Hàng loạt doanh nghiệp Sông Đà "khất nợ"

Thứ tư, 11/07/2012, 14:11
Đã giữa tháng 7/2012 song hàng loạt doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Sông Đà vẫn chưa chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2010 và cả năm 2012 mặc dù Đại hội cổ đông của các doanh nghiệp này đã thông qua nghị quyết.
Với lý do "chưa thu xếp được nguồn tiền, bị các chủ đầu tư nợ”, các doanh nghiệp này liên tục xin lùi ngày chi trả cổ tức năm 2010, có công ty lần lữa xin khất nợ tới 3, 4 lần...

Trong số này phải kể đến Công ty CP Sông Đà 7 (SD7) chốt danh sách cổ đông từ tháng 2/2012, trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 16%, thời gian thanh toán lần đầu dự kiến ngày 26/3/2012, sau đó dời sang 29/6. Tuy nhiên mới đây SD7 lại lùi thời hạn trả cổ tức đến nửa năm, dự kiến ngày 28/12/2012 mới trả do việc thu hồi tiền bán hàng, thu hồi công nợ tại các công trình Công ty thi công không thực hiện được.

Tại thời điểm 31/3/2012, nợ ngắn hạn của SD7 vượt tài sản ngắn hạn 154 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương đạt 25,4 tỷ đồng, trong đó nếu phải trả cổ tức (đúng hạn) thì khoản tiền chi ra là 14,4 tỷ. Có lẽ do thiếu hụt vốn lưu động nên thời điểm này nên SD7 bắt buộc phải lùi thời hạn thanh toán cổ tức.


Nhiều nhà đầu tư ngao ngán vì không đòi được cổ tức..

Nếu như SD7 chỉ nợ tiền cổ tức năm 2011 thì Công ty CP Someco Sông Đà (MEC) còn nợ tiền cổ tức của năm 2010. Công ty liên tục điều chỉnh thời gian trả cổ tức năm 2010 bằng tiền tỷ lệ 15% từ 20/6/2012 xuống 2/10/2012 và còn lùi nữa. Theo giải thích của ông Nguyễn Anh, Chủ tịch HĐQT Someco thì nguyên nhân MEC lùi thời gian trả cổ tức là do Công ty không đòi được tiền của các chủ đầu tư tại công trình thủy điện Xekaman 3, Nậm Chiến và một số công trình khác.

Một doanh nghiệp khác thuộc ‘họ sông Đà’ cũng khất trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2010 lần thứ 4 là Công ty cổ phần Sông Đà 3 (SD3). Vẫn với lý do EVN chậm giải ngân thanh toán nên SD3 không cân đối được nguồn tiền, công ty một lần nữa xin "nợ" trả cổ tức.

Giữ kỷ lục không kém về số lần khất trả cổ tức 2010 là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sông Đà (SIC). Công ty này đã hoãn tới 4 lần và lý do vẫn là chưa thu xếp đủ nguồn tiền. Trước đó, dự kiến công ty thanh toán cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% trên vốn điều lệ. Với vốn điều lệ hiện nay là 80 tỷ đồng, SIC phải dành ra khoảng 8 tỷ đồng cho việc thanh toán cổ tức. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính đến hết 31/12/2011, các khoản tiền và tương đương tiền của SIC chỉ còn 9,8 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của SIC chỉ còn gần 7,6 tỷ đồng. 

Công ty CP Sông Đà 4 (SD4), Công ty CP Sông Đà 9.06 (S96) cũng lùi thời hạn thanh toán cổ tức năm 2010 đến 3 lần. Vẫn với lý do EVN chậm giải ngân thanh toán nên Công ty CP Sông Đà 3 (SD3) không cân đối được nguồn tiền, công ty một lần nữa xin "nợ" trả cổ tức.

Không thi công các dự án thủy điện, Công ty CP Sông Đà Nha Trang đang gặp khó khăn bởi các dự án bất động sản. Công ty này đã thông báo trả cổ tức năm 2010 cho cổ đông, song mới trả cho một số người rồi đột ngột dừng lại bởi... hết tiền.

Trong tình hình tài chính, chứng khoán ảm đạm như hiện nay thì cổ tức lại là nguồn động viên rất lớn đối với cổ đông. Việc cân nhắc trả cổ tức tỷ lệ bao nhiêu, bằng cổ phiếu hay bằng tiền luôn là vấn đề đau đầu của doanhnghiệp. Nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông sẽ không chấp nhận bởi hiện tại giá cổ phiếu xuống thấp, việc pha loãng cổ phiếu không hấp dẫn nhà đầu tư. Nếu trả cổ tức bằng tiền cao, doanh nghiệp sẽ thiếu hụt vốn lưu động, trong khi vẫn phải đang đi vay lãi suất ngân hàng 16-18% /năm.

Tại Đại hội cổ đông của các doanh nghiệp trên, nhiều cổ đông đã kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn Sông Đà cần đưa việc trả cổ tức của các doanh nghiệp vào tiêu chuẩn đánh giá doanh nghiệp và bình xét các tiêu chuẩn thi đua hàng năm. Không thể có doanh nghiệp nợ cổ tức hai, ba năm lại được xét tặng huân, huy chương hoặc Anh hùng Lao động. 

Hiện luật chưa có quy định về thời gian hoãn trả cổ tức nên nhiều công ty đã lạm dụng việc “khất nợ”. Dù với lý do nào thì việc thất hứa trả cổ tức cũng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín doanh nghiệp. Điều này lý giải vì sao cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp này có giá trị và thanh khoản thấp.


Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn