Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nói rằng: “Ngành điện rất muốn minh bạch giá điện, không muốn độc quyền”. Thế nhưng những lý giải của lãnh đạo EVN lại rất mâu thuẫn, khi cho rằng hệ thống điện rất phức tạp, người dân không hiểu được vấn đề.
Ngày 20/7, đúng 3 tuần sau khi tăng giá điện, EVN chính thức lên tiếng bằng việc tổ chức cuộc họp báo công bố một số nội dung kế hoạch sản xuất kinh doanh từ nay đến 2015 vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Cuộc họp báo này chủ yếu xoay quanh câu chuyện tăng giá điện 5% từ 1/7 mà dư luận cho rằng EVN không sòng phẳng trong cách tính giá đầu vào.
Chính phủ đã phải "nhắc khéo" EVN vì không làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận để người dân hiểu khi tăng giá điện (Ảnh minh họa internet)
Dư luận thì cho rằng, cuộc họp báo được tổ chức khi mọi việc đã rồi! Nhất là khi EVN chịu sức ép từ báo giới cũng như từ Chính phủ khi “nhắc khéo” EVN vì không làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận để người dân hiểu. Nếu không có “nhắc nhở” từ Chính phủ, liệu EVN có thật sự muốn công khai, minh bạch hay không?
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính EVN nói: “Mọi người dân và doanh nghiệp đều muốn giá điện minh bạch. Việc minh bạch từng người dân không hiểu được vì điện khi tiêu dùng và sản xuất xảy ra đồng thời. Nhu cầu quá cao, điện quá tải thì người sản xuất và tiêu dùng đều có hại.
Tôi đã giải thích nhiều rồi, EVN không muốn độc quyền, muốn kêu gọi doanh nghiệp khác tham gia nhưng do giá điện chưa kịp cơ chế thị trường nên EVN vẫn phải đảm nhận. Trong trường hợp tăng 5%, EVN cũng phải xin ý kiến, nếu Chính phủ chưa cho tăng thì cũng không tăng được”.
Ông Tri nói tiếp: “Năm 2013 giá điện sẽ tiến tới mức giá thị trường, điều chỉnh minh bạch, người dân có thể kiểm tra, giám sát, tăng giảm đều phải rõ ràng.
Về mặt pháp lý đã ban hành đầy đủ, nhưng các thông tư thì vẫn còn thiếu. Ở đâu người dân cũng đòi minh bạch nhưng từng người dân không hiểu được cụ thể mọi vấn đề vì điện là hệ thống phức tạp, vì sản xuất, tiêu dùng là đồng thời, và nhu cầu người tiêu tác động trực tiếp đến sản xuất.
Việc vận hành an toàn hệ thống điện không chỉ doanh nghiệp làm, mà còn có sự ủng hộ của người dân. Nếu người dùng đúng sẽ không xảy ra sự cố, vì nếu vào giờ cao điểm, ai cũng dùng sẽ bị quá tải. Máy biến áp tự động nhảy và mất điện. Người tiêu dùng phải biết dùng hợp lý để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện”.
Quả thật khi nghe những lời trần tình trên của lãnh đạo EVN, ai cũng muốn chia sẻ những khó nhọc của ngành điện khi “ôm” từ khâu sản xuất, truyền tải, mua, bán điện. Đúng là khó nhọc chỉ có ngành điện mới biết, người dân có bao giờ được biết 1 kwh điện sản xuất, EVN sẽ tính toán ra sao đâu?
Nhìn vào bản giải trình của EVN về các yếu tố đầu vào gồm 4 cái gạch đầu dòng nêu giá đầu vào của than, dầu (DO,FO), khí nhà máy điện Cà Mau và tỉ giá hối đoái nhưng lại không nêu tại thời điểm EVN tăng giá 5%, các yếu tố này tăng bao nhiêu bằng con số cụ thể?
Cần một cơ quan giám sát độc lập
Sự minh bạch về giá điện của EVN đã được các chuyên gia kinh tế phân tích, phản ánh, đề xuất rất nhiều, nhiều cuộc hội thảo cũng đã được tổ chức để đánh giá thực trạng ngành điện. Tất cả những điều này, có lẽ EVN biết nhưng “vô tình hay hữu ý”, EVN lại lờ đi và “ôm” cái độc quyền cho riêng mình.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng cho rằng, chỉ khi nào có sự cạnh tranh thì khi đó mặt bằng giá mới thể hiện tính chất thị trường. Trong khi đó, các ngành điện đang độc quyền và giữ quyền chi phối thị trường, có quyền đưa ra mức giá áp đặt. Ngành điện đề nghị tăng giá nhưng giá thành của ngành điện thì ai kiểm chứng, kiểm toán? Đó mới là điều đáng quan tâm.
Ngành điện hiện nay không chỉ thống lĩnh về sản xuất mà còn cả phân phối. Với lợi thế như vậy, chuyện nâng giá của ngành điện trở thành sự áp đặt - không cho phép người tiêu dùng có sự lựa chọn thị trường.
Những chuyện tương tự dễ khiến xảy ra tình trạng các doanh nghiệp này sử dụng cơ chế thị trường vào mục đích kinh doanh có lợi cho riêng họ.
Có lẽ một thực tế chỉ có ngành điện mới được ưu ái so với các ngành khác. Mỗi lần kêu lỗ, EVN thường đòi tăng giá.
Theo bà Lan, bản thân Chính phủ ít nhiều đã tạo sự dễ dãi cho với những ngành độc quyền bằng các giải pháp nhiều lần bù lỗ, cho tăng giá dẫn đến dần dần không kiểm soát được cơ chế hoạt động kinh doanh, kiểm soát giá thành và lãi lỗ thực của doanh nghiệp.
Đáng ra Chính phủ phải tạo một sức ép mạnh hơn để họ cải thiện hoạt động kinh doanh, thay đổi hệ thống máy móc, cải thiện năng lực điều hành doanh nghiệp thì lại đáp ứng nhu cầu khi họ kêu lỗ!
Bà Lan lấy ví dụ, EVN kêu thiếu vốn đầu tư trong khi chính đơn vị này lại mang tiền đi đầu tư các lĩnh vực khác như khách sạn, viễn thông, nhà hàng, bất động sản, chứng khoán tràn lan, còn nhiệm vụ chính của mình thì không lo nổi. Do đó, bà Lan đề nghị, trong kiểm tra, giám sát các tập đoàn thì đòi hỏi phải minh bạch hóa và phải chỉ rõ trách nhiệm của từng doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ nên thuê các chuyên gia giám sát độc lập để xem cơ cấu giá của các ngành này có chính xác không, hợp lý không. Đó mới là cái gốc của vấn đề.
“Chỉ khi nào Chính phủ kiểm soát được cạnh tranh theo thị trường thì sẽ tạo mặt bằng giá hợp lý”, bà Lan nói.