Nếu bán tháo tiếp tục, Ủy ban Chứng khoán sẽ xử lý ra sao?
Thứ hai, 27/08/2012, 13:30
Chứng khoán đã có phiên tăng điểm trở lại sau 3 phiên rơi tự do. Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nói gì về động thái này của thị trường chứng khoán? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thị trường chứng khoán đã có phiên tăng điểm vào ngày 24/8 sau 3 phiên giảm mạnh. Giá cổ phiếu ACB và những cổ phiếu ngân hàng khác cũng đã tăng trở lại. Ông có cho rằng, cú sốc tâm lý của nhà đầu tư đã qua?
Sau những công bố thông tin kịp thời từ phía Ngân hàng ACB, những khuyến cáo tăng cường giám sát từ Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán, các sở giao dịch chứng khoán, tôi nghĩ rằng tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại và tình trạng bán tháo cũng tạm ngừng.
Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để có những biện pháp xử lý thích hợp.
Ông có nghĩ là phản ứng của cơ quan quản lý có bị muộn không, khi mà sau 2 ngày Ủy ban Chứng khoán mới chính thức đưa ra những khuyến cáo nhà đầu tư và yêu cầu tăng cường giám sát tại công ty chứng khoán?
Ông Nguyễn Sơn: "Ở góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để có những biện pháp xử lý thích hợp".
Trong khoảng 3 phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán giảm điểm khá sâu, chủ yếu là do yếu tố tác động về tâm lý khi ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB và sau đó là ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB, bị cơ quan công an khởi tố về hành vi cố ý làm trái pháp luật liên quan đến kinh tế.
Việc đầu tiên mà chúng tôi đã làm là cùng với các sở giao dịch chứng khoán, các công ty chứng khoán có những phân tích, đánh giá và khuyến cáo nhà đầu tư phải cẩn trọng, tránh bị lợi dụng của đầu cơ.
Về mặt nguyên lý, cổ phiếu tốt không có lý do gì mà lại bị bán tháo như thế được, nhất là khi mà vấn đề của nó lại xuất phát từ nội tại một vài cá nhân ở một vài nhóm doanh nghiệp. Tất nhiên thông tin xấu có thể tạo cú sốc về tâm lý, nhưng nếu có trấn an, giải thích, cái đảm bảo từ phía các cơ quan chức năng thì nó sẽ có cái ổn định hơn đối với thị trường.
Ông đánh giá thế nào về phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài trong những ngày qua?
Theo thống kê theo dõi của chúng tôi, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong những ngày qua không có dấu hiệu rút vốn. Số liệu thống kê từ hai sở giao dịch chứng khoán cho thấy họ đã mua ròng khoảng 163 tỷ đồng của 2,5 phiên.
Đặc biệt, khi theo dõi giám sát thì ở một số mã cổ phiếu như: VNM, STB... có dấu hiệu mua lớn của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trong nước. Nhiều nhà đầu tư trong nước bán đi còn nhà đầu tư nước ngoài thì họ rất bình tĩnh, mua vào.
Một trong số những giải pháp được nhiều người nhắc đến là tạm ngừng giao dịch. Vì sao, Ủy ban Chứng khoán lại chưa dùng tới giải pháp này cho những ngày qua để ngăn tình trạng bán tháo?
Áp dụng giải pháp ngừng giao dịch thị trường trong những phiên giảm mạnh như vừa qua, theo tôi, là vấn đề cần được xem xét hết sức thận trọng vì đây là giải pháp phá vỡ các yếu tố thuộc về nguyên lý hoạt động tự nhiên của thị trường. Tất nhiên, để ổn định thị trường thì cũng không loại trừ giải pháp này, nhưng vận dụng phải hết sức thận trọng, chỉ trong một vài tình huống cực kỳ khẩn cấp như: khi thị trường bán tháo, giá cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt,...
Đây là vụ việc khá phức tạp nên diễn biến thị trường chứng khoán cũng sẽ phức tạp theo. Vậy trong những phiên giao dịch tới, nếu tình trạng bán tháo lại tiếp tục diễn ra, Ủy ban Chứng khoán và các sở sẽ xử lý ra sao?
Ở góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường và các thông tin có liên quan để kịp thời công bố thông tin theo quy định của pháp luật. Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán vẫn đang yêu cầu hai sở giao dịch chứng khoán phải rà soát lại những mã chứng khoán, những tài khoản chứng khoán có những giao dịch bất thường.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán kết hợp với Ngân hàng Nhà nước để nếu cần thiết xem xét các dấu hiệu các dòng tiền để xử lý các giao dịch bất hợp pháp, đầu cơ, thao túng hoặc là lợi dụng thị trường để lũng đoạn.
Thứ hai là dựa trên diễn biến thực tế của thị trường trong một vài phiên tới để có động thái xử lý. Tất nhiên là cũng không loại trừ các biện pháp như thu hẹp biên độ hoặc trường hợp một số mã cổ phiếu của ngân hàng mà yếu tố nội tại và chỉ số của nó giảm mạnh quá thì sẽ đưa vào diện kiểm soát, hạn chế cả về biên độ và thời gian giao dịch.
Tất cả những giải pháp này cũng giống như trước đây chúng tôi đã xử lý để hỗ trợ thị trường trong năm 2008 khi mà xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ngoài việc trấn an nhà đầu tư và tăng cường kiểm soát giao dịch thì từ nay đến cuối năm và những năm tới, Ủy ban Chứng khoán sẽ đưa các sản phẩm, giải pháp để hỗ trợ thị trường như: tập trung triển khai hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp lý Chính phủ mới ban hành (Nghị định 58/CP); đẩy mạnh triển khai việc tái cấu trúc hoạt động các công ty chứng khoán, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về thuế cho thị trường chứng khoán theo hướng hỗ trợ, ưu đãi và đặc biệt là các sản phẩm mới trên thị trường.
Mặt khác, Ủy ban Chứng khoán cũng xem xét để triển khai một số các giải pháp kỹ thuật, trước mắt ngày 4/9/2012 sẽ đưa vào áp dụng việc rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán, qua đó cho phép nhà đầu tư có thể bán chứng khoán sớm hơn 1 ngày so với trước đây, xem xét khi thị trường thuận lợi có thể điều chỉnh biên độ giao dịch trên các Sở giao dịch chứng khoán để hỗ trợ thanh khoản của thị trường.