Nếu ai cũng mua vàng cất vào tủ thì kinh tế lâm nguy
Chủ nhật, 14/10/2012, 07:29
Năm 1997, Hàn Quốc rơi vào cơn khủng hoảng tồi tệ nhất, hàng loạt tập đoàn xương sống của nền kinh tế phá sản. Người dân Hàn Quốc đã tự nguyện bán vàng để kích thích tiêu dùng.
Mỗi ngày đọc báo, tôi thấy hàng loạt thông tin doanh nghiệp “kêu cứu”, mong Nhà nước có chính sách này, gói hỗ trợ kia? Thực ra có “than”, có “khóc” thì “ông Nhà nước” cũng chả phải trăm tay nghìn mắt mà “cứu” hết được các doanh nghiệp. Do đó trước hết thì doanh nghiệp phải tự cứu mình cái đã. Vấn đề là bằng cách nào?
1. Điều chỉnh mục tiêu kinh doanh: Hãy đặt mục tiêu là…tồn tại. Trước hết cần duy trì cân đối dòng tiền vào-ra. Khoan tính toán đến thu hồi chi phí đầu tư hay sinh lợi nhuận, hãy tập trung vào duy trì dòng tiền để nuôi sống doanh nghiệp mình.
2. Tối giản các chi phí không cần thiết: thương thảo lại với toàn bộ các nhà cung ứng nguyên vật liệu, dịch vụ, đối tác cho thuê mặt bằng để có được chi phí tối ưu nhất, trên tinh thần là “tôi chết, anh thiệt hại nhiều hơn là giảm giá bán cho tôi lúc này”.
3. Biến chi phí cố định thành chi phí biến đổi: các đơn vị cho thuê mặt bằng nên điều chỉnh một phần doanh thu cố định thành chia sẻ doanh thu với đơn vị thuê (nếu có thể).
Doanh nghiệp cần thương thảo điều chỉnh một phần lương nhân viên cố định thành hoa hồng bán sản phẩm (trong thời kì đặc biệt khó khăn, mọi nhân viên trong công ty cần phải hỗ trợ kinh doanh, giải phóng hàng tồn).
Nếu ai cũng “thủ” cho riêng mình, mua vàng về cất trong tủ, thì kinh tế sẽ càng lâm vào vòng xoáy không đáy.
Nếu quá khó khăn, có thể biến tiền lương nhân viên thành vốn góp cổ phần. Những người tâm huyết sẽ ở lại, ai không đạt được mục tiêu sẽ ra đi, hãy chấp nhận thực tế đó.
4. Điều chỉnh cơ cấu giá bán: trong cơ cấu giá bán luôn có những khoản chi phí cố định và chi phí gián tiếp. Để giải phóng tồn kho, sản sinh dòng tiền, tạo thanh khoản ngắn hạn, thì bất cứ hàng hóa nào bán được cao hơn chi phí trực tiếp thì nên bán. Lưu ý là phương pháp này chỉ áp dụng với các sản phẩm-dịch vụ có độ đàn hồi về giá tốt.
5. Cắt giảm các khâu trung gian: Cắt giảm chi phí trung gian, phân phối, bán lẻ bằng cách cơ cấu lại kênh phân phối. Có những loại hàng hóa chi phí trung gian chiến đền 70%-80% giá thành. Hãy tận dung tối đa các kênh bán hàng trực tiếp, kênh bán sỷ để tiết giảm các chi phí này.
6. Quản lý chặt công nợ: hạn chế giao thương với đối tác đang gặp vấn đề thanh khoản, hãy chiết khấu cho đối tác để đổi lấy việc thanh toán ngay (nếu họ kinh doanh tốt, họ sẽ vay vốn lưu động để trả sớm nếu có lợi hơn về mặt chi phí).
7. Cắt giảm các bộ phận kinh doanh không hiệu quả: nếu tất cả các phương án trên được áp dụng mà bộ phận kinh doanh, sản xuất đó vẫn không cân đối được dòng tiền.
Giải pháp cuối cùng là tạm ngừng kinh doanh- sản xuất để tránh ảnh hưởng đến tình hình chung… Cũng giống như việc vá một lỗ thủng hoặc cho nước tràn vào một khoang kín, để tránh cho con tàu chìm hoàn toàn.
8. Trung thực, minh bạch trong công ty và đối với khách hàng: Uy tín trong lúc này đáng giá 10 lần khi kinh doanh thuận lợi. Uy tín được xây dựng trên nền tảng sự trung thực và minh bạch của người chủ doanh nghiệp. Thà công khai khó khăn, chia sẻ kế hoạch khắc phục, còn hơn để người lao động/đối tác “đoán mò” về thực trạng của doanh nghiệp mình.
Một điều nữa quan trọng không kém, tất cả chúng ta đều đóng vai trò là người tiêu dùng hoặc/và người làm công. Chúng ta thấy “ngộp thở” vì những khó khăn hiện tại, nhưng người chủ doanh nghiệp còn “căng” hơn gấp trăm lần. Khi một doanh nghiệp ngã xuống là bao nhiêu con người mất việc, thị trường mất đối thủ cạnh tranh nên giá cả sẽ càng bất hợp lý.
Do đó hãy xem việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, giúp việc tiêu thụ hàng hóa trong nước là những cử chỉ tốt đẹp và cao thượng lúc này.
Nếu ai cũng “thủ” cho riêng mình, mua vàng về cất trong tủ, thì kinh tế sẽ càng lâm vào vòng xoáy không đáy: người tiêu dùng giảm mua, doanh nghiệp phá sản, nhân công thất nghiệp, tiêu dùng lại tiếp tục giảm…. sự hủy hoại sẽ như căn bệnh truyền nhiễm lan khắp mọi nơi.
Năm 1997, Hàn Quốc rơi vào cơn khủng hoảng tồi tệ nhất, hàng loạt tập đoàn xương sống của nền kinh tế phá sản, chính phủ tham nhũng, mất tín nhiệm, ngân hàng lũng đoạn và mất thanh khoản …
Nhưng người dân Hàn Quốc đã tự nguyện bán vàng để kích thích tiêu dùng. Không phải vì một lời kêu gọi nào của doanh nghiệp hay Chính phủ, mà là vì họ biết đó là cách tự cứu lấy mình.
Ngày nay, Hàn Quốc trở thành điểm sáng kinh tế duy nhất tại châu Á và toàn cầu.