Tập đoàn kinh tế Nhà nước - những lát cắt thời sự

Thứ ba, 24/07/2012, 08:31
Trong loạt bài viết này, chúng tôi đề cập đến những lát cắt thời sự của TĐKTNN dưới góc độ an ninh kinh tế, từ vai trò rường cột của nền kinh tế đến các hệ lụy từ cơ chế quản lý và con người, cũng như cận cảnh việc tái cấu trúc tập đoàn - một yêu cầu cấp bách trong Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế.
Tập đoàn kinh tế Nhà nước (TĐKTNN) đầu tiên khai sinh cuối 2005. So với lịch sử phát triển các tập đoàn kinh tế trên thế giới, việc đến thập niên đầu thế kỷ XXI mới ra đời tập đoàn kinh tế ở Việt Nam là muộn, nhưng mang tính tất yếu khách quan của xu thế mở cửa, hội nhập.

Thực chất, đó là sự liên kết, tập hợp các tổng công ty lớn và áp dụng thí điểm, do đó “thuở ban đầu” của TĐKTNN đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề nóng bỏng.

 
Nhận diện tập đoàn kinh tế nhà nước
 
Nghị định 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý TĐKTNN của Chính phủ ban hành ngày 5/11/2009 xác định:

“TĐKTNN thành lập theo Nghị định này là nhóm công ty có quy mô lớn liên kết dưới hình thức công ty mẹ - công ty con và các hình thức khác, tạo thành tổ hợp các doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác”.
 
Phát triển kinh tế đòi hỏi vai trò rường cột các tập đoàn mạnh.

TĐKTNN bao gồm: công ty mẹ (gọi tắt là doanh nghiệp cấp I) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; công ty con của doanh nghiệp cấp I (gọi tắt là doanh nghiệp cấp II) là các doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp I giữ quyền chi phối;

Được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một hoặc hai thành viên trở lên, tổng công ty theo hình thức công ty mẹ - công ty con, công ty liên doanh (trong trường hợp chưa đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp), công ty con ở nước ngoài.

Ngoài ra, có công ty con của doanh nghiệp cấp II và các cấp tiếp theo; các doanh nghiệp liên kết của tập đoàn…

 
Các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam được hình thành chủ yếu từ việc chuyển đổi và tổ chức lại các tổng công ty Nhà nước theo quyết định của Chính phủ.

TĐKTNN hoạt động trong những ngành kinh tế mũi nhọn, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế theo mục tiêu chiến lược phát triển của từng tập đoàn mà tư nhân và các thành phần kinh tế khác khó có thể thực hiện được do hạn chế về năng lực tài chính hoặc kinh nghiệm quản lý, là một trong những công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

 
Hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con (chuyển từ quan hệ hành chính trong tổng công ty Nhà nước trước đây sang quan hệ về đầu tư vốn); quy mô và khả năng tích tụ vốn có trình độ cao hơn và quy mô lớn hơn so với các tổng công ty trước đây (trước khi chuyển đổi sang mô hình tập đoàn); phạm vi hoạt động được mở rộng không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài.

Quan hệ chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên về đầu tư vốn và tài chính, thị trường, phân công chuyên môn hóa, nghiên cứu và phát triển, thể hiện rõ nét đặc trưng quan hệ giữa các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kinh tế.

 
Quan hệ giữa tập đoàn với bộ, ngành và Chính phủ khác hẳn các loại hình doanh nghiệp thông thường. Nhà nước là chủ sở hữu của tập đoàn kinh tế.

Chính phủ thống nhất thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ và đối với phần vốn nhà nước tại TĐKTNN; Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập công ty mẹ, quyết định tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty mẹ theo đề nghị của bộ quản lý ngành và ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.

 
Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm thành viên HĐQT tập đoàn; giao bộ quản lý ngành, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và hội đồng quản trị tập đoàn thực hiện một số quyền của chủ sở hữu theo pháp luật hiện hành, theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn.
 
Giám sát đối với TĐKTNN được thực hiện theo các phương thức: Thông qua chế độ báo cáo của hội đồng quản trị công ty mẹ; thông qua thực hiện kiểm toán tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên; thông qua thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của công ty mẹ; thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cơ quan theo quy định.
 
Tàu lớn và sứ mệnh vượt biển
 
Với quy mô về vốn, tài sản đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế nhà nước, hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước vì vậy luôn song hành cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.

Khối DNNN mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty, đã đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu).

 
Về cơ bản, khi các tổng công ty 91 được thí điểm chuyển đổi thành TĐKTNN đánh dấu bước đi mới với tiến trình hội nhập, nâng cao tính tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các tổng công ty.

Sau thời gian thí điểm, TĐKTNN cùng với các tổng công ty Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, góp phần bảo đảm điều tiết vĩ mô của Nhà nước; tham gia tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.

 
Một số TĐKTNN giữ vai trò cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân, như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đóng góp vào khoảng 30% GDP hằng năm.

Quy mô vốn sở hữu của các TĐKTNN tăng lên đáng kể, các tập đoàn đã huy động được một lượng vốn khá lớn từ các thành phần kinh tế khác thông qua việc cổ phần hoá các công ty thành viên của tập đoàn và thành lập mới các công ty cổ phần.

 
Vốn và tài sản Nhà nước tại DNNN nói chung và ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nói riêng là bộ phận chủ lực, cấu thành và không thể tách rời của tổng nguồn lực quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động sức mạnh tổng thể và chủ đạo của kinh tế Nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nền kinh tế.
 
Chẳng hạn, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cung cấp dịch vụ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng;

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thông qua thực hiện trồng cây cao su đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn, việc làm cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và đã xây dựng được một lực lượng tự vệ với trên 10.000 người...

 
Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đóng vai trò là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả, nhất là trong điều kiện nền kinh tế không ổn định, phải đối phó với những biến động về cung - cầu hàng hóa, về giá cả.

Cụ thể Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam... theo chỉ đạo của Chính phủ đã không tăng giá bán sản phẩm mặc dù chi phí đầu vào tăng để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường.

 
Nếu đánh giá một cách tổng quát hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo các chỉ tiêu cơ bản thì có thể thấy: đa số các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã kinh doanh có lãi; các chỉ tiêu nhìn chung đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng mức độ thì khác nhau, có tập đoàn, tổng công ty đạt hiệu quả cao, có đơn vị lại đạt hiệu quả rất thấp, nhưng nhìn tổng thể, vai trò của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian qua là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Với xu hướng phát triển, hội nhập quốc tế hiện nay, việc hình thành và phát triển mô hình tập đoàn kinh tế là điều tất yếu.

Chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty để hình thành những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đủ mạnh chi phối nền kinh tế và có vai trò, vị trí ngày càng lớn, có đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn, tổng công ty cùng ngành kinh doanh trong khu vực.

 
Tuy nhiên, giai đoạn thí điểm của TĐKTNN đang là những bước đi dò dẫm ban đầu, có thể coi đó là thời kỳ “quá độ” của kinh tế tập đoàn, chưa rõ bản sắc, lối đi thích hợp, cơ chế chính sách pháp luật chưa theo kịp, rẽ lối vào thị trường nhưng TĐKTNN lại đang mang trong mình cơ chế và cả tư duy bao cấp nặng nề.
 
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa IX) nêu: Hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty Nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành kinh doanh chính, chuyên môn hóa cao và giữ vai trò chi phối lớn trong nền kinh tế quốc dân, có quy mô rất lớn về vốn, hoạt động cả trong nước và ngoài nước, có trình độ công nghệ cao và quản lý hiện đại, đào tạo, nghiên cứu triển khai với sản xuất kinh doanh.

Thí điểm hình thành tập đoàn kinh tế trong một số lĩnh vực có điều kiện, có thế mạnh, có khả năng phát triển để cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả như: dầu khí, viễn thông, điện lực, xây dựng…
 
13 tập đoàn kinh tế nhà nước hiện hành
 
1. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)
2. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)
3. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam)
4. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
5. Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin)
6. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)
7. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG)
8. Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt)
9. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)
10. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)
11. Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD Holdings)
12. Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Songda)
13. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
 
Theo CAND

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích