Nếu cuối năm giá thép không nhích được lên thì doanh nghiệp chỉ có "chết", ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam than thở.
Trao đổi với báo chí sáng 11/7, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, do khó khăn, năm nay ngành thép chỉ dám đặt mục tiêu tăng trưởng 3-4% nhưng quá nửa năm, không những sản xuất không tăng trưởng mà còn liên tục giảm. Quý I, sản xuất thép giảm tới 16,62% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán ra quý I cũng giảm 9,99%. Tính chung hết 6 tháng đầu năm nay, sản xuất thép đã giảm 10% và tiêu thụ thép giảm 8%.
Hiệp hội Thép đã kiến nghị, Chính phủ cần xem xét cho giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%
Lý giải về tốc độ giảm trên, ông Nghị chia sẻ, vì tồn kho lớn nên hầu hết, các DN thép đều chủ động giảm sản lượng sản lượng sản xuất.
Dù vậy, tính tới 30/6, tồn kho thép là 350.000 tấn trong khi bình thường cũng cần có một lượng tồn kho nhất định thường khoảng 250.000 tấn.
Các doanh nghiệp thép nhỏ, thương hiệu kém đa phần đang phải chịu lỗ lớn. Mặc dù có những yếu tố tăng cao như giá dầu, giá điện... song, các DN không thể tăng giá được vì sợ mất thị phần. Nhiều doanh nghiệp chịu lỗ, buộc giữ giá, "đi đêm" chiết khấu thương mại cao hơn để bán được hàng.
Theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp rất ít có tác dụng với các doanh nghiệp thép. Vì để khắc phục tình trạng trì trệ hiện nay, ngành thép cần nhất là tháo gỡ đầu ra, khơi thông thị trường tiêu thụ.
Hiệp hội Thép đã kiến nghị, Chính phủ cần xem xét cho giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%, như vậy sẽ khuyến khích được người tiêu dùng, mở cửa cho thị trường.
Đồng thời, Hiệp hội này cũng đề xuất Chính phủ cần tạo điều kiện cho ngành thép xuất khẩu để tránh áp lực hàng tồn kho hiện nay. Trước đây, vì mang tiếng là "ăn điện" giá rẻ nên ngành này suýt soát bị nâng thuế xuất khẩu lên cao.
Dự báo tháng 7 và 8, thị trường thép sẽ vẫn tiếp tục đình trệ. Mức tiêu thụ sẽ thấp hơn mức trung bình (420.000-430.000 tấn) vì đây là thời điểm mưa bão nhiều, không thuận lợi cho xây dựng.
Kỳ vọng của hiệp hội này là từ tháng 9, sản xuất thép có thể khởi sắc, nếu bán được nhiều hơn thì giá có thể nhích lên một chút. Tuy vậy, cuối năm sẽ có thêm tới 4 công ty sản xuất thép xây dựng đi vào sản xuất nên sức ép cung vượt cầu của ngành này vẫn gia tăng.
Cũng liên quan đến gói hỗ trợ doanh nghiệp, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng đưa ra kiến nghị cần giảm sắc thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay từ 25% xuống khoảng 15-18% trong vòng 3-5 năm. Ở lĩnh vực bán lẻ, Chính phủ có thể cần miễn thuế VAT 5% và 10% cho người tiêu dùng trên các siêu thị toàn quốc.