5 ngày qua, ACB đã trải qua một bài kiểm tra lớn và kết quả là hệ thống vẫn hoạt động tốt, sức khỏe của ACB vẫn đảm bảo. Tính đến cuối tuần qua, lượng tồn quỹ của ACB cao gấp 6 lần so với ngày đỉnh điểm.
Tổng tài sản của ACB hiện có 255.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay gần 100.000 tỷ đồng. Số tiền mà khách hàng rút ra trong mấy ngày qua dưới 10% tổng tài sản nên dư địa của ACB vẫn đáp ứng được vấn đề thanh khoản. Điều này cho thấy khả năng đảm bảo sự ổn định, an toàn và năng lực thanh khoản tại ACB.
Chúng tôi vượt qua đợt khủng hoảng lần này nhờ vào sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng bạn… trong công tác hỗ trợ thanh khoản cho ACB. Đồng thời sự tin tưởng của toàn thể cán bộ công nhân viên ACB vào hệ thống đã tạo cho họ sự bình tĩnh và xử lý tốt tình huống.
Vào cuối tuần qua, lượng khách hàng quay lại ACB gửi với số tiền đã lên đến 1.500 tỷ đồng. Lượng sổ tiết kiệm đến lúc đáo hạn nhưng người gửi vẫn để lại tái tục là 5.600 tỷ đồng. Chúng tôi có thể nói là đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng và đang thực hiện bình thường các chương trình nghiệp vụ.
Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết, ACB sẽ giữ nguyên lãi suất sổ tiết kiệm đối với khách hàng đã rút tiền và gửi trở lại.
ACB đã có chương trình gì cụ thể để khuyến khích khách gửi tiền trở lại?
Một số khách hàng đã rút tiền tiết kiệm trước hạn vừa qua nên họ đã chịu thiệt hại khi nhận lãi suất không kỳ hạn với mức rất thấp. Kể từ đầu tuần này, khi những khách hàng đã rút tiền trước hạn từ ngày 21/8 đến ngày 25/8 quay lại gửi tiền, ACB sẽ giữ nguyên lãi suất trên sổ tiết kiệm mà khách hàng đã rút ra trước đó.
Ngoài ra, ACB còn tặng quà cho khách hàng quay lại gửi tiền.
Tình hình cho vay thì sao, thưa ông?
Hoạt động cho vay của ACB hoàn toàn bình thường. ACB cũng triển khai một số sản phẩm gồm chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất khẩu; khách hàng trả nợ vay cũ, ngân hàng giải ngân lại; cầm cố sổ tiết kiệm, cho vay thanh toán L/C đã mở, bảo lãnh thanh toán trong nước; triển khai cho vay trên thẻ tín dụng (hình thức cho vay tiêu dùng), thanh toán online…
Hiện nay chúng tôi cũng đang nghiên cứu những sản phẩm để cám ơn khách hàng đã gắn bó và tin tưởng vào ACB trong thời gian qua.
Sự cố trong vài ngày qua đã khiến các cổ đông, nhất là các cổ đông cá nhân của ACB ít nhiều lo lắng. Ông đã có đánh giá nào về mặt thiệt hại hay chưa?
Sự việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ nên hiện nay chúng tôi cũng chưa có đánh giá nào về thiệt hại. Tuy nhiên về sơ bộ, theo tôi mức thiệt hại là không nhiều, khả năng mất vốn của nhà đầu tư là không có.
Việc được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc trong bối cảnh khủng hoảng như vừa qua có gây áp lực lớn đối với ông không?
Thật ra từ trước, ACB đã có sự chuẩn bị về mặt nhân sự. Từ tháng 10/2010, ACB đã cơ cấu vị trí tổng giám đốc, lúc đó tôi đang là phó tổng giám đốc. Tháng 6/2011, tôi chính thức được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc thường trực phụ trách 4 khối là cá nhân, doanh nghiệp, vận hành và phát triển kinh doanh. Từ hơn 1 năm nay, tôi đã có sự tiếp cận và chuẩn bị nên việc tiếp nhận vị trí tổng giám đốc tôi thấy bình thường.
Với cương vị mới, ông có sự thay đổi nào trong điều hành ACB thời gian tới nhằm đảm bảo hệ thống tốt hơn?
Những khiếm khuyết trong thời gian qua cho chúng tôi nhiều bài học và sẽ có một số vấn đề cần xem xét, sửa đổi trong thời gian tới cho phù hợp hơn. Đó là hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro; tăng cường công tác nhân sự, đặc biệt là vai trò nhân sự do cổ đông nước ngoài trong công tác quản trị rủi ro; tái cơ cấu lại hệ thống kênh phân phối nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn.
Sau 2 cuộc khủng hoảng mà ACB đã trải qua, chúng tôi rút ra cho mình được nhiều bài học. Người ta nói để có quyết định đúng thì phải có kinh nghiệm, mà kinh nghiệm hay nhất là học được từ những sai lầm. Những bài học này là vốn tích lũy để có kinh nghiệm lớn từ đó chúng tôi có những quyết định trong điều hành tốt hơn.