Một lít xăng “cõng” gần 7.000 đồng thuế

Thứ tư, 29/08/2012, 07:17
Người tiêu dùng đang phải gánh gần 1.800 đồng/lít xăng thuế tiêu thụ đặc biệt, loại thuế đánh trên mặt hàng xa xỉ, không được khuyến khích dùng

>> Giá xăng tăng tiếp 650 đồng/lít từ 18h00 chiều nay
>> Điêu đứng vì xăng tăng giá
>> Nhiều cây xăng biểu hiện 'găm hàng' chờ tăng giá
>> Chuyện cuối tuần: Xăng tăng giá, phúc lợi thành con tin
 

Hiện giá xăng trong nước đang phải gánh bốn loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế môi trường và thuế giá trị gia tăng (VAT). Nếu tính trung bình giá thế giới của 30 ngày qua ở mức 123 USD/thùng thì giá xăng trong nước đã bao gồm thuế là 23.870 đồng/lít.

Trong đó, theo tính toán của một DN, thuế nhập khẩu của một lít xăng tương đương 1.954 đồng/lít, thuế TTĐB 1.777 đồng/lít, thuế môi trường 1.000 đồng/lít, thuế VAT 2.055 đồng/lít. Tổng cộng, riêng về thuế, người tiêu dùng đã phải gánh 6.786 đồng/lít.


 

Từ trước tới nay, ba loại thuế luôn cố định trong công thức tính giá cơ sở là thuế TTĐB, thuế môi trường và VAT. Riêng thuế nhập khẩu được điều chỉnh linh hoạt. Có thời điểm, giá xăng thế giới tăng cao, mức thuế có thể về 0%. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, mức thuế nhập khẩu này đã tăng dần dần và nay lên tới 12%.

Xăng là mặt hàng xa xỉ?

Chúng tôi cũng từng nhiều lần đặt câu hỏi với Vụ Chính sách thuế về việc xăng phải “cõng” thêm thuế TTĐB. Câu trả lời là do xăng là mặt hàng xa xỉ, Nhà nước không khuyến khích, do người sử dụng xăng chủ yếu là những người đi xe ô tô.

Một DN đầu mối xăng dầu


Tại sao lại đưa xăng vào mặt hàng xa xỉ? Chúng tôi phải đổ hằng ngày, không đổ xăng làm sao đi làm việc? Với người dân chúng tôi, xăng là mặt hàng thiết yếu rất cần những chính sách hỗ trợ giá.


Chị LÊ THỊ THANH, quận Thủ Đức


Thuế chồng thuế

Đã đến lúc phải loại thuế TTĐB ra khỏi cơ cấu giá xăng, vì đây là một loại thuế chồng thuế, bất hợp lý. Hiện xăng là mặt hàng nhập khẩu nên việc đánh thuế nhập khẩu là đúng nhưng riêng việc phải gánh thêm thuế TTĐB là không cần thiết. Bởi lẽ, thuế TTĐB là để đánh vào việc tiêu thụ những hàng hóa xa xỉ.

Trong khi đó, hiện xăng là mặt hàng khá thông dụng và thiết yếu của người dân. Có một lý giải cho việc xăng phải “cõng” thuế TTĐB là do gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu gây ô nhiễm thì chúng ta đã có thuế môi trường 1.000 đồng/lít rồi. Như vậy, về nguyên tắc đã đánh thuế môi trường thì không còn lý do gì để đánh thuế TTĐB nữa. Đây là hình thức thuế chồng thuế.

Việc Nhà nước nếu vẫn cứ giữ mức thuế cũ (thuế nhập khẩu và thuế TTĐB) là cách nhìn chỉ biết trước mắt. Nếu Nhà nước được một đồng thuế thì DN sản xuất và người tiêu dùng lại mất nhiều thứ. Việc giảm thuế nhập khẩu xăng sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, kích thích sản xuất kinh doanh.

DN bán hàng được thì Nhà nước lại thu được thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và cả nhiều loại thuế khác. Như vậy, cái nào có lợi hơn? Hơn nữa, việc giá xăng tăng, giảm thời gian qua cũng tác động khá lớn đến chỉ số tiêu dùng (CPI). Dù áp dụng chính sách nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo lợi ích của người dân và cả nền kinh tế chứ đừng chỉ nhìn ở một góc độ được về ngân sách
.

TS NGUYỄN THỊ THỦY, khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM


Khi đã xác định theo giá thị trường thì người dân nên chấp nhận với việc điều chỉnh giá. Tuy nhiên, biên độ điều chỉnh nên giãn ra để tránh gây sốc. Bộ Tài chính quyết định “neo” thuế cũng là điều dễ hiểu bởi như thế sẽ đem lại nguồn thu ngân sách. Thế nhưng nếu Bộ Tài chính chỉ cần giảm thuế một ít thay vì trích tăng quỹ bình ổn sẽ hợp lý hơn. Quỹ bình ổn do người tiêu dùng đóng góp, việc tăng mức trích quỹ này chẳng khác nào “đánh” vào người dân.


Chuyên gia kinh tế, TS LÊ ĐĂNG DOANH


Theo Pháp Luật TP

Các tin cũ hơn