Nhiều tiểu thương TP HCM bỏ chợ

Thứ ba, 29/05/2012, 17:16
Lượng hàng bán ra mỗi ngày sụt giảm 30-40% so với trước, nhiều tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP HCM không đủ tiền chi trả các loại thuế khoán, phí... nên đã nghỉ bán khá nhiều.
Mới 10h30 sáng, nhiều quầy buôn bán thịt, cá tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) đã vắng hoe, tiểu thương chỉ biết ngồi "tám chuyện" với nhau cho hết ngày. Tâm sự với PV, một người bán thịt gia cầm tên Tám cho biết, hàng tiêu thụ rất chậm, trước đây bán được 30 con gà và vịt mỗi ngày, nay chỉ dám lấy 15-20 con nhưng nhiều khi không hết.
 
Một số tiểu thương buôn bán đậu hũ cũng chỉ biết ngồi thở dài vì vắng khách. Chị Thanh, chủ một sạp, cho hay có ngày bán không được 100.000 đồng tiền hàng, chẳng đủ đóng thuế, phí nói chi đến lời. Kế bên cạnh chị, hàng loạt sạp đã bị bỏ trống vì tiểu thương trả hẳn mặt bằng lại cho Ban quản lý chợ.
 
Tại các chợ Phạm Văn Hai, Hoàng Hoa Thám, Bà Chiểu... tình hình cũng tương tự. Nhiều tiểu thương buôn bán quần áo ở chợ Bà Chiểu cho biết khó khăn kéo dài từ năm ngoái tới nay và giờ thì càng ế hơn.

Một chủ sạp than thở hiện nay, các sạp trong chợ rất khó bán vì một phần sức mua giảm, phần khác do có khá nhiều tiệm quần áo may sẵn phía ngoài chợ đã hút hết khách. "Vì chỗ bán của họ vừa thoáng, lại tiện đường cho khách ghé vào xem", chị nói.
 
Chị Thanh, chủ một sạp hàng mỹ phẩm tại chợ Gò Vấp cũng tâm sự, có ngày chị bán chưa tới 50.000 đồng tiền lời. Tuy nhiên, nếu nghỉ ở nhà thì sợ mất hẳn khách, lại còn phải đóng phí đất công hàng tháng...

"Do đó, tôi đành duy trì bán cầm chừng, được ngày nào hay ngày đó. Nhưng thay vì trước kia, huy động cả hai vợ chồng cùng ra bán thì nay chỉ còn mỗi mình tôi. Ông xã phải chạy việc khác làm kiếm tiền thêm để trang trải chi phí hàng ngày", chị bộc bạch.
 


Hàng loạt sạp bán ngành hàng rau, cá , đậu hủ, thịt gia cầm... tại chợ Thị Nghè
xin ngưng bán hẳn.


 
Một số sạp trong quá trình tìm người sang nhượng lại, đã tạm thời cho những gian hàng khác trong chợ thuê làm kho chất hàng hóa, để lấy tiền đóng lệ phí đất công...
 
Đại diện Ban quản lý chợ Thị Nghè (Bình Thạnh) thừa nhận buôn bán của nhiều tiểu thương gặp khó khăn do sức mua giảm mạnh 30-40%. Bà cho biết, trong số 28 sạp buôn bán ngành hàng rau, cá, đậu hũ... được Ban quản lý cho thuê lại với giá 60.000-180.000 đồng mỗi tháng, đã có 12 sạp xin ngưng hẳn và trả lại mặt bằng.
 
Theo lý giải của Ban quản lý chợ Thị Nghè, sức mua trong chợ giảm sút mạnh có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do sức cầu sụt giảm chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh của các siêu thị, điểm buôn bán tiện lợi bên ngoài... đã thu hút một lượng lớn khách của chợ truyền thống.
 
Ngoài ra, theo bà, một nguyên nhân khá quan trọng khác là do các điểm kinh doanh tự phát mọc lên khá nhiều xung quanh chợ. Kèm theo đó là hàng loạt người buôn bán kiểu bưng bê, hàng rong, tụ tập dày đặc. Hiện trong chợ bán gì thì bên ngoài bán cái đó. Điều đáng nói là các điểm bán tự phát chỉ phải trả một phí hoa chi tượng trưng cho phường, hoặc có người không phải trả gì cả.

Trong khi, các giấy tờ về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ mang tính đối phó nên chất lượng hàng không đảm bảo, vì thế giá cả rẻ hơn trong chợ. Chưa kể vào các giờ cao điểm, những con đường quanh chợ luôn bị tắc nghẽn vì tiểu thương tự do lấn chiếm lòng lề đường.
 
"Thế nhưng, nhiều lần đoàn kiểm tra của quận phối hợp với thanh tra xây dựng, công an, quản lý thị trường ra quân dẹp, một thời gian sau đâu lại vào đó", bà nói.
 
Ban quản lý chợ Thị Nghè cho biết thêm, trước tình hình khó khăn chung của tiểu thương, nơi đây đã đề xuất lên phòng kinh tế quận xin miễn thuế VAT cho những tiểu thương tạm ngưng bán hàng. Tiền thuê sạp thì chỉ thu giá sàn 60.000 đồng mỗi tháng (giá trần là 180.000 đồng), hỗ trợ cho con em những tiểu thương có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi... để phần nào chia sẻ, động viên họ.
 
Ban quản lý chợ Gò Vấp cũng cho biết, sức mua hiện nay giảm hơn 40% so với năm ngoái. Sau Tết, nhiều hộ nghỉ bán cho thuê lại sạp do tình hình buôn bán trong chợ gặp nhiều khó khăn.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Trang, đại diện ban quản lý chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) cho hay, trước tình trạng tiểu thương gặp khó khăn trong buôn bán, và mất khách bởi các điểm kinh doanh bên ngoài chợ, ban quản lý đã bắt tay quy hoạch lại chợ nhằm tăng tính văn minh, hiện đại hơn để thu hút khách.
 
Theo đó, bên cạnh việc tăng cường an ninh trật tự, tạo môi trường sạch sẽ trong chợ, Ban quản lý cũng yêu cầu các tiểu thương phải treo bảng giá công khai cho từng mặt hàng, tăng cường công tác kiểm tra hàng gian, hàng giả... Ngoài ra, Ban quản lý chợ sẽ làm đề xuất lên phòng kinh tế quận xin giảm, giãn thuế khoán cho tiểu thương một số ngành hàng...
 
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc miễn thuế khoán 2012 cho các hộ kinh doanh cá thể, các tiểu thương, dù trước đó đề xuất này đã bị bác bởi Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.
 
"Theo tôi, cơ quan thẩm tra không nên dè dặt. Những ai không ủng hộ thì nên tới các chợ của TP HCM mà xem tiểu thương bỏ sạp như thế nào. Người kinh doanh buôn bán mà chê sạp thì chẳng khác gì nông dân chê đất", ông nói.
 
Ông Lịch nhìn nhận quyết định miễn thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, nhưng đây là giải pháp hỗ trợ cần thiết để các tiểu thương vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Và khi họ kinh doanh tốt trở lại, sẽ lại đóng góp cho ngân sách nhà nước. Ông cho biết, khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể đang đóng góp một phần quan trọng trong ngân sách TP HCM.
 
Tại phiên họp 17/5 bàn về gói giải pháp 29.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ đồng ý với đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gia hạn tiền sử dụng đất và gia hạn tiền thuế VAT, nhưng không tán đồng kế hoạch miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê cho công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh...
 
Trao đổi với VnExpress ngày khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ bảo vệ quan điểm miễn thuế với các đối tượng này. Theo chương trình dự kiến, tuần tới gói giải pháp 29.000 tỷ đồng sẽ được đem ra thảo luận tại Quốc hội.


Theo VnExpress

Các tin cũ hơn