Eurocharm: Nên giảm sự "thống trị" của EVN

Thứ tư, 30/05/2012, 17:27
Năm 2012, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam bị sụt giảm đến 8 bậc chủ yếu là do thất bại trong việc cải thiện hệ thống điện. Eurocharm cho rằng Việt Nam cần điều chỉnh giá năng lượng theo mức của khu vực.
 

 
Đây là một nội dung từ Báo cáo của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocharm) tại Việt Nam trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 29/5/2012.

Thành công nhất là ổn định đồng tiền

Một trong những thành công nổi bật nhất của Chính phủ năm 2011 và đầu năm 2012 là sự ổn định đồng tiền từ giai đoạn bị mất giá năm ngoái. Ngoài ra, mức lạm phát đang có chiều hướng giảm, tính thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện.

Dự trữ ngoại tệ tăng lên. Chính phủ đã duy trì được lòng tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng trong thời gian khó khăn vừa qua. Nhìn chung, bức tranh kinh tế vĩ mô đã được cải thiện đáng kể.

 


Việt Nam nên xây dựng thị trường ngành điện cạnh tranh hơn. Ảnh minh họa

 
Ba ưu tiên chiến lược của Chính phủ bao gồm tái cấu trúc khu vực tài chính, khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước và đầu tư công được đánh giá là nhất quán và theo lộ trình đúng đắn. Tuy nhiên, dù kế hoạch tốt nhưng việc triển khai ra sao mới là điều cốt lõi.

Theo Eurocharm, mặc dù vẫn tin tưởng vào tiềm năng phát triển trong dài hạn của Việt Nam, nhưng lòng tin của các doanh nghiệp châu Âu đang có chiều hướng suy giảm trong ngắn hạn.

Lý do của việc sụt giảm lòng tin này là sự thay đổi chậm chạp trong những vấn đề tồn tại lâu nay như khó khăn trong tiếp cận tín dụng, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, gánh nặng về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề mới liên quan đến “tiếp cận thị trường” cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến đánh giá của giới DN châu Âu.

DN nước ngoài “ngại” đầu tư cơ sở hạ tầng

Cho đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần hơn 150 tỷ USD để phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm các hệ thống giao thông, cầu đường, các nhà máy điện, hệ thống cấp nước và xử lý chất thải.

Trong khi đó, các nguồn vốn truyền thống như ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và nguồn hỗ trợ phát triển từ các Chính phủ nước ngoài chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu trên. Điều này có nghĩa là 50% nguồn vốn đầu tư phải huy động từ các DN trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, rất nhiều DN nước ngoài còn đang cân nhắc khi đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng do lo ngại về hiệu quả đầu tư, tỷ lệ thu hồi lãi và sự đảm bảo về vốn.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự thờ ơ của nhà đầu tư nước ngoài là việc phân bổ rủi ro kém hiệu quả, các yêu cầu hành chính phức tạp, thiếu minh bạch trong thủ tục đấu thầu, việc giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian và chi phí trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng.

Về nguồn cung năng lượng, việc tiêu thụ điện được dự đoán là sẽ tăng nhanh ở mức ít nhất là gấp đôi GDP với mức tối thiểu khoảng 12%/năm. Việc xây dựng mới các nhà máy điện ở VN chưa bắt kịp với nhu cầu, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt khi nhu cầu đạt đỉnh điểm.

Để giải quyết vấn đề này, VN cần điều chỉnh giá năng lượng theo mức của khu vực. Chỉ khi các mức giá được điều chỉnh cao hơn nhưng phản ánh đúng thực tế mới giúp các DN có thặng dư để trang trải các chi phí vốn, từ đó cho phép DN tồn tại, phát triển.

Giảm sự thống trị của EVN trong ngành điện

Eurocharm cho rằng việc VN tăng mức giá điện trung bình lên hơn 15% vào đầu tháng 3 là một nỗ lực nhằm xây dựng một thị trường điện lành mạnh. Ở cấp rộng hơn, VN nên tiếp tục khuyến khích các cơ chế thị trường này và giảm sự thống trị của EVN (Tổng công ty Điện lực VN) bằng cách cho phép các DN tham gia vào thị trường và xây dựng một thị trường điện có sự cạnh tranh đầy đủ vào năm 2015, thay vì năm 2024.

Báo cáo về ngành điện của nhóm Diễn đàn DN VN cũng kiến nghị Chính phủ nên tập trung giảm chi phí cho các dự án điện, cân nhắc về khả năng đóng góp của tư nhân trong quá trình tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng của VN, trong đó có việc ban hành các quy định PPP thí điểm.

Hoạt động đầu tư trong môi trường quốc tế hiện nay không thực sự khả quan. Sau hai mươi năm thời kỳ bong bóng tín dụng, Việt Nam đang phải đối mặt với một thời kỳ mà lượng tiền - dù từ các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tín dụng ngân hàng hay viện trợ - đều hạn chế hơn rất nhiều so với trong quá khứ. Chính vì thế, VN cần nỗ lực hơn nữa để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư hiện đang thiếu kiên nhẫn và khắt khe hơn trước.
 

Theo Vnmedia

Các tin cũ hơn