Có những cái kết đã được hiện thực hóa ngay từ khi chủ thể của nó chưa thành hình thành khối. “Công ty mua bán nợ quốc gia” là một minh họa cho logic phản chiều này. Không phải tất cả, nhưng những gì xa rời với quyền lợi nhân dân đều có thể nhận một kết thúc tương tự.
Vào ngày 4/7/2012, trong một hội nghị toàn ngành với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu ngành ngân hàng làm rõ thực chất nợ xấu và xem xét xử lý ngay nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro, mà không chờ thành lập công ty mua bán nợ.
Một ngày trước đó, trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, vấn đề công ty mua bán nợ quốc gia đã lần đầu tiên được một quan chức có trách nhiệm - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam - xác nhận thế chân đứng thiếu cơ sở của nó. Ông Đam tỏ ra hoài nghi về gốc gác của con số 100.000 tỷ đồng, và cho rằng có thể đã có “một sự nhầm lẫn nào đó”.
“Sự nhầm lẫn” trên lại khởi phát từ ý tưởng gây tranh cãi diện rộng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ý tưởng thành lập một công ty mua bán nợ có tầm vóc quốc gia với số vốn điều lệ lên đến 100.000 tỷ đồng đã được ông Bình nêu ra trước kỳ họp Quốc hội vào trung tuần tháng 6/2012.
Ý tưởng này cũng có thể được Ngân hàng Nhà nước xúc tiến hiện thực hóa bằng một đề án trình Chính phủ nhằm giải quyết tỷ lệ nợ xấu lên đến 10% trong khối ngân hàng - một số liệu hoàn toàn bất ngờ mà lần đầu tiên, tính từ phiên họp Quốc hội vào tháng 11/2011, người chịu trách nhiệm điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mới thừa nhận.
Cũng cần lược lại phản ứng của dư luận.
Ngay sau khi xuất hiện dề xuất về công ty mua bán nợ quốc gia của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia, người dân, báo chí và cả quan chức đã phản bác khá gay gắt.
“Cứu ai và cứu để làm gì?” là chủ đề chính trong nhiều phản bác như thế. Nếu trong lĩnh vực bất động sản, vào tháng 4/2012, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nói thẳng việc Nhà nước có chủ trương mua lại nhà chung cư là nhằm cứu giới chủ ngân hàng đang bị tồn kho quá nhiều căn hộ cao cấp, thì nhiều vấn đề riêng tư của khối ngân hàng cũng từ đó mà lộ ra.
Cũng bởi, nếu doanh nghiệp bất động sản là một nạn nhân của ngân hàng thì nền kinh tế và doanh nghiệp các ngành nghề khác còn bị xem là “con tin” của những người nắm giữ yết hầu tín dụng quốc gia.
Từ tháng 8/2011 khi Chính phủ mới được thành lập, một điều hết sức đáng lo ngại là phần lớn động thái của Ngân hàng Nhà nước đã chỉ phục vụ cho lợi ích của nhóm các ngân hàng thương mại. Người ta có thể nhận ra logic thuần thục này qua nhiều dẫn chứng từ nạn đầu cơ vàng, hoạt động thâu tóm ngân hàng - bằng hai công cụ lãi suất cho vay và thanh khoản.
Thực trạng giá vàng trong nước luôn chênh cao từ 2-3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, hay những cái tên như Phương Nam, Sài Gòn Thương Tín đã trở thành những minh họa tiêu biểu nhất, mang tính quyết định cho dư luận từ trạng thái hoài nghi lợi ích nhóm vào năm ngoái sang một kết luận cụ thể về nhóm lợi ích vào năm nay.
Cũng đã hiện diện quá nhiều phản ứng và phản bác của dư luận về hành vi không chỉ là hiện tượng như trên. Song như thường lệ, mọi việc vẫn không dẫn đến một kết thúc có hậu nào.
Trong khi đó, nhóm lợi ích ngân hàng vẫn ung dung với kế hoạch và tiến trình thâu tóm, thao túng tín dụng và đẩy nền kinh tế vào thế bế tắc, doanh nghiệp phá sản và người lao động phải ra đường.
Tại sao ngân hàng lại “thích” bán nợ xấu?
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ mới gần đây, một báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã “tiết lộ” con số dư nợ cho vay bất động sản thực chất lên đến 348.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với con số báo cáo của các ngân hàng thương mại là gần 200.000 tỷ đồng vào cuối năm 2011. Số nợ xấu bất động sản cũng theo đó mà tăng gấp 8 lần so với số công bố của khối ngân hàng.
Cũng cần nói thêm, trong một báo cáo trước kỳ họp Quốc hội vào tháng 11/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NguyễnVăn Bình đã chỉ thừa nhận tỷ lệ nợ xấu của trong hệ thống ngân hàng là 3,6%. Tuy nhiên vào kỳ họp Quốc hội giữa năm nay, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đã “bất ngờ” được vị quan chức này thông báo đến 10%, tạo nên một chuyển biến hoàn toàn phi logic nếu so sánh với “lộ trình” tăng nợ xấu trước đó.
Gót chân Asin bắt đầu lộ ra, ở chính nơi mà người ta tưởng như tồn tại một cách bền vững nhất.
Bắt đầu từ thời điểm sau quý 1/2012, hàng loạt ngân hàng đã buộc lòng phải tiết lộ thân phận nợ xấu của mình. Cũng theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, 10 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản và xây dựng lớn nhất đã mang trên mình số dư nợ cho vay 147.000 tỷ đồng.
Nhưng có lẽ đó chưa phải là con số cuối cùng, bởi nếu căn cứ vào số dư nợ cho vay 348.000 tỷ đồng của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, và khả năng “biến mất” đến 50% như giới phân tích và bản thân một số ngân hàng thừa nhận về tình trạng nợ khó đòi, thì số nợ xấu bất động sản thực tế có thể lên đến 170.000 tỷ đồng!
“Tiền thuế của dân không thể dùng để mua nợ xấu ngân hàng” - Viện sĩ Trương Công Phú, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ trên VnEconomy - “Nhân dân đóng thuế không phải để đi mua nợ, tại sao lại bắt nhân dân phải nai lưng ra gánh chịu những món nợ xuất phát từ những sai lầm của một nhóm người?”.
Bài học còn nóng hổi từ câu chuyện chuyển lỗ và đổ lỗ từ hoạt động kinh doanh thất bát và sai lầm của mình lên đầu người dân vẫn còn nguyên đó - ứng với những minh họa khó tưởng tượng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay Tổng công ty Kinh doanh xăng dầu Việt Nam.
Vậy tại sao ngân hàng lại “thích” bán nợ xấu? Cũng theo ông Trương Công Phú, nguy hiểm nhất của nợ xấu là bóng dáng của trục lợi, tham nhũng lấp ló đằng sau đó. Nếu bán được những món nợ ấy thì mọi tội lỗi của các nhóm lợi ích và tham nhũng sẽ được xóa hết, thậm chí còn hợp pháp hóa được những món nợ ấy. Sâu xa của vấn đề bán nợ là do các ngân hàng thương mại sợ khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý sẽ phát hiện ra những khuất tất và sẽ lòi ra nhiều chuyện khác.
Chỉ cần sự giải thích ngắn gọn như trên của ông Trương Công Phú đã là đủ cho người dân nhìn ra chân tướng của hoạt động mua bán nợ và một công ty nhằm phục vụ cho ý đồ đó, nếu trong tương lai công ty này được triển khai đúng với kế hoạch của nhóm lợi ích ngân hàng.
Khi đó, không chỉ hàng trăm ngàn tỷ đồng sẽ được cường điệu trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế rơi vào suy thoái cùng những dấu hiệu thiểu phát đầu tiên, mà cuộc tranh luận “Tiền ở đâu ra?” rất có thể sẽ dẫn đến thất bại cho phe phản biện, trong khi phần thắng lại thuộc về ngân hàng - nơi có toàn quyền sử dụng tiền gửi tiết kiệm của người dân để phục vụ cho những mục đích thâm sâu hơn.
Sự vắng mặt “bất thường”
Một cách xâu chuỗi, logic từ đề án huy động vàng đến công ty mua bán nợ quốc gia đã biến đường thẳng thành một thứ đường cong mà người dân đứng ở đầu này sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy được đầu kia của con đường.
Nói cách khác, nếu đề án huy động vàng được chuẩn y và đưa vào triển khai, sẽ không có gì bảo đảm là vàng của dân được ngân hàng bảo đảm bằng những giá trị thuộc về ngân hàng nhưng lại gây quá nhiều nghi vấn.
Xin trở lại với hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và số phận của công ty mua bán nợ quốc gia. Một chi tiết rất đáng chú ý là lần đầu tiên kể từ thời điểm tháng 8/2011, những vấn đề có tính quyết sách về hệ thống ngân hàng lại không phải do chính lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông báo. Quyết sách đó còn liên quan đến cả chủ đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà trước đây Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn thường chủ trì thông tin cho các ngân hàng và báo giới.
Phải chăng số phận của mô hình công ty mua bán nợ quốc gia đã chính thức được kết thúc từ khi nó còn chưa ra đời?
Nếu quả như vậy, xã hội và người dân không chừng lại có cơ may đỡ đi một mối lo lớn cùng những hậu quả không hề nhỏ.