Thị trường bất động sản trầm lắng, kéo theo đó là hàng loạt ngành sản xuất VLXD bị đình trệ, hàng tồn kho ứ đọng, không có người mua.
Công ty Cổ phần Thạch Bàn, một trong những doanh nghiệp được coi là “làm ăn hiệu quả” cũng đang phải đối mặt với việc cắt giảm dây chuyền sản xuất gạch trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Trọng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thạch Bàn, hiện hàng tồn kho của công ty còn ứ đọng là khoảng 2 tháng sản xuất, lượng tiêu thị gạch cũng chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, có những thời điểm chi phí này tăng 10% trên tổng chi phí sản xuất. Vì vậy, tháng 4/2012 công ty đã buộc phải nâng giá thành tăng thêm 8%.
Tuy nhiên, do thị trường ảm đạm, cùng với đó là sự cạnh tranh lớn của các sản phẩm gạch khác, nên đến tháng 6 vừa qua, công ty Thạch Bàn lại buộc phải hạ 8% giá thành và chấp nhận chi thêm hoa hồng cho các đại lý.
“Năm nay chúng tôi buộc phải chấp nhận lỗ, có những nhà máy dự kiến sẽ lỗ khoảng 10 tỷ đồng, một số nhà máy hòa vốn, nhưng sẽ cố gắng cầm cự sản xuất chờ thị trường đi lên và duy trì mức lương ổn định cho công nhân”, ông Kiên cho biết.
Viglacera Hạ Long cũng đang gặp khó khăn. Nếu như năm 2011, Công ty lãi gần 70 tỷ đồng, thì quý I/2012, Công ty lỗ đến gần 84 tỷ đồng.
Trao đổi ý kiến về những khó khăn hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện sản lượng tiêu thụ VLXD của công ty chỉ đạt bình quân hơn 65% so với năng lực sản xuất.
Hầu hết các ngành sản xuất VLXD như xi măng, thép, gạch,...đều tồn kho lớn
Hiện lượng hàng tồn kho đang ở mức cao. Cụ thể, tính đến quý I/2012, kính xây dựng tồn đọng khoảng 6 tháng sản xuất; gạch ốp lát khoảng 2 tháng sản xuất; sứ vệ sinh khoảng 300.000 sản phẩm, tương ứng 3 tháng sản xuất và gạch ngói đất sét nung là khoảng 2 tháng sản xuất.
Theo số liệu thống kê, tồn kho gạch ốp lát đầu năm 2012 đã tăng lên tới 20% với khoảng trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng trên 3.000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực sản xuất thép, lượng hàng tồn kho cũng khá lớn. Theo khảo sát của Công ty chứng khoán HSC, thời điểm cuối tháng 5, Công ty Thép Pomina (POM) đã tồn kho 40.000 tấn.
Ông Đỗ Duy Thái, đại diện Công ty POM cho biết, nguyên nhân là do sức tiêu thụ thép toàn thị trường giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi suất giảm nhưng chỉ một số doanh nghiệp lớn vay được vốn lãi suất thấp; còn các nhà phân phối thì vẫn chịu lãi suất khá cao.
Lượng tồn kho của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tại thời điểm cuối tháng 5 là 17.500 tấn (bằng sản lượng thép sản xuất trong 10 ngày của Công ty), giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và giảm 49% so với đầu năm.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép, thép tồn kho hiện là 315.000 tấn, dù đã giảm 22% so với cùng kỳ năm trước và giảm 11% so với đầu năm, nhưng lượng tồn kho thép vẫn phải giảm 20% nữa để về mức bình thường là 250.000 tấn.
Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, trong 5 tháng đầu năm 2012, sản xuất chỉ đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2011 (22,2 triệu tấn), tiêu thụ xi măng đạt khoảng 18,495 triệu tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2011 (20,681 triệu tấn), cộng với lượng tồn lũy kế từ năm 2011, lượng clinker, xi măng hiện còn tồn kho khoảng trên 3 triệu tấn (trên 3.000 tỷ đồng).
“Gồng mình” để sống
Lý giải về lượng hàng tồn kho lớn của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm Sứ xây dựng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hiện chỉ bán được khoảng 70-75% sản phẩm làm ra.
"Thị trường địa ốc đóng băng, tín dụng dành cho bất động sản bị siết chặt và lãi vay cao ngất ngưởng, khiến cho nhu cầu xây dựng giảm sút mạnh, từ đó ảnh hưởng rất xấu đến ngành sản xuất gạch ốp lát", ông Huy nói.
Còn theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp đang mất khả năng cân đối tài chính, chứ chưa hẳn là do tồn kho.
Nguồn vốn của đa số dự án sản xuất vật liệu xây dựng là vốn vay, vốn chủ sở hữu quá mỏng, nên mối nguy của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất xi măng là vấn đề chi phí tài chính lớn, trượt giá ngoại tệ, lãi suất…
Để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang phải tự tìm hướng đi mới cho mình. Theo ông Nguyễn Trọng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thạch Bàn, hiện công ty đã phải cắt giảm tối đa mọi chi phí và tăng cường tiếp thị.
Ví dụ như: chất đốt được tiết kiệm bằng cách thay vì chỉ dùng dầu DO, thì trộn thêm dầu thực vật. Giờ làm việc cũng được thay đổi, để tránh sử dụng điện vào giờ cao điểm, chi phí sẽ tăng cao (chi phí điện chiếm khoảng 5,3% chi phí sản xuất).
“Ngoài ra, nếu trước đây, việc tiếp cận khách hàng là công việc của đại lý, thì nay Phó Tổng Giám đốc cũng sẵn sàng đi tiếp cận. Đặc biệt, phải tìm hiểu khó khăn của khách hàng để hỗ trợ, hợp tác”, ông Kiên cho biết.
Còn ông Nguyễn Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hòa Phát thì cho biết, thép Hòa Phát đang hoạt động với 70% công suất để giảm tồn kho và giải pháp này sẽ được duy trì trong 3 - 6 tháng tới.
Theo ông Dương, khả năng từ nay đến cuối năm, giá sẽ đi ngang hoặc nhích lên, nhưng lượng tiêu thụ sẽ không tăng. Vì thế, doanh nghiệp phải giảm sản xuất và giảm nhập khẩu.
Cũng chọn giải pháp duy trì công suất khoảng 70 - 80% để giảm chi phí tài chính, nhưng Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức còn có một cách đi khác là tăng cường thu hồi nợ khách hàng để giảm chi phí vốn.
Ông Lê Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty, cho biết Công ty sẽ yêu cầu khách hàng thanh toán ngay hoặc chỉ cho nợ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, Công ty sẽ phát triển thêm thị trường xuất khẩu để giải quyết hàng tồn kho.