Không khí kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay về dưới 15% tại nhiều ngân hàng (NH) trong tuần trước đã có thể khiến cho giới quan sát ngạc nhiên. Không chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành một văn bản pháp quy nào, hàng loạt NH lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB đã chủ động thực hiện chủ trương được hội nghị ngành NH sáu tháng đầu năm 2012 đưa ra ngày 7-7.
Không những thế, một số NH vừa và nhỏ như SHB, OceanBank, Liên Việt cũng tiếp bước trong xu thế chung hạ lãi suất.
Các ngân hàng đang trong cuộc đua giảm lãi suất.
Đã đến giới hạn nguy hiểm
Một chi tiết đáng chú ý là trùng với thời điểm của bầu không khí trên, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN lại chủ động họp báo công bố về tình hình nợ xấu của các NH. Lần này, tỉ lệ nợ xấu có một diện mạo mới: 8,6%.
Con số này khác hẳn với tỉ lệ 3,6% mà Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra trước Quốc hội vào tháng 11-2011, cao hơn hẳn mức báo cáo chung của các NH là khoảng 4%-5% vào quý I-2012 nhưng lại thấp hơn so với tỉ lệ mới nhất cũng do Thống đốc công bố trước Quốc hội vào tháng 6-2012 là chẵn 10%.
Có vẻ như tình thế dầu sôi lửa bỏng đang áp sát khối NH thương mại. Tuy vậy, khác nhiều với thời điểm cuối năm 2011, lần này không chỉ NH nhỏ mà cả NH lớn cũng kêu về hiện trạng khó cho vay vốn.
Bởi vậy, không quá khó hiểu khi thay vì chuyển tiền cho doanh nghiệp (DN), nhiều NH đã chọn phương cách “thoát vốn” bằng kênh cho khách hàng cá nhân vay mua nhà. Những mức lãi suất cho vay ưu đãi không ngờ bắt đầu được tung ra.
Ban đầu là Vietcombank với lãi suất 11%. Sau đó Eximbank đã phá vỡ tiền lệ của mọi tiền lệ với mặt bằng 7% cho mọi khách hàng cá nhân và DN, do đó đã giải phóng được số vốn kỷ lục lên đến 2.700 tỉ đồng cũng trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Thực tế đã có nhiều xác nhận rằng một phần lớn trong số nợ xấu của ngành NH được kết cấu bởi nợ xấu của bất động sản. Trong cuộc họp báo của Thanh tra NHNN cách đây vài ngày, tỉ lệ nợ xấu bất động sản được công bố là khoảng 10%. Tuy nhiên, theo dư luận và một số chuyên gia, con số thực có thể cao hơn nhiều.
Nhiều ngân hàng “thoát vốn” bằng cách cho vay cá nhân mua nhà với lãi suất ưu đãi.
Mặt khác, trong thời gian gần đây lại xuất hiện một con số lạ nhưng xuất xứ không hề lạ của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Theo ủy ban này, số dư nợ cho vay bất động sản trên toàn quốc tính đến thời điểm cuối năm 2011 không phải xấp xỉ 200.000 tỉ đồng như báo cáo của các NH thương mại, mà lên tới 348.000 tỉ đồng.
Đồng thời, ước tính của giới phân tích cho biết có đến 50% số dư nợ cho vay đó đang có nhiều tiềm năng trở thành nợ khó đòi. Thanh tra NHNN thừa nhận tỉ lệ nợ khó đòi này lên đến 40%.
Cứu người cũng là cứu mình
Nước đã đến chân và làm cho các NH trở nên “hào phóng”. Cũng bởi thế, đợt giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ cũ về dưới 15% lại mang màu sắc của chiến dịch hạ trần lãi suất huy động vào đầu tháng 6-2012.
Khi đó, cũng là Vietcombank đi đầu và kéo theo hàng loạt NH lớn nhỏ khác. Ngoại lệ gần như duy nhất thuộc về Western Bank với mức trần huy động đạt 14% cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Tuy vậy, chỉ ba ngày sau đó, chính NH này dường như đã tự nhận ra “sự lẻ loi” của mình và do đó phải kéo lãi suất huy động xuống 12,5%. Gần đây nhất, mức lãi suất huy động còn thấp hơn: 12%.
Nợ xấu trong ngành và nợ xấu bất động sản nói riêng đang đe dọa quyền lợi thiết thân của các NH. Trong bối cảnh nền kinh tế chưa có lối thoát khả dĩ nào và chỉ còn trông đợi vào nguồn vốn tín dụng, không còn cách nào khác, NH phải cứu DN. Và nói theo nhiều lãnh đạo NH, cứu người cũng là cứu mình.
Đó cũng là lý do vì sao ngày càng nhiều NH trở nên linh hoạt trong việc bơm tín dụng. Từ một yêu cầu của NHNN, chẳng mấy chốc chủ trương cắt giảm lãi suất cho vay cho các khoản nợ cũ đã được các NH thương mại hưởng ứng khá nhiệt tình, dồn dập cho dù có con số ước tính vì động thái cắt giảm mà lợi nhuận của NH sẽ hụt đến 16.500 tỉ đồng.
Nhưng nếu NH không làm như thế thì còn có lối thoát nào khác? Dĩ nhiên là không, trong tình trạng vốn tín dụng đã trở nên chồng chất tại rất nhiều NH, đặc biệt là NH trong nhóm G14 (14 thành viên lớn nhất trong hệ thống NH).
Hiển nhiên, sau ngày 15-7-2012, một cơ chế bơm tín dụng mới sẽ được mở ra với van xả thông thoáng hơn nhiều so với quá khứ. Cơ chế này thậm chí vẫn có thể “tự vận hành” cho dù không có bất kỳ văn bản mang tính chỉ đạo hay pháp quy nào của NHNN.
Tuy thế, khối DN lại mang một tâm tư khác. Bởi một số NH thương mại lại vẫn đang chờ một công văn hướng dẫn chi tiết về việc này từ phía NHNN thì mới chịu thực giảm lãi suất cho DN. Trong khi đó, đến hết ngày 14-7 thì vẫn chưa thấy NHNN công khai văn bản hướng dẫn nào!