Hàng trăm khu đất vàng trên địa bàn TP Hà Nội với giá trị lên đến hàng tỷ USD đang “làm khó” chính quyền khi TP đang phải loay hoay xử lý sao cho hiệu quả nhất mà vẫn đảm bảo quyền lợi của các bộ, ngành cũng như doanh nghiệp.
Sau khi thực hiện chủ trương di dời trụ sở của Chính phủ, hàng loạt bộ, ngành đang đứng trước sự băn khoăn nên bán trụ sở cũ hay trao trả lại cho TP Hà Nội.
Nóng nhất là việc bán hay không bán trụ sở Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) tại khu đất vàng rộng 8.000m2 trên phố Trần Hưng Đạo. Vấn đề khiến dư luận quan tâm là khu đất vàng này sẽ rơi vào tay ai và nó được sử dụng như thế nào.
Đất vàng của Bộ GTVT đang gây tranh cãi trong thời gian qua
Theo Bộ GTVT, một trong các phương án sẽ là bán trụ sở cho một công ty cổ phần để lấy một tòa nhà văn phòng làm trụ sở mới.
Ngay lập tức, ý tưởng này của Bộ GTVT đã bị nhiều chuyên gia cũng như dư luận phản đối, bởi nếu khu đất 8.000m2 được bán cho tư nhân xây cao ốc văn phòng hoặc chung cư sẽ tạo thêm điểm nóng về giao thông cho thủ đô.
Trụ sở của Bộ Xây dựng cũng được dư luận chú ý về việc khu đất rộng tới 13.000m2 sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Mới đây nhất, theo ông Nguyễn Quang Nam, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng trụ sở Bộ Xây dựng, khu đất này sẽ được đưa ra đấu thầu và được chuyển đổi thành đất xây dựng nhà ở thấp tầng với mật độ xây dựng không quá 45%, không xây nhà cao tầng, diện tích đất còn lại sẽ là các công trình công cộng.
Hiện nay các bộ, ngành có trụ sở ở khu vực trung tâm Hà Nội đứng trước việc nên sử dụng như thế nào sau di dời. Bởi trước đó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã cam kết sau khi di chuyển các trường đại học, cơ quan... ra ngoại thành, TP sẽ không cấp phép xây dựng mới cho các công trình cao tầng ở nội đô.
Theo một số chuyên gia, các khu đất vàng này sẽ có giá trị gấp bội nếu được bán lại cho các doanh nghiệp, sẽ bảo đảm kinh phí cho các bộ xây trụ sở mới.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp dùng để xây nhà chung cư sẽ gây thêm áp lực lên nội đô, tức mục đích di dời trụ sở các bộ, ngành nhằm giảm ùn tắc giao thông sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Phương án trả lại đất cho TP Hà Nội, thậm chí Hà Nội xin mua lại những khu đất này bằng vốn ngân sách cũng đã được tính đến, nhưng vậy giá trị thực của các khu đất sẽ bị giảm đi ít nhiều.
Doanh nghiệp: tranh chấp
Không chỉ các bộ, ngành đau đầu với đất vàng, đất kim cương, các doanh nghiệp cũng tá hỏa với vị trí đắc địa mà mình sở hữu.
Mới đây nhất, tại mảnh đất vàng 39 Hàng Giấy đã xảy ra tranh chấp khi một doanh nghiệp rót hàng tỷ đồng để kinh doanh, nhưng sau đó lại bất ngờ biết khu đất này thuộc diện bị TP thu hồi.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Bi-a đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty MMG tại rạp Bắc Đô trong 5 năm, từ 2010-2015 sử dụng khu dất này kinh doanh dịch vụ bi-a. Hàng tháng Bi-a phải trả khoán cho MMG 146 triệu đồng, bao gồm tiền lợi nhuận cố định và thuê tài sản.
Rạp Bắc Đô do MMG thuê lại của Công ty Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi bỏ tiền tỷ để đầu tư câu lạc bộ bi-a, phù điêu, bàn ghế, MTV Bi-a mới hay khu đất đắc địa này sắp bị thu hồi. Vụ tranh chấp kéo dài vì cả 3 bên đều khăng khăng mình có lý và mảnh đất vàng trị giá hàng triệu USD trở thành “tội đồ”.
Việc cho thuê lại qua nhiều tầng cấp như trên rồi dẫn đến xung đột hoặc sai phạm thực ra không mới đối với các mảnh đất có giá trị cao trên địa bàn TP Hà Nội. Lợi nhuận quá lớn các khu đất vàng mang lại cũng khiến nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách thu lời từ việc thuê nhà, đất công, mà cách phổ biến nhất là thuê của Nhà nước với giá rẻ rồi cho thuê lại với giá cao.
Vụ việc xảy ra tại khu đất 22 Hàng Lược, 35 Điện Biên Phủ, 96 Hàng Trống… là những thí dụ cho xu thế này.
Theo một báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, trong 420 dự án được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn năm 2010, cơ quan này đã kiến nghị thu hồi 19 dự án được giao đất, thuê đất có vi phạm nghiêm trọng, với diện tích trên 350.000m2.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa yêu cầu UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng kiểm tra hàng loạt khu đất vàng bị bỏ hoang từ nhiều năm nay trên khắp địa bàn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc thu hồi các khu đất vàng này hoàn toàn không dễ bởi những quy địch rắc rối của pháp luật và bản thân TP Hà Nội cũng chưa quyết liệt trong việc thu hồi.