Thủy sản Bình An sẽ niêm yết cổ phiếu

Thứ tư, 29/08/2012, 10:06
Được SHB đỡ đầu, dự kiến 3 năm tới, Bianfishco sẽ trở thành công ty đại chúng và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Động thái cứu Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) (trụ sở tại khu công nghiệp Trà Nóc, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) là một trong những hành động đầu tiên của SHB sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank).
 
Trước khi sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), khoản đầu tư của Habubank tại Bianfishco bị “mắc kẹt”. Đây cũng là một trong những lý do đẩy Habubank vào tình trạng khó khăn thời gian qua.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB, thực chất, Bianfishco là một doanh nghiệp thủy sản mạnh, đủ khả năng vượt qua khó khăn hiện tại.

“Bianfishco là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành thủy sản được cấp phép xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ, với thuế suất thuế xuất khẩu 0%, được đầu tư máy móc thiết bị hiện đại bậc nhất Việt Nam”, ông Hiển nói.

 
SHB chính thức trở thành cổ đông sáng lập của Bianfishco.
 
Bianfishco hoạt động từ năm 2005 và đã đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ chế biến thủy sản (công suất 600 tấn cá/ngày).

Bên cạnh đó, Bianfishco cũng đã đầu tư phát triển chuỗi cung ứng khép kín, như nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi hải sản rộng 100 ha, lập công ty sản xuất nước uống collagen, lập viện nghiên cứu thủy sản… 
 
Trong giai đoạn hoạt động ổn định, Bianfishco đạt doanh thu bình quân 100 triệu USD/năm, tạo công ăn việc làm cho 5.000 lao động. Từ năm 2011 đến nay, Bianfishco gặp khó khăn. Hiện số lỗ và nợ quá hạn của Bianfishco ước khoảng 600 tỷ đồng.
 
Mới đây, Bianfishco đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới. Theo đó, SHB là cổ đông sở hữu 25 triệu cổ phiếu, chiếm 50% vốn điều lệ Bianfishco (Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỷ đồng), thay thế bà Phạm Thị Diệu Hiền và tham gia tái cấu trúc toàn diện Bianfishco.
 
SHB sẽ phối hợp với Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC, Bộ Tài chính) tham gia xây dựng phương án tái cấu trúc Bianfishco. Cụ thể, SHB và DATC cùng tham gia quản trị, điều hành mọi hoạt động tại Bianfishco.
 
Nguồn tin từ SHB cho biết, các chủ nợ là các ngân hàng, tổ chức kinh tế đã đồng ý khoanh nợ, giảm lãi, miễn lãi đối với các khoản nợ của Bianfishco trong khoảng thời gian 3 năm.

Riêng BIDV và VDB, sẽ đàm phán để chuyển nợ thành vốn góp khi Bianfishco tăng vốn điều lệ. Dự kiến, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào ổn định, Bianfishco sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông để tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng.
 
Động thái của SHB tham gia tái cơ cấu khoản đầu tư cũ của Habubank tại Bianfishco diễn ra khá nhanh, bởi 2 ngân hàng này mới chỉ chính thức tuyên bố việc sáp nhập hôm 9/8 vừa qua. Theo lộ trình, 20/9 tới là ngày niêm yết bổ sung cổ phiếu hoán đổi từ cổ phiếu HBB cũ sang cổ phiếu SHB.

Theo Đầu Tư

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích