>> Khu công nghiệp “rùa bò”
>> Dừng thành lập khu công nghiệp mới
>> Thừa đất cho khu công nghiệp, thiếu đất xây trường học
Mất “bờ xôi ruộng mật”, thiếu việc làm
Năm 2009, UBND tỉnh Vĩnh Long có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt đề án điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch KCN tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020. Theo đó, tỉnh lập thêm 5 KCN mới, tập trung tại các huyện Bình Minh, Bình Tân, Mang Thít, Long Hồ với tổng diện tích gần 1.930 ha. Trong tờ trình này cũng nêu: Vĩnh Long có hơn 1.000 ha đất sản xuất lúa nhưng năng suất rất thấp, khoảng 4,07 tấn/ha, thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh là 5,05 tấn/ha (so với năm 2008).
Khi hay tin này, nhiều nông dân không hài lòng vì thực tế, nhiều nơi có đất dành làm KCN, lúa đạt năng suất rất cao, từ 6-7 tấn/ha. Chẳng hạn, KCN Đông Bình (huyện Bình Minh) được quy hoạch với diện tích 350 ha, trong đó đất trồng lúa chiếm hơn 225 ha, có đến 820 hộ với hơn 3.200 nhân khẩu bị mất đất, trong khi năng suất lúa ở đây đều đạt từ 7 tấn/ha trở lên.
KCN Xuân Tô (huyện Tịnh Biên - An Giang) được xây dựng năm 2005 trên diện tích 57,4 ha với vốn đầu tư 72 tỉ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. UBND tỉnh An Giang ưu đãi đầu tư bằng việc miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong 11 năm đầu.
Tuy vậy, đến nay, chỉ có 4 doanh nghiệp đăng ký thuê 15 ha, tổng số vốn dự kiến 200 tỉ đồng, trong đó 2 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng nhưng không triển khai sản xuất. Do đất trống còn quá nhiều nên người dân địa phương mở sân đá bóng và sân phơi lúa. Đầu năm 2012, UBND tỉnh đã quyết định chuyển đất của KCN này làm kho bãi chứa hàng hóa, dịch vụ phi thuế quan.
Khi đường Nam Sông Hậu đưa vào sử dụng thì KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành - Hậu Giang) có quy mô hơn 290 ha cũng hình thành. Theo ông Phạm Văn Chởm, Chủ tịch UBND xã Đông Phú, hiện trong KCN Sông Hậu mới chỉ có nhà máy của Công ty CP Thủy sản Minh Phú và một công ty chuyên về sắt thép hoạt động, còn lại là đất hoang.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, ĐBSCL hiện có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha nhưng mới cho thuê hơn 810 ha, chỉ đạt tỉ lệ hơn 22%.
Các tỉnh, thành ĐBSCL còn thành lập 177 cụm công nghiệp, tổng diện tích 15.457 ha. Trong số này, mới có 15 cụm được các doanh nghiệp thuê hơn 700 ha đất, đạt tỉ lệ 4,5%.
Như vậy, ĐBSCL đang lãng phí diện tích đất rất lớn trong các KCN, cụm công nghiệp với diện tích lên đến hơn 17.600 ha (hơn 92% diện tích quy hoạch).
Nhiều vùng đất nông nghiệp trù phú đang dần được thay thế bằng những KCN bỏ hoang.
|