Cư dân Keangnam bàng hoàng vì bỗng nhiên mất “oan” cả tỷ đồng
Thứ tư, 29/08/2012, 13:50
“Keangnam đã soạn thảo nội dung Hợp đồng mua bán căn hộ cố ý gây hiểu nhầm về diện tích căn hộ cho người mua. Căn hộ của tôi đã bị thiếu hụt đến 16 m2 sử dụng so với hợp đồng mua bán”. Chị Thảo, một cư dân tại Keangnam cho biết.
Ngày 16/7/2012, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Từ Liêm đã thụ lý đơn khởi kiện của một nhóm cá nhân đề nghị tuyên vô hiệu Hợp đồng bán nhà thuộc công trình Tổ hợp khách sạn – Trung tâm thương mại – Văn phòng và Căn hộ cao cấp tại lô E6 Khu Đô thị mới Cầu Giấy, đường Phạm Hùng thuộc địa phận huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội do Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina làm chủ đầu tư.
Dự án này thường được biết đến với tên gọi Dự án Keangnam Landmark Tower.
Phía các hộ dân khởi kiện đề nghị TAND huyện Từ Liêm tuyên vô hiệu toàn bộ Hợp đồng bán căn hộ đã ký với Công ty TNHH một thành viên Keangnam-Vina và xử lý hậu quả hợp đồng bị vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Một trong những lý do để những hộ dân này kiện Keangnam ra tòa là diện tích thực tế của căn hộ không đúng như thỏa thuận trong hợp đồng.
Cư dân Keangnam mất “oan” cả tỷ đồng vì hợp đồng mập mờ
Chị Thảo, một trong số những người tham gia vụ kiện đã trình bày những căn cứ mà chị cho rằng xác đáng để tòa có thể xét xử vụ kiện với phần thắng nằm chắc trong tay: “Keangnam đã soạn thảo nội dung Hợp đồng mua bán căn hộ cố ý gây hiểu nhầm về diện tích căn hộ cho người mua. Căn hộ của tôi đã bị thiếu hụt đến 16 m2 sử dụng so với hợp đồng mua bán”.
Trước đó, do nghi ngờ diện tích thực tế của căn hộ, chị Thảo và một số người bạn đã thuê một đơn vị địa chính chuyên nghiệp có chức năng đo đạc đến kiểm tra lại diện tích căn hộ. Theo cách đo quy định trong hợp đồng, căn hộ của chị hụt mất 3 m2.
Nhưng điều đáng nói là chị Thảo còn bàng hoàng hơn khi phát hiện ra diện tích của toàn bộ các cột bê tông chịu lực thuộc hàng khủng của tòa nhà 48 tầng và các hộp kỹ thuật thuộc phần sở hữu chung của cư dân đều được Keangnam tính nằm trong diện tích riêng của căn hộ.
Như vậy, với căn hộ tầng 35 diện tích theo hợp đồng là 126,02 m2 nhưng khi đo thực tế sau khi nhận nhà chỉ có 123,7 m2 và trong đó đã bao gồm cả diện tích các cột chịu lực và hộp kỹ thuật, tường chung thuộc phần sở hữu chung là 13,0 m2.
Tương tự, với căn hộ nhà cô Quyên có diện tích theo hợp đồng là 206,95 m2 nhưng diện tích đo thực tế sau khi nhận nhà chỉ có 197,6 m2 trong đó đã bao gồm phần diện tích sở hữu chung là các cột chịu lực và hộp kỹ thuật lên tới 16m2. Diện tích thực tế sử dụng của căn hộ chỉ còn vẻn vẹn 181 m2.
Anh Hà, một cư dân tham gia vụ kiện đã dẫn chứng khoản 3 điều 70 Luật nhà ở quy định rõ về phần diện tích sở hữu chung trong nhà chung cư, bao gồm: "Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư, gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, ... và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ".
Nhiều người dân ở Keangnam bàng hoàng khi phát hiện ra diện tích của toàn bộ các cột
bê tông chịu lực thuộc hàng khủng của tòa nhà 48 tầng và các hộp kỹ thuật thuộc phần
sở hữu chung của cư dân đều được Keangnam tính nằm trong diện tích riêng của căn hộ.
(Ảnh: Nam Phong)
Người mua đã không thể lường hết được cái bẫy đã giăng ra khi Keangnam mập mờ không ghi rõ phần diện tích sở hữu chung trong hợp đồng mua bán và đã phải gánh chịu thiệt thòi khi phải trả tiền cho phần diện tích chung này lên đến cả tỷ đồng chỉ vì hiểu rằng đó là diện tích căn hộ mà mình được sử dụng (mỗi m2 diện tích thuộc sở hữu có giá xấp xỉ 3.000 USD).
Keangnam Vina cố ý gây nhầm lẫn cho khách hàng?
Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự phân tích: “Điều 3 Thông tư 01/2009/TT-BXD quy định về Hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư phải đảm bảo một số nội dung cơ bản, trong đó có phần sở hữu chung và sở hữu riêng.
Hợp đồng phải nêu đầy đủ phần diện tích riêng của người mua và phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư. Như vậy hợp đồng bán nhà của Keangnam đã loại bỏ hoàn toàn những quy định này và chỉ ghi diện tích căn hộ một cách mập mờ gây nhầm lẫn cho khách hàng".
Ngoài ra, luật sư Hưng khẳng định sự mập mờ này có thể xác định là hành vi cố ý gây hiểu sai cho người mua khi bản hợp đồng không hề có các bản vẽ kỹ thuật theo đúng quy định.
Việc thiếu hụt diện tích chỉ bị phát hiện sau khi các hộ dân này nộp đủ hết tiền và nhận nhà. Trước đó Keangnam có trưng bày sản phẩm một số căn nhà mẫu nhưng ngay trước khi bàn giao căn hộ, toàn bộ khu nhà mẫu đã được giải tán không còn dấu vết gì. Quá bức xúc với những thiệt thòi của mình và kiểu làm ăn gian dối của chủ đầu tư, các hộ dân này đã làm đơn chính thức khởi kiện.
Phần lớn cư dân do thiếu thông tin và nóng lòng làm sổ đỏ theo sự hướng dẫn của chủ đầu tư nên đã ký xác nhận chấp thuận diện tích thực tế của căn hộ và do đó họ đã tự tước quyền tham gia kiện Keangnam về vấn đề diện tích.
Những nội dung tranh chấp tương tự giữa người mua nhà căn hộ chung cư cao cấp với chủ đầu tư tương đối nhiều nhưng cho đến nay được biết đây là vụ việc đầu tiên được Tòa án thụ lý bắt đầu giải quyết từ tháng 7/2012.
Được biết phía Keangnam đã liên tục xin hoãn các phiên họp cung cấp lời khai khi được tòa án yêu cầu. Tuy nhiên đến hết thời hạn cho phép, nếu chủ đầu không đưa ra các chứng cứ, Tòa án có thể vẫn tiến hành xét xử dựa trên các tài liệu và dẫn chứng do các hộ dân cung cấp.
Ngoài vấn đề về diện tích, các hộ dân này còn kiện Keangnam về một số sai phạm khác trong hợp đồng mua bán mà họ cho rằng họ có đủ các bằng chứng và căn cứ để tòa án có thể xét xử.