Các chuyên gia tham gia hội thảo về thúc đẩy năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam tổ chức tại TPHCM hôm 11-10
Trong một hội thảo hôm 11-10 tại TPHCM, các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm sức cạnh tranh do chi phí thương mại liên quan đến dịch vụ hậu cần, hải quan,… Theo ông Phạm Minh Đức, chuyên viên kinh tế cao cấp của WB, chi phí thương mại, gồm chi phí hậu cần, dịch vụ giao thông, được xem là rào cản thương mại tương đương như thuế quan. Cụ thể, tổng chi phí hậu cần và tạo thuận lợi thương mại có thể tương đương 25% GDP, cao gấp đôi so với các nước thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OEDC). Ngoài ra, xét về khía cạnh thời gian trong chi phí thương mại (những thiệt hại do chậm trễ) cũng gây trở ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, mỗi ngày chậm trễ ở biên giới tương đương với chi phí tăng thêm 0,8% giá trị hàng hoá chuyên chở. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Trí, giảng viên Đại học kinh tế TPHCM, hiện trong ngành điện tử, công gia công sản xuất tại nhà máy chiếm 87% chi phí, tỷ lệ chi phí giao nhận là 13%. Ông cho rằng, kiểm soát được chi phí hậu cần là yếu tố quyết định đến lãi, lỗ của doanh nghiệp điện tử, vì lợi nhuận gia công rất nhỏ, trong khi chi phí sản xuất trên mỗi sản phẩm khá ổn định do công nghệ có thời gian thay đổi chậm. Ngoài ra, đặc thù của ngành điện tử là yêu cầu giải quyết đơn hàng nhanh chóng, thời gian giao hàng tính theo giờ. Tuy nhiên, doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam chỉ có thể giao hàng tính theo ngày hoặc tuần. Ông Trí cho biết, để đề phòng kẹt xe và chậm trễ trong vận chuyển hàng đến cảng, hoặc sân bay, có một số doanh nghiệp phải trừ hao trước vài giờ hoặc mười mấy giờ. Tuy nhiên, việc dành thêm nhiều thời gian cho vận chuyển lại “ăn” vào thời gian sản xuất, làm doanh nghiệp phải làm nhanh hơn, gây sức ép lớn cho doanh nghiệp. Khảo sát của WB đối với doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng cho thấy, doanh nghiệp thường phàn nàn chi phí cho các hãng tàu rất cao. Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết, quy trình hải quan vẫn tốn thời gian và mang nhiều tính hành chính. “Đã có hải quan điện tử và lẽ ra sau khi khai xong sẽ ra thông quan hàng hoá, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải in ra lại và thực hiện các quy trình như các thủ tục giấy tờ bình thường”, thạc sĩ Nguyễn Kim Thảo, chuyên gia kinh tế tham gia nghiên cứu trên của WB, nói. Theo bà Thảo, doanh nghiệp dệt may cho biết, nếu cắt giảm thủ tục hải quan, thì khả năng đáp ứng đơn hàng xuất khẩu của họ sẽ tốt hơn. (Theo TBKTSG Online)
Lê Trung