Chứng khoán chờ thời

Thứ hai, 23/07/2012, 16:57
"Chứng khoán là niềm tin. Hiện tại chưa thể biết chính xác khi nào kinh tế phục hồi, thì làm sao biết bao lâu nữa niềm tin quay trở lại. Do đó, chứng khoán đang ở giai đoạn chờ thời" - ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Gần đây người ta thường xuyên bắt gặp giới nhân sự cấp cao chứng khoán trên sân golf. Không lẽ các công ty chứng khoán giờ ít việc đến thế? Hay họ bị áp lực công việc đến mức phải tìm nơi xả stress?

Đúng là chứng khoán đang rỗi việc. Chúng tôi thường trao đổi với nhau giờ hãy kiểm soát rủi ro tốt nhất, an toàn nhất và chờ thời. Lúc này những yếu tố như khách hàng, thị phần đều không ổn định. Khi nhà đầu tư không quan tâm đến chứng khoán, thì có làm gì, nỗ lực đến mấy cũng ít tác dụng.

Vậy những công ty có chức năng tự doanh như SSI làm gì để có lợi nhuận? Các ông "thi đua" cùng người dân gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi "ăn" dần sao?

- SSI là tổ chức đầu tư, tất nhiên phải chú trọng đến lợi nhuận và sự an toàn. Để có lợi nhuận ổn định, thông thường người ta đầu tư vào các ngành cơ bản, ít phụ thuộc, ít chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, nhờ thế kiểm soát được rủi ro. Hiện nay định hướng của Nhà nước là thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, hàng tiêu dùng, chế biến.... Đây là hướng đi đúng và SSI đầu tư vào những lĩnh vực này.


Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Nhưng ông cũng thấy là giá nông sản, các hàng hóa cơ bản biến động mạnh. Sự giảm giá của gạo, cà phê, cao su, thủy sản... đang là thử thách lớn với không ít doanh nghiệp xuất khẩu?

Giá nông sản trên thế giới và cả ở Việt Nam đang giảm, tuy nhiên sức tiêu thụ vẫn có. Nói cách khác, người ta vẫn phải ăn cơm, thịt cá, uống cà phê, chè, uống sữa.... Đấy là những hàng hóa thiết yếu. Trước đây năm năm người ta thay một chiếc xe mới, nay có thể cùng chiếc xe đó họ xài tới 10 năm. Thậm chí thay cho xe hơi, người ta đi xe đạp, xe buýt. Nhưng ai cũng cần gạo, bánh mì, cà phê cho cuộc sống hàng ngày.

Nhưng ông nghĩ sao khi giá cá tra, ba sa trong nước đang rớt; chế biến, xuất khẩu thủy sản đang vướng mắc vì thị trường bên ngoài không thuận lợi, lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng? Đầu tư vào những ngành ấy đâu có an toàn?

Ở đâu cũng có rủi ro. Vấn đề là chọn lĩnh vực nào ít rủi ro hơn và có tương lai cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn, dài hạn. Có thể tương lai ngắn hạn khó khăn, nhưng về cơ bản là thuận lợi.

SSI đã đầu tư 50% vốn chủ sở hữu vào các doanh nghiệp thủy sản, nông nghiệp. Thời gian qua những ngành này nói chung ổn định hơn rất nhiều so với một số lĩnh vực khác.

 
Ở trên ông nói chứng khoán đang chờ thời, nhưng SSI vẫn đang giải ngân. Thưa ông, hình như có hành động ngược ở đây thì phải?

Chứng khoán vừa qua trồi sụt thất thường và tôi nghĩ nó cũng chưa thể ổn định ngay được. Cho đến khi nào người ta còn tranh luận liệu kinh tế đã hết khủng hoảng, hoặc đã đến đáy, hoặc có khủng hoảng kép, thì chưa có cơ sở để đoán định chứng khoán sẽ đi đến đâu một cách rõ ràng.

 
Nếu thế SSI nên chờ đợi một thời điểm thích hợp hơn để đầu tư chứ?

Kinh doanh phải có kế hoạch và phải tích lũy, đánh giá cả một quá trình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không phải mọi thứ đều tuyệt đối xấu. Trong khi tranh cãi về đường đi nước bước của kinh tế, người ta có thể tìm ra cái tốt. Tất nhiên ở đây có vai trò của ý kiến chủ quan và ý kiến đó có thể đúng, có thể sai. Mục tiêu của SSI là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông và nếu phán đoán chủ quan sai thì phải chịu.
 
Cho đến nay phán đoán của các ông ra sao?

Đến giờ chưa sai. Chúng tôi vẫn đạt tiến độ lợi nhuận như kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế nửa đầu năm của SSI là 260 tỉ đồng, so với chỉ tiêu cả năm 480 tỉ đồng, tôi cho là khả quan.

Năm nay dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài biến động phức tạp. SSI có nhiều khách hàng tổ chức nước ngoài, ông có thường xuyên trao đổi với họ và ông nhìn nhận dòng vốn ngoại như thế nào?

Không có nhà đầu tư nước ngoài nào vào một quốc gia nào mà không vì mục tiêu lợi nhuận. Và họ giải ngân vào đâu, thông thường là qua nhìn nhận đánh giá của các hãng xếp hạng định mức tín nhiệm quốc tế.

 
Trước đây giá tài sản ở Mỹ, Châu Âu quá cao, nên các nhà đầu tư có xu hướng mua tài sản mà họ cho là còn rẻ , còn có khả năng tăng giá ở các thị trường mới nổi. Nay họ nhận thấy ngay ở châu Âu, ở Mỹ có nhiều lựa chọn (khủng hoảng kinh tế làm giá tài sản xuống thấp), nên phải tính toán bỏ tiền vào đâu cho lợi nhất. Cơ hội thu hút dòng vốn ở thị trường mới nổi, vì thế đang bị san sẻ.

Chứng khoán Việt Nam có nằm trong xu hướng đó không, thưa ông?

 
Có chứ. Chứng khoán Việt Nam đã giảm sâu trong thời gian dài. Để phục hồi, thị trường cần dòng tiền mới, thì phải cạnh tranh. Các quỹ nước ngoài là người đi huy động vốn bên ngoài, phải có câu chuyện cho họ kể, nó là cơ sở để họ thuyết phục nhà đầu tư
 
Chúng ta phải nhìn vào thực tế là độ hấp dẫn của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với những thị trường cùng thứ bậc không. Không phải các quỹ, mà chính các nhà đầu tư quyết định. Tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu dòng vốn ngoại sẽ tăng lên trong sáu tháng tới.
 
Còn các quỹ nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam?

Họ  thuộc dòng tiền cũ. Dòng tiền này có thể pha trộn nếu các quỹ huy động được vốn mới. Tuy nhiên lâu nay chưa có quỹ nào gọi được vốn mới cả. Các quỹ cũ phải đối mặt với chuyện thanh lý hay gia hạn hợp đồng. Với những quỹ mà tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam nhỏ, họ có thể thuyết phục nhà đầu tư gia hạn. Còn những quỹ lâu năm, đã đến hạn đóng, việc gia hạn có thể khó khăn.
 
Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích