|
Ông Nguyễn Hiếu Trung (xã Thành Trung, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) lo lắng khoai lang quá lứa sẽ không bán được do thương lái không mua.
|
Người trồng khoai “chết đứng”
Hơn một năm trước, nhiều thương lái Trung Quốc sang Vĩnh Long mua khoai lang tím Nhật với giá cao khiến nhiều nông dân đổ xô trồng khoai. Thế nhưng gần một tháng nay thương lái Trung Quốc không mua đã khiến giá khoai liên tục sụt giảm, từ mức 800.000 đồng/ tạ 60kg hiện chỉ còn 250.000-260.000 đồng/tạ. Nhiều nơi khoai đến thời điểm thu hoạch nhưng nông dân vẫn không thể bán được.
Ngày 15-5, trên cánh đồng khoai bạt ngàn của xã Thành Đông và Thành Trung, huyện Bình Tân, nông dân cho biết phần lớn diện tích đã quá ngày thu hoạch, dây khoai đã chuyển màu nhưng thương lái thì bặt tăm. Đi qua các xã trồng khoai thuộc huyện Bình Tân và Bình Minh, đâu đâu cũng nghe nông dân than thở chuyện khoai quá lứa. Đau nhất là những người thuê đất trồng khoai vì đang đứng trước nguy cơ trắng tay. Ông Trần Văn Vũ (xã Thành Đông, huyện Bình Tân) thuê 2ha đất trồng khoai lang tím Nhật, nay đến thời điểm thu hoạch nhưng vẫn không tìm được thương lái để bán. Đứng bên ruộng khoai quá lứa sáng 15-5, ông Vũ bấm điện thoại gọi liên tục hết người này tới người kia hỏi giá. Tắt điện thoại, ông Vũ thở dài: “Vốn trồng ruộng khoai này đều là vốn vay ngân hàng hết. Bây giờ bán cũng không đủ trả”.
Theo ông Ngô Văn Tua - chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ xã Thành Đông, hiện tại việc mua bán giữa hợp tác xã và thương lái Trung Quốc không có ký kết hợp đồng. Việc mua gom căn cứ vào giá, chất lượng khoai do phía Trung Quốc đưa ra. Nếu dân đồng ý bán và đủ điều kiện thì hợp tác xã sẽ mua. Phía hợp tác xã chỉ nắm được địa chỉ mua là các vựa do thương gia Trung Quốc đặt tại quốc lộ 1A chứ hoàn toàn không có thông tin gì thêm.
Hơn 10 tỉ đồng tiền cua “bay” theo thương lái
Tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, Cà Mau), nhiều nông dân sập bẫy của thương lái Trung Quốc với số tiền bị mất hàng chục tỉ đồng...
Bước đầu, Công an thị trấn Năm Căn xác định được người quỵt nợ tên Wang Juanmei (39 tuổi, tên thường gọi A Kiều).
A Kiều tạm trú tại khóm 1 (thị trấn Năm Căn) hơn năm nay để mua cua thương phẩm từ các vựa thu gom cua địa bàn thị trấn Năm Căn, và bỏ trốn khỏi đây hồi đầu tháng 3-2012 kèm theo số nợ mà một số chủ vựa cua tố cáo bị A Kiều mượn nhưng không trả ước hơn 6 tỉ đồng. Trong đó, một trong những nạn nhân là ông Trần Ngọc Đạt bị A Kiều nợ 1,8 tỉ đồng tiền mua cua.
Ông Đạt cho hay: “Lúc đầu tụi tui bán cho họ 100 triệu đồng tiền cua, họ trả trước khoảng 30% và nói phần còn lại khi bán hàng, lấy tiền về sẽ trả đủ nhưng khi có tiền họ không trả mà kêu bán tiếp thì trả cái cũ. Tới khi số tiền nợ quá nhiều, họ quất ngựa truy phong” - ông Đạt nói. Theo ông Đạt, không riêng ông mà giới buôn cua cả Xóm Miễu, Năm Căn này hầu như ai cũng bị “dính bẫy”, người ít vài chục triệu, nhiều bạc trăm, bạc tỉ.
Trung tá Nguyễn Tiến Sỹ, trưởng Công an thị trấn Năm Căn, cho biết thống kê chưa đầy đủ số tiền lái cua Trung Quốc nợ nần tiền mua cua của nhiều chủ vựa thu gom cua trên địa bàn nhưng không trả và bỏ trốn lên đến trên 10 tỉ đồng.
Săn... đỉa bán cho Trung Quốc
Theo ông Lê Minh Chính - phó văn phòng UBND huyện Quế Phong (Nghệ An), ngày 17-5 người dân bản Na Dến và bản Cói, xã Tiền Phong vẫn tiếp tục xuống đồng săn đỉa để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Giá bán vẫn giữ mức 200.000đồng/kg. Ông Lương Đậu, trú tại bản Na Dến, cho biết thêm: “Do sốt đỉa nên sau hai bản của xã Tiền Phong thì một số bản của xã Châu Kim, Mường Noọc cũng đổ xô đi săn đỉa. Ngoài các bờ ruộng, mương nước, đầm lầy họ săn cả dưới khe suối. Do ruộng ở đây không phun thuốc trừ sâu nên đỉa sinh sản nhanh. Ngoài các cụ già, học sinh cũng tranh thủ đi bắt đỉa để bán kiếm tiền thay vì phải vào rừng đào củ khoai mài”. |
Theo Tuổi Trẻ