Kêu và… cứu

Thứ hai, 23/07/2012, 17:38
Thống đốc NHNN: "Đừng nói ngân hàng móc túi doanh nghiệp, tiền chảy từ túi ông này sang túi ông kia mà thôi".
 
Hội nghị Đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội, về danh nghĩa là hội nghị cấp địa phương, nhưng sự xuất hiện của các thành phần khách mời đặc biệt đã “vô tình” nâng tầm trở thành cuộc đối ngoại giữa ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ghi nhận, cuộc đối thoại đã diễn ra theo một tinh thần khá “sòng phẳng”, chỉ là đối thoại nhưng đã có những quyết định quan trọng được đưa ra.

Về bản chất, đây là cuộc đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hà Nội và các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh 6 tháng cuối năm.

Nhưng rất nhiều doanh nghiệp, dù không nằm trên địa bàn, thậm chí từ tận miền Nam cũng bay ra để dự, và về phía ngành ngân hàng cũng có sự hiện diện của lãnh đạo cao nhất là Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

 
Đừng nói ngân hàng móc túi doanh nghiệp, tiền chảy từ túi ông này sang túi ông kia mà thôi

Doanh nghiệp kêu các kiểu

Giám đốc một doanh nghiệp nhỏ ở Đồng Nai chia sẻ với PV, sau khi nghe tin Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM từ ngày 15/7/2012 phải hạ lãi suất các món vay cũ xuống dưới 15%/năm, ngày 18/5 ông đã liên lạc với trưởng phòng tín dụng DaiA Bank tại Đồng Nai để hỏi về việc giảm lãi suất cho 2 khoản vay trị giá 1 tỷ đồng, hiện đang chịu mức lãi suất là 19%/năm.

Nhưng câu trả lời của doanh nghiệp này nhận được là: “DaiA Bank ở Đồng Nai không điều chỉnh lãi suất. Mọi việc vẫn cứ chiếu theo hợp đồng để thực thi. Anh đừng gọi điện nhiều để hỏi việc này”.

Một câu chuyện khác đến từ bà Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lexim, đó là các khoản vay cũ của Công ty với lãi suất trên 18%/năm tại Eximbank và MHB đã được ngân hàng điều chỉnh xuống đưa xuống dưới 15%/năm.

Nhưng bà Hà lại có mối quan tâm khác đó là mức lãi suất này được giữ được bao lâu, bởi đây là điều có ảnh hưởng quan trọng tới kế hoạch kinh doanh của Công ty thời gian tới?.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của bà Hà, Công ty đang làm thủ tục cho một số khoản vay mới, nhưng vẫn rất khó khăn.
“Nộp hồ sơ vay tiền tại VietinBank hơn một tháng nay, mỗi hôm nhân viên lại đưa ra yêu cầu thêm bổ sung vào hồ sơ vay”, bà Hà cho biết. “Lexim 11 năm kinh doanh chưa một lần trả chậm, chưa một lần phải tái cơ cấu nợ.

Dự án, phương án kinh doanh rõ ràng, tài sản thế chấp bằng máy móc và nhà xưởng đều có. Thử hỏi cơ chế vay đối với doanh nghiệp được coi là hạng A như chúng tôi còn khó khăn như thế thì các doanh nghiệp khác sẽ còn khó như thế nào?”.

Còn ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Intimex phàn nàn, năm ngoái lãi suất VND cao thì Intimex không được vay ngoại tệ, năm nay ngược lại. Trong khi Nhà nước khuyến khích tái đầu tư, nâng cao chất lượng sản xuất, nhưng vay ngân hàng vốn trung dài hạn cực khó.

“NHTM Nhà nước lúc đầu đồng ý hết, nhưng đến phút 89 thì họ dừng. Lúc đó doanh nghiệp lại phải đi vay của các NHTMCP với lãi suất cao nhưng cũng chỉ được 45% khoản vay”, ông Nam nói.
 
Phải chấp nhận…

Giải đáp băn khoăn của các doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, việc đưa lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm chỉ là đề nghị của NHNN với các NHTM nhằm chia sẻ cao nhất với doanh nghiệp và thể hiện trách nhiệm của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. Vì vậy, NHNN cũng không thể bắt buộc các ngân hàng phải thực hiện.

“Tuy nhiên, sau 5 ngày thì tuyệt đại đa số các TCTD đều có văn bản cam kết giảm lãi suất cho vay cũ xuống dưới 15%/năm. NHNN sẽ tổng hợp và cho đăng tải đầy đủ để công chúng giám sát”, ông Bình nói.

Với mong mỏi lãi suất giảm xuống 10%/năm của doanh nghiệp, ông Bình cho biết đó cũng là mong mỏi chung của nền kinh tế và cần phải tiến hành, nhưng chính xác là giảm bao nhiêu cũng còn phụ thuộc vào diễn biến nền kinh tế.

Nhìn từ phía doanh nghiệp, nếu hạ lãi suất doanh nghiệp sẽ chịu được, tăng trưởng tín dụng cũng cao hơn. Đó là mặt tích cực. Nhưng tăng trưởng tín dụng cao thì rủi ro cao và tiềm ẩn lạm phát cao trong thời gian tới nên không thể lặp lại câu chuyện cứ lạm phát lại thắt chặt, thắt xong thấy giảm lại nới rồi lạm phát lại quay lại…

“Chúng ta chữa bệnh, cần chữa hết nguồn bệnh có trong người. Nếu không khi điều kiện bên ngoài xấu một chút, người ta chưa bị làm sao thì mình đã mắc bệnh lại. Ngoài ra, nếu liên tục duy trì lạm phát ổn định ở mức 7 - 8%/năm thì lãi suất cho vay 15%/năm là hoàn toàn ổn định được.

Với tư cách Thống đốc, tôi đảm bảo lãi suất cho vay 15%/năm có thể ổn định ít nhất một năm và hy vọng còn nhiều năm nữa”, ông Bình khẳng định.

Đối với phàn nàn của doanh nghiệp về việc ngân hàng cố áp lãi vay cao, ông Bình cho biết, lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay phải cao. Đơn cử, năm ngoái trần lãi suất huy động là 14%/năm, ngay cả với các ngân hàng thực hiện nghiêm thì lãi suất cho vay ra cũng phải 17 - 18%/năm, ngân hàng mới đủ hòa vốn.

Nhưng ngân hàng không hề hưởng hết phần lãi này mà phải trả cho người dân và chính các doanh nghiệp được hưởng phần lớn lãi, chứ ngân hàng không ăn trên lưng doanh nghiệp.

“Đừng nói ngân hàng móc túi doanh nghiệp, tiền chảy từ túi ông này sang túi ông kia mà thôi”, ông Bình hóm hỉnh.
 
Phá sản doanh nghiệp yếu, kém

Ông Bình cũng thừa nhận, tiếp cận vốn vay đúng là khó, bởi 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm tăng trưởng tín dụng là 33%, nhưng năm ngoái chỉ 14%.

Tín dụng giảm hơn một nửa như vậy đồng nghĩa một nửa doanh nghiệp không tiếp cận được vốn. Nhưng điều này được thực hiện theo đúng chủ trương kiềm chế lạm phát ổn định vĩ mô và cũng để sàng lọc doanh nghiệp.

Đối với nguồn vốn trung dài hạn, ông Bình giải thích, các ngân hàng cũng không muốn từ chối cho các doanh nghiệp vay dài hạn.

Tuy nhiên, bản thân các ngân hàng cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn trung dài hạn. Thời gian qua, gần như 100% vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn, mà NHNN quy định không được dùng quá 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Không có nguồn thì lấy đâu ra để cho vay.

Thống đốc nhấn mạnh, doanh nghiệp nào có tiềm năng, nếu vượt qua thời gian hiện nay và có cơ hội phát triển thời gian tới thì ngân hàng sẽ chia sẻ, nhưng hệ thống ngân hàng không thể bằng mọi giá cứu mọi doanh nghiệp được.

“Với các doanh nghiệp, dù có qua khỏi giai đoạn này nhưng tương lai dự báo rất khó khăn và không có cơ hội phát triển dài hạn thì hệ thống ngân hàng cũng kiên quyết làm sao để có thể loại trừ doanh nghiệp đó.

Tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không phải bằng mọi giá và cứu mọi doanh nghiệp. Tôi xin chia sẻ thẳng thắn và chân thành như vậy”, Thống đốc cho biết.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn