HSBC "hét" giá bán vốn góp Bảo Việt 400 triệu USD: đắt hay rẻ?
Thứ ba, 24/07/2012, 07:44
Theo thông tin phát đi trên các phương tiện truyền thông quốc tế thì HSBC đang đàm phán để bán lại toàn bộ 18% cổ phần nắm giữ tại Tập đoàn Bảo Việt với mức giá 400 triệu USD.
So với giá thị trường hiện tại, lượng cổ phiếu BVH mà HSBC đang nắm giữ chỉ tương đương hơn 250 triệu USD. Song các chuyên gia cho rằng, mức 400 triệu USD HSBC đưa ra không hề đắt.
Sau hai phiên tăng giá trần ngày 19 và 20/7 và phiên giảm giá đầu tuần này, cổ phiếu BVH hiện chốt ở mức giá 46.800 đồng (ngày 23/7).
Như vậy, tổng giá trị cổ phiếu BVH mà HSBC nắm giữ theo giá thị trường ngày 23/7 là hơn 250 triệu USD, thấp hơn nhiều so với số tiền xấp xỉ 360 triệu USD mà HSBC đã bỏ ra để mua 18% cổ phần tại Bảo Việt vào các năm 2007 và 2009, đưa HSBC trở thành đối tác chiến lược tại Bảo Việt.
HSBC đang ra giá 400USD cho 18% cổ phần đang nắm giữ tại Bảo Việt
Tuy nhiên, theo thông tin phát đi thì HSBC kỳ vọng bán toàn bộ số cổ phiếu trên với giá 400 triệu USD, tương đương 68.000 đồng một cổ phiếu BVH, trong khi giá BVH hiện tại là 46.800 đồng/cổ phiếu. Theo các chuyên gia tài chính thì mức giá này không phải là đắt.
Ông Hồ Công Hưởng, Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Hoàng Gia, cho hay, vì cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt đã niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung Việt Nam, nên nếu HSBC muốn thoái vốn thì chỉ có 2 cách.
Vì HSBC sở hữu tới 18% lượng cổ phiếu BVH nên theo quy định, khi muốn mua hay bán cổ phiếu này, HSBC phải đăng ký mua/bán trước, doanh nghiệp niêm yết phải thông báo giao dịch cổ phiếu của cố đông lớn gửi lên Ủy bán chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, trong đó đưa ra số lượng cổ phiếu mua/bán, khoảng thời gian giao dịch dự kiến.
Còn nếu HSBC tìm được đối tác để chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu BVH đang nắm giữ thì việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện theo phương thức giao dịch thỏa thuận.
“Tôi nghĩ HSBC sẽ dễ dàng tìm được đối tác mua lại cổ phần của Bảo Việt, bởi Bảo Việt hiện là tập đoàn tài chính – bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam.
Năm 2011, bảo hiểm Bảo Việt chiếm vị trí dẫn đầu thị trường với 24% thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Bảo Việt duy trì vị trí thứ 2 với 29% thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Như vậy, dựa trên vị thế thị trường mạnh và triển vọng tăng trưởng dài hạn tốt của BVH, đầu tư vào Bảo Việt sẽ mang đến sự an toàn và kỳ vọng về lợi nhuận lâu dài cho các đối tác.
Vấn đề ở đây có lẽ là những bên có ý định mua đang xem xét mức giá 400 triệu USD mà HSBC đưa ra, song tôi nghĩ đây là mức giá hoàn toàn có cơ sở”, ông Hưởng nhận định.
Cũng theo ông Hưởng, việc HSBC thoái vốn khỏi Bảo Việt sẽ không ảnh hưởng gì tới giá cổ phiếu BVH và cũng ít tác động tới việc kinh doanh bảo hiểm của Bảo Việt trong ngắn hạn.
“Các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu BVH cũng nên yên tâm bởi Bảo Việt là doanh nghiệp niêm yết nên khi có thông tin gì chính thức, họ phải công bố thông tin đầy đủ cho các nhà đầu tư”, ông Hưởng nói.
Chuyên gia kinh tế cấp cao, Tiến sĩ Bùi Kiến Thành (từng là cố vấn cao cấp thường trú tại Việt Nam của Tập đoàn bảo hiểm AIG và sau đó là cố vấn cao cấp của Công ty TNHH Bảo hiểm Quốc tế Mỹ AIA Vietnam, công ty thành viên của AIG) cho rằng, hiện tại thị trường bảo hiểm của Việt Nam đang phát triển khá nhanh và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Cổ phiếu BVH có triển vọng tăng trưởng dài hạn khá tốt, tập đoàn Bảo Việt có vị thế, thị phần thị trường mạnh, nên kỳ vọng giá 400 triệu USD cho 18% cổ phần Bảo Việt là hoàn toàn có thể.
Kết thúc quý I/2012, BVH đạt 626 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 81,5% so với cùng kỳ năm 2011. Doanh thu tương ứng đạt 3.973 tỷ đồng, tăng 18,1% bất chấp những khó khăn của nền kinh tế.
Ông Thành cho biết, thực ra tin đồn HSBC thoái vốn tại Bảo Việt từng xuất hiện cách đây khoảng 1 năm và gây xôn xao trong giới bảo hiểm, ngân hàng dù báo chí không đưa tin, song khi đó, theo thỏa thuận đối tác chiến lược giữa HSBC và Bảo Việt, HSBC cam kết nắm giữ cổ phiếu Bảo Việt trong vòng 5 năm (từ năm 2007 đến 2012), nên tin đồn nhanh chóng lắng xuống.
Hiện đã quá nửa năm 2012, sắp đến thời điểm kết thúc cam kết nắm giữ cổ phiếu giữa HSBC và Bảo Việt (9/2012), hơn nữa trước đó HSBC toàn cầu đã thoái một phần vốn khỏi lĩnh vực bảo hiểm hồi tháng 2 năm nay, nên thông tin HSBC thoái vốn tại Bảo Việt lại dấy lên.
Ông Thành cho rằng, có lẽ hợp đồng giữa HSBC và Bảo Việt không có điều khoản Bảo Việt có quyền ưu tiên mua lại hoặc chọn đối tác thay thế HSBC khi HSBC muốn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Bảo Việt. Vì vậy mà Bảo Việt có vẻ đang ở thế bị động, không biết thực hư HSBC có định thoái vốn hay không, nếu có thì ai sẽ là đối tác mua lại 18% cổ phần trên.
“Theo tôi, một đối tác chuyên về lĩnh vực bảo hiểm sẽ có lợi hơn cho Bảo Việt. Hiện Bảo Việt chỉ có duy nhất HSBC là đối tác chiến lược nước ngoài, nếu HSBC thoái vốn, Bảo Việt cần hợp tác với một định chế bảo hiểm quốc tế khác.
Đối tác đó phải là tập đoàn lớn có quy mô hoạt động toàn cầu bởi như vậy mới giúp Bảo Việt đứng vững và bứt phá trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các tâp đoàn bảo hiểm quốc tế tại Việt Nam như Prudential, Dai Ichi Life, AIA, Manulife và một số công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ quốc tế khác.
Lĩnh vực bảo hiểm thường nặng về vấn đề nhân sự, sản phẩm bảo hiểm, chiến lược phân phối và phát triển sản phẩm bảo hiểm. Như vậy, chỉ có những đối tác chuyên về lĩnh vực bảo hiểm mới có thể giúp Bảo Việt ngày càng bành trướng hơn trong lĩnh vực chính của mình là bảo hiểm.
Thực tế, sau gần 5 năm hợp tác, HSBC và Bảo Việt không đem lại nhiều lợi ích cho nhau lắm. Kinh nghiệm Bảo Việt tiếp nhận được từ HSBC chủ yếu tập trung vào lĩnh vực quản trị công ty và kỹ thuật bảo hiểm.
Trên website của Tập đoàn Bảo Việt, khi nói về đối tác chiến lược HSBC, có viết: “HSBC hỗ trợ Bảo Việt phát triển thông qua việc áp dụng các mô hình kinh doanh phù hợp và thúc đẩy sự chuyên nghiệp giúp đưa Bảo Việt trở thành nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu tại Việt Nam.
Chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến việc triển khai các hệ thống phần mềm Quản lý hợp đồng mới ở các Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ và Bảo hiểm Bảo Việt. HSBC cũng hỗ trợ Bảo Việt tăng cường công tác quản lý rủi ro thông qua việc thành lập Hội đồng Quản lý rủi ro và Ủy ban Quản lý Tài sản nợ - Tài sản có tại Tập đoàn và các công ty con”.