữa, giá của khu đất 8.000m2 nói trên cũng sẽ không dừng ở mức thấp như khung giá đất mà UBND thành phố Hà Nội quy định.
Một điều mà bộ GTVT không nhắc tới trong thông báo cho báo chí là bộ này cũng đã có văn bản số 70/BCSĐBGTVT thông báo nghị quyết của ban cán sự Đảng bộ GTVT ngày 20.9.2011 do chính ông Đinh La Thăng, bộ trưởng, bí thư ban cán sự đảng bộ GTVT ký, trong đó có nêu rõ:
“Giao cho công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành” là nhà đầu tư chính xây dựng trụ sở bộ GTVT theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) chìa khoá trao tay mà bộ GTVT không phải bỏ vốn, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 49.315m2 (gồm ba tầng hầm và 21 tầng nổi) trên diện tích đất khoảng 7.000m2 trong khu đô thị mới Cầu Giấy”.
Văn bản này cũng ghi rõ: “Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành sẽ tiếp nhận toàn bộ trụ sở hiện tại của bộ GTVT tại 80 Trần Hưng Đạo theo đúng quy định hiện hành của pháp luật”.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là cho đến nay, nghị quyết trên của bộ GTVT còn giá trị thực hiện không khi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng giá thị trường? Bộ GTVT chưa trả lời câu hỏi này cho báo chí. Nhiều thông tin chưa được bộ công khai, minh bạch trong kế hoạch bán, mua trụ sở này khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Không biết cuối cùng thì doanh nghiệp, đơn vị nào được may mắn chỉ định thầu, có phải vẫn là công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành không, nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng, với một khối tài sản công có giá trị lớn như vậy, việc tổ chức bán đấu giá công khai mới có thể giúp tài sản được bán, chuyển nhượng theo đúng giá trị thực tế của nó và làm giảm nguy cơ thất thoát giá trị tài sản của Nhà nước.
Có hay không việc giao cho một công ty tư nhân, năng lực về xây dựng, khả năng tài chính thế nào chưa rõ đầu tư vào khu đất có giá trị lớn cũng là những thắc mắc, băn khoăn khác nữa của dư luận.
Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) mới đây có nêu: tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) – đơn vị thuộc PVN – đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho công ty cổ phần đầu tư khoáng sản Hợp Thành khu đất 596,7m2 tại 69 Nguyễn Du, Hà Nội với giá gần 96 tỉ đồng trong khi khu đất này vốn được UBND Hà Nội giao cho PVC để xây dựng toà nhà văn phòng với thời gian sử dụng đất 50 năm và không được chuyển nhượng, chuyển giao nếu chưa được phép của UBND thành phố Hà Nội. Vụ việc này cơ quan công an đang tiến hành điều tra, xác minh.
Ở góc độ khác, theo nhiều chuyên gia như ông Đặng Hùng Võ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, khu đất hiện có trụ sở của bộ GTVT là một khối tài sản công có giá trị lớn.
Nếu theo quy định của pháp luật hiện hành, việc bán trụ sở của một bộ phải giao cho địa phương tức là giao cho UBND thành phố Hà Nội tổ chức đấu giá. Bộ GTVT không có quyền gì về đất đai mà chỉ UBND cấp tỉnh mới có quyền định đoạt về đất đai.
Hơn nữa, theo ông Đặng Hùng Võ, đất sử dụng làm trụ sở một bộ thuộc phạm vi quản lý công sản của bộ Tài chính, nên còn phải được sự đồng ý của bộ Tài chính. Bộ GTVT chỉ là cơ quan hành chính sử dụng đất, không có quyền đứng ra làm việc này.
Cho nên, ông Võ khuyến cáo: “Đây là quy định của pháp luật về đất đai, về quản lý công sản, về hành chính. Một bộ quản lý chuyên ngành thì nên tránh cho xa việc buôn bán bất động sản, nhất là trụ sở mình được Nhà nước bố trí cho mình, kẻo mang vạ có ngày”.