Mỏ quặng lậu “đội lốt” dự án trồng rừng

Thứ hai, 16/07/2012, 08:17
Với chiêu bài san gạt núi để trồng cây giống, một mỏ quặng sắt lậu lớn nhất tỉnh Bắc Kạn hình thành. Hàng nghìn, chục nghìn tấn quặng từ đó được bốc đi trước sự “tê liệt” của chính quyền địa phương.
Mỏ quặng lậu lớn nhất Bắc Kạn
 
Từ thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn, chúng tôi ngược theo con đường liên tỉnh 254 theo hướng đi Định Hóa - Thái Nguyên, đi khoảng 10km thì đến đèo Kéo Lếch (theo tiếng Tày có nghĩa là đèo, dốc sắt). Quặng sắt ở đây nhiều đến nỗi lộ lên cả mặt đất.
 
Công trường khai thác quặng lậu đã bị đình chỉ hoạt động.

Từ đỉnh đèo có một con đường đất rộng 6m, dài chừng 500m chạy lên núi, dẫn vào khu mỏ quặng. Trước mắt chúng tôi là một khu vực rộng hàng nghìn mét vuông được san phẳng; ở giữa là những núi quặng cao 5 - 6m được chia theo khu vực.
 
Một khu là quặng vụn có hàm lượng cao; một khu là quặng dạng cục, có những khối quặng đặc to bằng chiếc xe tải cỡ nhỏ, nặng hàng tấn; một khu là quặng bị lẫn với đất.
 
Đi sâu vào phía trong là khu vực vừa khai thác. Một vách núi bị phạt xuống cao đến 30-40m, còn lằn sâu vết gầu của máy xúc. Phía dưới là những hố sâu hoắm, rộng khoảng chục mét. Những dấu tích này cho thấy đã có một quá trình khai thác quy mô với nhiều máy móc cỡ lớn...
 
Dù không còn máy móc hoạt động, nhưng nhìn những lán trại rộng hàng trăm mét, kiên cố còn lại cho thấy sự tồn tại của một đội quân khai thác rất đông đúc. Con đường được rải đá để xe trọng tải hạng nặng đi vào chở quặng bị hằn xuống thành rãnh sâu, đá rải đường nát vụn, cho thấy không biết bao nhiêu quặng từ đây đã bị tuồn đi.
 
Nhìn mỏ quặng, anh Q - người dẫn đường, am hiểu về khai khoáng ở Bắc Kạn chỉ biết lè lưỡi, lắc đầu: “Tôi chưa từng thấy một mỏ quặng nào không phép có quy mô lớn như vậy”.
 
Cả hệ thống chính quyền tê liệt?
 
Theo tài liệu chúng tôi có được, chủ khu mỏ này là ông Nguyễn Tiến Oanh, một đại gia ở Chợ Đồn. Để tiến hành khai thác, ngày 1.1.2011, ông Oanh lập ra một bản hợp đồng thuê đất với chủ đất là ông Nông Văn Sính ở thôn Nà Lếch, xã LươngBằng, huyện Chợ Đồn.
 
Diện tích thuê là 72.575m2 với mục đích là san gạt quả núi này để lấy mặt bằng trồng cây giống, phục vụ cho dự án trồng rừng trên địa bàn huyện Chợ Đồn. Việc cho thuê đất và san gạt này được ông Ma Đình Oanh - Chủ tịch UBND xã Lương Bằng xác nhận.
 
Tuy nhiên, cũng từ đó, cả hệ thống chính quyền ở xã Lương Bằng không hề tiến hành giám sát, kiểm tra. Như đã nói, khu vực mỏ quặng lậu này nằm chỉ cách trục đường liên tỉnh vài trăm mét. Đây cũng là khu vực giáp ranh với nhiều xã, nhiều người giám sát tại sao lại không phát hiện khối lượng máy xúc, xe tải hạng nặng đào bới, chuyên chở rầm rộ ngày đêm?
 
Ông Nguyễn Tiến Oanh - người đứng tên của mỏ khai thác quặng lậu cũng chính là người đại diện cho Công ty Đức Mạnh trong vụ việc kho quặng chưa rõ nguồn gốc của doanh nghiệp này bị đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện hôm 12.7 (NTNN đã đưa tin). 

Ông Oanh là em ruột ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc doanh nghiệp Đức Mạnh. Ở Bắc Kạn, Đức Mạnh là một trong những doanh nghiệp nổi đình nổi đám trong kinh doanh gỗ và xăng dầu.

Theo thông tin cho biết, vừa qua Kiểm toán Nhà nước quyết định vào kiểm toán Công ty Đức Mạnh nhưng doanh nghiệp không tuân thủ mà không bị xử lý gì.
Ông Hoàng Văn Mão - Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, mỏ quặng đã bị phát hiện và đình chỉ từ đầu tháng 7 này.
 
Ông Mão không quanh co: “Chúng tôi có hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn với bao nhiêu cấp chính quyền và đoàn thể đang hưởng lương, hưởng phụ cấp và có lực lượng công an từ huyện, đến xã mà tại sao không thấy ai báo cáo sự việc này?”.
 
Tuy nhiên, đây có lẽ không chỉ là chuyện riêng của huyện Chợ Đồn. Muốn đưa quặng ra khỏi địa phận huyện Chợ Đồn xuôi về Thái Nguyên, xe chở quặng phải qua địa bàn nhiều xã, qua một chốt kiểm tra khoáng sản liên ngành của tỉnh Bắc Kạn hoạt động 24/24 giờ.
 
Phải chăng, thứ quặng sắt nặng trình trịch đã có cánh nên qua mặt được cơ quan chức năng?

 


Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn