Kinh tế VN rơi vào giảm phát: Doanh nghiệp tắc thở vì hàng tồn kho

Thứ sáu, 18/05/2012, 07:38
Từ hàng đắt tiền đến rẻ tiền, từ thực phẩm cho đến các sản phẩm gia dụng... đều ế ẩm. Hàng hóa chất đầy kho khiến ngay cả các thương hiệu lớn cũng không thể xoay trở gì được. Đây được xem là cơn khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ năm 2008 đến nay.


>>Fitch Ratings dành B+ cho kinh tế Việt Nam
>>Kinh tế Việt Nam 2012: Tín hiệu lạc quan
>>JPMorgan Chase: Kinh tế Việt Nam sẽ ổn định hơn trong năm 2012
 



Sức mua thấp khiến hàng hóa tồn kho tăng lên
 

Ế ẩm khắp nơi

Vắng vẻ, không một bóng người là những cụm từ có thể hình dung ở nhiều trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM hiện nay. Hiện tượng này đang lan tràn ở nhiều ngành hàng khác nhau. Bà Ngô Thị Báu - Tổng giám đốc Công ty dệt may Nguyên Tâm (Foci) thừa nhận, sức mua hàng may mặc trên thị trường từ đầu năm đến nay đã giảm mạnh đến 50% so với cùng kỳ năm 2011.

Điều này khiến lượng hàng tồn kho của công ty tăng nhanh. Tương tự theo ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s), lượng giày tiêu thụ quý 1/2012 của Bita’s đã giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

“Về nguyên tắc, hàng tiêu dùng tiêu thụ khắp cả nước thì mức duy trì tồn kho dưới 20% là hợp lý. Nhưng tính đến thời điểm tháng 4.2012 lượng tồn kho của Bita’s đã tăng hơn 35%”, ông Long nói.

Tương tự, theo đại diện Công ty xi măng Hà Tiên 1, 4 tháng đầu năm nay, mức tiêu thụ của công ty chỉ đạt được gần 1,2 triệu tấn xi măng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Các cửa hàng, trung tâm điện máy dù người xem vẫn đông nhưng người mua ít hẳn.

Mức sụt giảm về doanh số cũng ở khoảng 15 - 20% tùy đơn vị và càng cao hơn ở những cửa hàng nhỏ lẻ. Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng vô cùng khó khăn, hàng tồn đọng nhiều. 

Nỗ lực nhưng khó hiệu quả

Ông Đỗ Long nhấn mạnh, hơn 20 năm qua, công ty nhiều lúc gặp khó khăn nhưng chỉ là thiết bị, máy móc, con người quản lý, thay đổi nguồn lực, khuôn mẫu, đàm phán giá cả, thị trường, lỗ do quản lý kém, mất cắp… Nói chung là “sờ mó” được, xử lý suôn sẻ vì tỉ trọng đồng vốn tự có và vốn vay đều nằm trong vòng kiểm soát. Nhưng chỉ qua chu kỳ 1 - 2 năm gần đây (2010, 2011) thì mọi việc đổi khác.

Cũng thị trường, con người, thiết bị, nguyên liệu đó nhưng diễn biến của phần vốn tự có bị thâm hụt sâu do phần vốn vay cộng lãi suất cao ngất trời đã nuốt chửng dần vốn, lợi nhuận và phần tích lũy. Đáng sợ hơn là dù các công ty đã gia tăng khuyến mãi, tăng chiết khấu bán ra nhưng sức mua vẫn cứ giảm.

“Đói thì đầu gối phải bò”, đó là câu mà ông Lê Văn Trí - Phó tổng giám đốc Công ty cao su Miền Nam ví von về câu chuyện hoạt động của các DN hiện nay. Theo ông Trí, các DN phải gia tăng tìm kiếm thị trường mới, cố gắng đưa ra được những sản phẩm mới với mẫu mã đẹp hơn nhưng ít tiêu hao nguyên vật liệu...

Bươn chải là chuyện tất yếu, nỗ lực là tất yếu... Các DN đã và đang làm hết những gì có thể làm được như tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã... nhưng dường như mọi nỗ lực đó vẫn không hiệu quả. Sản phẩm vẫn cứ nằm trong kho ngày càng nhiều hơn khi sức mua yếu dần.



Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn