Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 26.324, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nhiều NH có lợi nhuận từ cho vay vẫn đạt con số khổng lồ.
Cụ thể như NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), lợi nhuận từ hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm nay đạt 2.882,61 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi lãi từ dịch vụ giảm mạnh đến 59,4%, chỉ đạt 131,39 tỉ đồng; kinh doanh ngoại hối lỗ, kinh doanh chứng khoán lỗ, góp vốn mua cổ phần bị lỗ…
Sau khi trừ hết các chi phí, lợi nhuận sau thuế của EIB đạt 1.391,81 tỉ đồng, tăng 9,68% so với cùng kỳ năm trước.
Các NH vẫn lãi cao trong khi doanh nghiệp điêu đứng
NH TMCP Á Châu (ACB) lãi thuần 6 tháng đầu năm đạt trên 3.611 tỉ đồng, tăng 18,05% so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng cao khiến cho lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay của ACB giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, còn 1.392,59 tỉ đồng.
Một ông lớn khác là NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng có lợi nhuận thuần trong 6 tháng đầu năm nay đạt 5.632,71 tỉ đồng, tăng 4,81% so với cùng kỳ năm trước.
VCB có thêm các khoản thu nhập khác như lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 620,89 tỉ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 642,22 tỉ đồng và lãi từ chứng khoán kinh doanh 31,84 tỉ đồng, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần là 264,56 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là 2.038,91 tỉ đồng (tăng 106,49%) dẫn đến tổng lợi nhuận sau thuế của VCB giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, còn 2.155,92 tỉ đồng (giảm 5,57%).
NH TMCP Công thương Việt Nam (CTG) có thu nhập lãi thuần 6 tháng đạt 8.830,93 tỉ đồng; thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 558,70 tỉ đồng; lãi từ hoạt động khác là 525,97 tỉ đồng… nhưng do chi phí hoạt động gia tăng và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng khiến cho lợi nhuận sau thuế CTG còn 1.959,32 tỉ đồng (giảm 28,35%).
Như vậy có thể thấy, thu nhập từ lãi thuần của hầu hết các NH đều gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Hứng lợi nhuận từ doanh nghiệp
Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, các khoản đầu tư góp vốn của các NH cũng là con số rất lớn.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí vốn của NH gia tăng, khiến LS cho vay bị đẩy lên cao.
Chính vì vậy NH Nhà nước nên yêu cầu NH đánh giá lại các khoản góp vốn đầu tư và các cổ đông sẽ phải đặt vấn đề trách nhiệm của hội đồng quản trị, ban điều hành của NH về hoạt động đầu tư này nếu bị lỗ hoặc đầu tư không hiệu quả. Từ đó mới có thể góp phần làm giảm lãi suất cho vay đối với các thành phần kinh tế.
Lợi nhuận chủ yếu từ cho vay trong khi tổng dư nợ 6 tháng đầu năm nay của các NH là không đáng kể, chỉ xoay quanh con số 1% như VCB, ACB, EIB…
Thậm chí ở CTG, con số cho vay còn giảm 3,2% so với cuối năm 2011.
Điều đó chứng tỏ lãi suất cho vay đã gia tăng so với cùng kỳ năm trước. TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế TP.HCM) - nhận định thời gian qua các NH đã cho vay với lãi suất (LS) cao ngất ngưởng.
Có thể nói, lợi nhuận các doanh nghiệp hầu như chảy vào túi các NH. Mức chênh lệch giữa LS đầu vào là 9% với LS đầu ra ở mức 14 - 15%/năm là quá cao khiến lợi nhuận của NH vẫn đứng ở mức cao.
Do đó, những khoản nợ xấu của hệ thống NH hiện nay phải do NH xử lý. NH Nhà nước cần kiên quyết bắt các NH phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu.
Thậm chí, phải chấp nhận trích lập hết lợi nhuận. Nếu lấy lợi nhuận của hệ thống NH để tính trích lập dự phòng nợ xấu thì ước tính hệ thống NH có sức chịu đựng lên hơn 6% mức nợ xấu hiện nay. Khi đó, nợ xấu của toàn hệ thống NH chỉ còn dưới 2%, một tỷ lệ nhỏ, không cần thiết Chính phủ phải đứng ra xử lý.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì cho rằng lợi nhuận của các NH vẫn ở mức cao có liên quan đến việc xử lý phân loại nợ.
Thời gian qua, theo khai báo của các NH thì nợ xấu chỉ ở mức hơn 3% nhưng đến nay thì con số của NH Nhà nước đưa ra chính thức chiếm đến 8,6% tổng dư nợ, tương đương 202.000 tỉ đồng. Như vậy bản thân các NH đã giấu nợ xấu dẫn đến trích lập dự phòng rủi ro thấp.
“Phải chăng các NH muốn đưa ra con số lãi lớn để vẫn chia cổ tức cao cho cổ đông? Nợ xấu càng tăng cao càng gây nên hệ lụy khó khăn cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.
Tôi cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra giám sát việc báo cáo, phân loại và xử lý nợ xấu của các NH để không gây hệ lụy cho cả nền kinh tế”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.