Giảm chi tiêu để tăng lương

Thứ năm, 18/10/2012, 14:26
Kinh tế khó khăn, Bộ Tài chính dự tính năm 2013 không tăng lương khiến nhiều chuyên gia, tổ chức lo ngại. Các chuyên gia cho rằng lương đã có lộ trình, trách nhiệm của Bộ Tài chính là đảm bảo thu chi.
Nhiều ý kiến đề nghị cần giữ vững lộ trình để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
 
 
Chị Yến (thứ hai từ trái sang) ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Với số tiền kiếm được gần 2 triệu đồng/tháng, tôi đã thật sự khó khăn cho việc chi tiêu trong gia đình với chồng làm phụ hồ và con đang tuổi ăn học".

Rất cần tăng lương
 
Bộ Tài chính cho biết dự kiến ngân sách năm 2013 sẽ không có đủ nguồn để có thể tăng lương trong năm 2013.

Trước tính toán của bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Vũ Hồng Quang - phó ban chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động VN - nêu rõ: “Việc tăng lương về nguyên tắc phải thực hiện theo đúng quyết định và định hướng của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương. Trong trường hợp Bộ Tài chính thấy thực tế tình hình kinh tế - xã hội có những thay đổi, cần điều chỉnh thì phải trình và xin ý kiến lại”.

 
Theo ông Vũ Hồng Quang, với lạm phát như hiện nay, việc đưa ra mức lương mới cho năm tới càng cần thiết để đảm bảo đời sống cán bộ, công chức cũng như người lao động.
 
Ông Nguyễn Hữu Dũng - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - cũng cho rằng trong thời điểm đời sống đang khó khăn do kinh tế suy giảm, rất không nên tính chuyện dừng tăng lương để thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người lao động.
 
Ông Dũng so sánh: tiền lương khu vực doanh nghiệp đã thấp, nhưng lương cho khu vực công chức còn thấp hơn, tiền lương tối thiểu mới được 1,05 triệu đồng/tháng. Cộng cả phụ cấp công vụ, tiền lương công chức vẫn không bằng tiền lương khu vực doanh nghiệp. Với tình hình như vậy, lẽ ra cần phải quan tâm hơn nữa đến việc cải cách tiền lương khu vực công chức.
 
Về dự tính dừng tăng lương của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết Hội nghị trung ương 5 vừa qua chưa thông qua đề án cải cách tiền lương do Chính phủ trình, nhưng vẫn kết luận tiếp tục điều chỉnh lương trong năm 2013 với nguyên tắc tiền lương tối thiểu phải đảm bảo dần tiếp cận nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức.
 
Ông Dũng còn đặt câu hỏi: “Nếu năm 2014 tiếp tục khó khăn, thu ngân sách vẫn không như mong muốn thì sẽ lại tiếp tục ngừng tăng lương? Không thể như vậy được”. Theo ông Dũng, nếu cứ khó là lùi lộ trình tăng lương thì không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, mà còn tạo ra khoảng cách lớn dần giữa lương và thực tế nhu cầu cuộc sống.
 
Công nhân Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM) lãnh lương qua máy ATM.

Thúc đẩy sản xuất phát triển
 
Một số thành viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng Chính phủ nên tìm nguồn để tăng lương tối thiểu theo đúng lộ trình, chí ít là tăng một phần (từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu thay vì 1,3 triệu như kế hoạch) hoặc có thể lùi thời điểm tăng (sang tháng 7, tháng 9-2013, không nhất thiết phải từ ngày 1-5).
 
“Tôi rất chia sẻ với những khó khăn trong việc thu và cân đối ngân sách. Trong giai đoạn khó khăn này, chắc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ai dám đòi hỏi phải thế này thế kia. Nhưng tôi cho rằng Chính phủ nên cố gắng tìm nguồn làm sao để thực hiện lộ trình lương cho tốt.

Nếu tăng lương đúng lộ trình sẽ giúp giải quyết tình hình đỡ khó khăn hơn cho cán bộ, công chức, viên chức” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Bùi Đặng Dũng nói.

 
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng nói vẫn có những khoản có thể tiết kiệm được để dành nguồn chi tăng lương như tiết kiệm chi phí hành chính, hội nghị, đặc biệt là giảm tổ chức các cuộc hội hè đình đám, nhất là việc kiểm soát chặt chẽ, tránh để thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công, rà soát để lùi thời điểm đầu tư một số dự án chưa thật sự cần thiết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển, tăng lương còn là một biện pháp giúp đỡ các doanh nghiệp vượt khó. “Trong điều kiện hiện nay, tăng lương cũng chính là một trong những biện pháp để kích thích tiêu dùng, giải quyết tình trạng hàng hóa tồn kho, thúc đẩy sản xuất phát triển” - ông Hiển nói.

 
Trao đổi với PV, TS Bùi Sĩ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - bày tỏ ý kiến đồng tình với việc tìm nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu đúng lộ trình. Ông Lợi cho rằng thực chất đây là thực hiện theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công theo các kết luận Hội nghị trung ương 8 (khóa IX) và Hội nghị trung ương 6 (khóa X). 
 
“Tôi cho rằng theo quan điểm, định hướng về cải cách chính sách tiền lương tại kết luận của Hội nghị trung ương 5 (khóa XI) đã xác định điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương và điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu.

Theo tôi, Chính phủ cần tích cực cân đối từ các nguồn như tăng thu, tiết kiệm chi tiêu để điều chỉnh lương tối thiểu đúng với lộ trình, nhằm cải thiện đời sống cán bộ, công chức, để thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác” - ông Lợi phân tích.
 
Tinh giản bộ máy
 
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, dù tăng lương, người lao động vẫn chưa được thêm khoản tiền đủ ý nghĩa. Muốn cải cách được thật sự tiền lương, cần tính đến chuyện cải cách, tinh giản bộ máy. Việc này khó nhưng không phải không làm được.
 
Ông Dũng cho rằng muốn có tiền để tăng lương thì phải tính tách khu vực sự nghiệp công cộng như giáo dục đào tạo, y tế... ra khỏi khu vực ăn theo ngân sách nhà nước. Bảo hiểm xã hội cũng cần phải tự trang trải được các khoản chi của mình. Cần tăng cường cải cách việc cung cấp dịch vụ công để giảm đối tượng ăn lương từ ngân sách.

Đặc biệt, ông Nguyễn Hữu Dũng cảnh báo “hiện tượng” gần đây có xu hướng nở rộ việc các vụ chuyển thành cục, các cục chuyển thành tổng cục. Nếu “hiện tượng” diễn ra sẽ phải thêm bộ máy, thêm văn phòng, thêm trụ sở, lái xe, tiền lương, biên chế... Tất nhiên là thêm nhiều chi tiêu.
 

Theo Tuổi Trẻ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn