Việc tái cấu trúc sẽ giúp xác định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ của từng doanh nghiệp và với từng bộ phận trong doanh nghiệp, từ đó các mặt hàng kinh doanh sẽ đáp ứng ngày càng sát hơn với nhu cầu của thị trường.
Ông Bùi Ngọc Bảo
Thưa ông, trong khi các Tập đoàn, Tổng công ty đang triển khai xây dựng đề án tái cấu trúc thì Petrolimex được coi như đã hoàn thành đề án và đang bắt đầu thực hiện. Tại sao Petrolimex có thể tiến hành nhanh như vậy?
Với Petrolimex, việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp được xuất phát từ chính nhu cầu nội tại. Liên tục từ năm 2005, đơn vị đã nhiều lần trình cơ quan có thẩm quyền và tiến hành sắp xếp lại cơ cấu tổ chức để bảo đảm hiệu quả hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Qua nhiều giai đoạn phát triển, đến nay Petrolimex đã có một số hoạt động không thuộc lĩnh vực xăng dầu nhưng có liên quan trực tiếp đến xăng dầu. Việc các lĩnh vực đó phát triển, mang tính chất đa ngành, đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc lại để phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp.
Đến năm 2011, tại Quyết định số 828/QĐ-TTG ngày 30/5/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án của Petrolimex và cho phép Petrolimex cổ phần hoá, cấu trúc lại doanh nghiệp để trở thành Tập đoàn đa sở hữu.
Đây là giai đoạn mà Petrolimex phải tiếp tục tái cấu trúc toàn diện hơn nữa, đảm bảo việc gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là yêu cầu mà Hội nghị Trung ương 3 đặt ra.
Theo ông, khó khăn nhất của Tập đoàn trong triển khai tái cơ cấu là gì?
Với cơ cấu vốn hiện nay, Petrolimex không có nợ đọng, vấn đề tài chính của Tập đoàn lành mạnh, những vướng mắc thuộc về cơ chế không nhiều. Theo tôi, khó khăn nhất chính là nằm ở quyết tâm của con người. Bởi lẽ, ngoài vấn đề tài chính, công nghệ, mô hình, việc triển khai tái cấu trúc sẽ động chạm nhiều đến con người, đồng nghĩa với việc một số đối tượng sẽ bị ảnh hưởng về quyền lợi trong một số lĩnh vực nhất định.
Như vậy có thể hiểu, khó khăn chính nằm ở khâu quản trị. Vì vậy, tới đây, trongcông tác quản trị, Tập đoàn phải xây dựng mô hình hoạt động tiên tiến. Đó cũng là yêu cầu tự thân của doanh nghiệp với tư cách một công ty đại chúng. Theo tôi, đây cũng là cái được nhất của việc cơ cấu lại doanh nghiệp.
Cùng với việc mở cửa, hội nhập sâu của đất nước thời gian tới, Tập đoàn sẽ phải hướng tới mô hình gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn để có thể tồn tại, phát triển trong môi trường cạnh tranh hết sức khốc liệt.
Cùng với đó, việc tái cấu trúc sẽ giúp xác định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ của từng doanh nghiệp và với từng bộ phận trong doanh nghiệp, từ đó các mặt hàng kinh doanh sẽ đáp ứng ngày càng sát hơn với nhu cầu của thị trường.
Cuối cùng, việc tái cấu trúc sẽ giúp làm rõ và tách bạch các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp với nhiệm vụ chính trị.
Sau tái cấu trúc, doanh nghiệp sẽ bao gồm các đơn vị nào?
Petrolimex tập trung 5 lĩnh vực, trong đó xăng dầu là trục chính, tiếp đến là vận tải xăng dầu, Hoá dầu, gas, Xây lắp chuyên ngành, đây là những ngành nghề liên quan đến nhau và hỗ trợ cho nhau.
Trên cơ sở cấu trúc lại các công ty cùng nhóm ngành nghề, tới đây Petrolimex sẽ có 6 Tổng công ty gồm: Tổng công ty Hoá dầu Petrolimex, Tổng công ty Gas Petro, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex, Tổng công ty Vận tải thuỷ Petrolimex, Tổng công ty Xây lắp, Tổng công ty Dịch vụ xăng dầu Petrolimex.