FPT luôn đi tới trẻ hóa. Và ngay lần trẻ hóa đầu tiên ở vị trí CEO, FPT đã gặp “trục trặc” không nhỏ! Vì vậy câu hỏi đặt ra là, nếu Trương Đình Anh ra đi, ai có thể ngồi vào “ghế nóng”?
Trên lý thuyết, thì bà Chu Thanh Hà - “Phó tướng” của ông Trương Đình Anh, và được ông này ủy quyền điều hành trong hai tháng ông nghỉ phép - đang gần chiếc “ghế nóng”.
Bà Hà còn trẻ (sinh 1974), học cử nhân kinh tế trong nước và lấy bằng MBA ở Mỹ. Thế nhưng, vị trí Phó tổng giám đốc của bà Hà lại quản những vấn đề nội chính, tổ chức… chứ không đảm trách về chiến lược kinh doanh.
Vì thế có lẽ bà xa với vị trí CEO một công ty lớn đặc mục tiêu quá cao như FPT cần những người mạnh mẽ về hoạch định chiến lược kinh doanh.
Một điều nữa,chiếc “ghế nóng” CEO FPT áp lực khủng khiếp liệu có thuận cho bà Hà, và liệu được “chấm” đi nữa thì bà có dám ngồi vào “ghế nóng”?
Từ trái qua: Đỗ Cao Bảo, Trương Đình Anh, Hoàng Nam Tiến
“Phó tướng” thứ hai là ông Nguyễn Thế Phương, còn rất trẻ (sinh 1977) đã ở vị trí này. Ông đi lên từ vị trí làm tài chính kế toán.
Thế nhưng so với bà Hà thì ông Phương mờ nhạt hơn nhiều. Search trên Google từ khóa “ông Nguyễn Thế Phương, phó tổng giám đốc FPT” thì lại thấy xuất hiện toàn những bài viết về CEO Trương Đình Anh mà tên ông Phương được nhắc đến trong đó.
Tướng “ở biên cương”
Gần mà xa, cũng là chuyện thường tình trong cơ cấu nhân sự. Có một nhân vật “ở xa” vị trí CEO nhưng cũng cần nhắc đến vì ông đang làm chủ tịch một nhánh trụ cột của FPT. Đó là ông Đỗ Cao Bảo - Chủ tịch Cty Hệ thống thông tin FPT (FIS).
Ông Bảo sinh năm 1957, đáng tuổi cha chú của bà Hà và ông Phương. FIS đang là một thế lực tại FPT. Có lẽ vì thế mà, trong đợt bầu lại HĐQT cho nhiệm kì 2012 - 2017 vào ngày 14.4.2012, ông Bảo vẫn còn được tín nhiệm ở lại trong HĐQT trong khi có đến 6 công thần khác “ra đi”.
Với tuổi đời và kinh nghiệm, có thể ông Bảo hành xử và điều hành ôn hòa hơn, được lòng nhân viên hơn. Nhưng cái tuổi 55 của ông hiện nay đã xa khung tuổi cơ cấu của FPT đưa ra (35-45) đến 10 tuổi.
Thêm nữa, Cty nào không biết chứ triết lý hay phong cách làm ăn của FPT từ lâu đã khiến tôi tin rằng họ không chuộng hoặc khó mà chọn những người làm CEO thiên về xử lí êm ái nội tình và ổn thỏa nội bộ.
Người thứ tư và cũng là người cuối cùng mà tôi nghĩ ra có thể thể được tín nhiệm nguồi vào “ghế nóng” FPT là ông Hoàng Nam Tiến, biệt danh Tiến “béo”.
Ông Tiến cũng gia nhập FPT vào năm 1993 như ông Trương Đình Anh, nhưng lớn hơn một tuổi (sinh 1969).
Nếu ông Trương Đình Anh, tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân song lại đam mê công nghệ rồi dần thành công ở FPT Telecom, được dư luận cho là “một nửa nhà khoa học, một nữa con buôn” thì ông Hoàng Tiến Nam lại tốt nghiệp kĩ sư CNTT nhưng thành đạt bên lĩnh vực thương mại, và Tiến “béo” được cho là “con buôn 100%”, giỏi làm ăn và khéo léo trong quan hệ với đối tác.
Thời kì 2003 - 2008, Tiến “béo” cai quản mảng phân phối của FPT là trụ cột đem lại doanh thu và lợi nhuận nhiều nhất cho FPT. Khi đó tên tuổi Tiến “béo” trong Cty và ngoài thị trường nổi như cồn lấn lướt tên tuổi Trương Đình Anh nhiều lần.
Thậm chí có lúc người ta nghĩ rằng, một ngày nào đó ông Trương Gia Bình rút chân khỏi công tác điều hành, thì Tiến “béo” sẽ là người thay thế.
Thế nhưng sau thời kì ấy là một bước “trôi dài”. Đã có đồn đoán về “khúc mắc” ông Nguyễn Thành Nam lên thay ông Bình làm CEO FPT chứ không phải ông Tiến, như giúp cho ông Trương Đình Anh có thời gian trải nghiệm qua các chức vụ để tích lũy kinh nghiệm và kĩ năng cho chức vụ CEO FPT sau đó.
Trong khoảng thời gian này, tiếng tăm của ông Trương Đình Anh nổi lên thì tiếng tăm của ông Hoàng Nam Tiến dần nhạt nhòa. Ông được phái sang quản các lĩnh vực mới khá “xương xẩu” vì không sinh lợi được thì làm sao tạo ra thành tích để xây dựng hình ảnh và tiếng tăm?
Như chức Tổng giám đốc (2007), rồi Chủ tịch (2010) Cty TNHH bất động sản FPT; Tổng giám đốc Cty TNHH Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Năm 2009, dù ông vẫn tiếp tục nắm mảng phân phối nhưng từ đây về sau mảng này đã bị một số mảng khác lấn lướt về mặt lợi nhuận. Và cột mốc là đến tháng 4/2012, ông Tiến không còn nằm trong HĐQT trong danh sách sáu người đề cập ở trên.
Thử đặt ra một giả thiết, nếu khi ấy ông Hoàng Nam Tiến được bổ nhiệm vào chức CEO của FPT, thì liệu ông Trương Đình Anh còn có cơ hội ngồi vào chiếc ghế này vào tháng 3.2011? Có lẽ, ngay khi ông Bình thôi làm CEO thì chiếc ghế này đã mặc định dành cho Trương Đình Anh rồi.
Lần này nếu có cơ hội tiếp quản vị trí CEO của FPT, có lẽ đúng vận số và ông Hoàng Nam Tiến cũng dễ chấp nhận ngồi vào “ghế nóng” hơn những người kể trên.
Trên thực tế, có lẽ ông “vừa vặn” với tiêu chí cần người giỏi kinh doanh và làm ăn để bảo đảm đạt được các mục tiêu hoặc chí ít nếu không đạt được thì cũng không quá tệ.