Kiếm 30 triệu đồng/tháng bằng nghề nấu cỗ tại gia

Thứ năm, 17/05/2012, 15:32
Nhiều năm gần đây, nghề nấu cỗ phát triển khá rầm rộ. Nhiều người thấy hấp dẫn bởi thu nhập nghề này đã đứng ra tổ chức, thuê người làm dịch vụ, nhận đơn hàng. Tuy nhiên, với tính chất và đặc thù riêng thì nghề này xem ra cũng rất "kén" người.


>>Uỷ viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang “nối gót” Bạc Hy Lai?
>>Nhiều sếp thất nghiệp, nhận bảo hiểm "khủng"
>>Mỗi tài khoản Facebook có giá từ 1 tới hơn 100 USD
>>Nước giàu, người nghèo xuất hiện ngày càng nhiều!

 



Các dịch vụ đặt cỗ ngày càng phổ biến hơn
 

Không sợ ế...

Đã từng làm nghề nấu cỗ thuê gần 5 năm, chị Nguyễn Thị Hoài (Trung Văn- Từ Liêm- Hà Nội) cho biết: "Nghề này tuy có vất vả nhưng được cái không bao giờ sợ ế. Đơn giản vì chúng tôi làm cỗ theo đơn đặt hàng. Tuỳ vào yêu cầu món ăn, tính chất sự kiện (đám ma, cưới hỏi, sinh nhật, mừng thọ, liên hoan cơ quan...) và mức kinh phí để thực hiện".


Nghề nấu cỗ có mặt ở khắp nơi, thành thị, nông thôn và hoạt động quanh năm. Nhưng theo chị Hoài, nghề này rộ nhất là dịp cuối năm. Thời điểm ấy, người ta tiệc tùng, liên hoan, cưới hỏi nhiều hơn. Dịch vụ thuê nấu cỗ tại nhà, vừa tạo không khí thân mật lại sạch sẽ, tiết kiệm nên được rất nhiều người tìm đặt.

Nhớ lại những ngày đầu đến với nghề nấu cỗ, chị Hoài chia sẻ: Trong một lần được cô em dâu rủ đi phụ nấu cỗ, công việc cũng đơn giản, mức thù lao lại cao hơn nghề bán hoa quả của chị nên đã ngỏ lời với người chủ dịch vụ nấu cỗ để được đi phụ nấu. Đúng thời điểm mùa cưới đang thiếu đầu bếp, phần chị cũng có chút kinh nghiệm nấu ăn nên bà Thạo (chủ dịch vụ nấu cỗ lâu năm ở Hà Đông) nhận vào làm.

Khi đó, cơ sở của bà Thạo mới có 3 đầu bếp chính. Bình thường, khi chưa vào mùa, cơ sở này chủ yếu nhận đơn hàng khoảng 10-12 mâm, mỗi ngày trung bình có từ 1- 3 đơn hàng, nhưng cũng có ngày không có đơn đặt hàng nào thì thu nhập của chị cũng chỉ 4-5 triệu đồng/tháng.

Nhưng vào mùa cao điểm, đó là dịp cuối thu, chuẩn bị sang đông, mùa cưới nở rộ, các công ty cũng đua nhau tổ chức liên hoan tổng kết thì cơ sở của bà Thạo dễ dàng nhận được các đơn hàng từ 50 - 100 mâm.


Để đáp ứng được nhu cầu của khách, vào mùa, các cơ sở phải thuê thêm nhân công thời vụ vì cỗ ăn phải đúng giờ để kịp với giờ hoàng đạo của gia chủ. Nguyễn Thanh Tùng sinh viên năm 3 - ĐH Hà Nội thường xuyên làm thêm cho dịch vụ này.

Tùng cho biết: "Công việc chủ yếu là phụ nhặt rau, rửa thực phẩm và bưng mâm với mức thù lao từ  200 - 300 nghìn đồng/ngày". Ngoài ra, Tùng còn được ăn hai bữa, có thời gian nghỉ giải lao, chi phí đi lại bên dịch vụ cũng chi hết.

Dịch vụ nấu cỗ thuê không chỉ phát triển rầm rộ tại các thành phố lớn mà nay còn len lỏi đến tận các vùng nông thôn xa xôi. Nhưng ở nông thôn chỉ có công việc quan trọng như đám cưới hỏi, đám ma cần phải tổ chức tới "dăm chục" mâm hay nhà nào có điều kiện tổ chức tới 100 mâm thì người ta mới cần đến dịch vụ nấu cỗ thuê. Và thường chi phí cho các sự kiện này trọn gói từ 2 đến 3 triệu đồng/đám. Thực phẩm, nguyên liệu phục vụ cho mâm cỗ gia chủ lo hết, bên dịch vụ chỉ phải lo dụng cụ nấu ăn.

Nghề kén chọn người

Theo khảo sát, giá một mâm cỗ trên thị trường hiện nay dao động từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Thực đơn cơ bản cho một mâm cỗ có 6 món truyền thống như: Xôi, thịt gà, tôm, thịt bò, giò, nộm, ... ngoài ra là các món súp điểm tâm, hoa quả tráng miệng, rượu, nước ngọt. Người nhận dịch vụ sẽ phải lo từ nguồn nguyên liệu thực phẩm đến khâu nấu nướng, thiết kế bày mâm và cả công việc dọn dẹp đến khi buổi tiệc kết thúc.

Để tối đa hóa lợi nhuận khi mở dịch vụ các ông chủ, bà chủ thường có các đầu mối thực phẩm "ruột" từ các vùng quê lân cận. Như vậy họ có thể lấy được thực phẩm tươi ngon với mức giá khá thấp.

Thậm chí, một số cơ sở còn nhờ mối quan hệ quen biết ở các vùng quê thuê từ 2 đến 3 gia đình xây dựng lên mô hình VAC để cung cấp nguồn thực phẩm chủ động. Nhờ đó, khi có nhu cầu lớn, họ  không phải mất thời gian huy động nguồn thực phẩm từ nhiều nơi, lại có thể đảm bảo nguồn gốc thực phẩm tốt nhất cho cơ sở mình.


Hiện nay, vấn đề ngộ độc thức ăn xảy ra nhiều trong bữa cơm tập thể tại các khu công nghiệp khiến người dân rất cảnh giác với những bữa cỗ đặt hàng này. Hiện tượng tồn kho các thực phẩm ôi, thối như "con sâu bỏ rầu nồi canh" khiến các dịch vụ nấu cỗ bị ảnh hưởng theo. Đây cũng là băn khoăn của không ít các chủ nhà hàng, dịch vụ nấu cỗ thuê.

Chị Thanh Lan, chủ dịch vụ nấu cỗ tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, điều cốt yếu của việc khẳng định thương hiệu là chất lượng mâm cỗ. Ngoài nguồn thực phẩm tươi, ngon, yếu tố làm nên những món ăn ngon, đảm bảo vệ sinh phụ thuộc vào đôi bàn tay của các "bác thợ cả" lành nghề. Nhưng để có được một đầu bếp chính như ý lại là một câu chuyện không dễ, kể cả hứa trả lương hậu hĩnh cũng rất khó tìm.

Về việc này, chị Hải Yến, chủ một nhà hàng tại Hoàn Kiếm cho rằng, tìm được một đầu bếp ưng ý rất khó: "Người có chuyên môn tay nghề tốt thì phải thử ít nhất là 1 tháng mới biết được họ có phù hợp với công việc hay không vì nó còn liên quan đến khẩu vị khách hàng.

Nhiều khi tuyển được thợ bếp đạt yêu cầu, sau thời gian làm việc họ lại đi mất vì cơ sở khác thấy "ngon", trả lương cao hơn, thế là lại phải tìm người thay thế, rất mệt mỏi". Thậm chí, một số nhà hàng còn đăng tuyển trên các trang mạng tìm kiếm vị trí đầu bếp giỏi với mức lương khởi điểm cao ngất ngưởng, có khi tới 20-25 triệu đồng/tháng.


Dịch vụ nấu cỗ ngày càng phát triển, nhanh đến mức khó kiểm soát. Vấn đề đặt ra cho người tiêu dùng là đối với những cơ sở nhỏ, cá nhân hầu như các đầu bếp chỉ là những người có kinh nghiệm nấu cỗ trong phạm vi gia đình, không có kiến thức chuyên môn.

Còn đối với các nhà hàng, dịch vụ lớn các đầu bếp đều được tuyển thông qua bằng cấp nhưng chủ yếu lại chạy đua theo lợi nhuận thì "thủ thuật" trong nấu ăn, sử dụng phẩm màu, hàng tồn... cũng là điều không tránh khỏi.



Theo VEF

Các tin cũ hơn