Khi đại gia… hết tiền

Thứ năm, 18/10/2012, 15:35
Một trong những câu chuyện thời sự nổi bật trên hầu hết các trang báo những ngày qua là liên quan tới tình cảnh bi đát của các đại gia.
 
Ông bầu Phước Sang sau khi bị một doanh nhân tố cáo vay vài tỉ đồng không chịu trả đã phải lên báo trần tình lý do nợ nần vì đã "chôn" rất nhiều tiền vào đất.
 
Một số ông bầu của các đội bóng tham gia V-League, vốn là những đại gia nổi tiếng chịu chơi khi trước kia dám bỏ ra mỗi năm từ vài chục tỉ tới cả trăm tỉ đồng/ năm để nuôi đội bóng, giờ đây vì làm ăn khó khăn nên người đã tuyên bố bỏ bóng đá, người thì bắn tiếng rút khỏi bóng đá, người thì bị tố nợ lương cầu thủ mấy tháng chưa trả...
 
Nhưng, đây không phải là chuyện cá biệt bởi hiện đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động. Chỉ có điều những ông chủ doanh nghiệp ấy vì "may mắn" không dính vào giới showbiz hay bóng đá nên ít bị để ý tới mà thôi...
 
"Núi băng" bất động sản "đè bẹp" đại gia
 
Năm năm trước vợ chồng Hoàng đã là một đại gia. Khởi nghiệp từ nghề sản xuất, kinh doanh hàng cơ khí... vào lúc làm ăn phát đạt, sản phẩm của Hoàng không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu sang một số nước.
 
Ngày ấy, nhìn vợ chồng Hoàng, nhiều người phải mơ ước vì đó đúng là mẫu hình "tuổi trẻ tài cao" khi mới ngoài 40 đã có một cơ nghiệp khá hoành tráng, mà như người bạn thân thiết với Hoàng kể rằng thời điểm ấy, tài sản của vợ chồng Hoàng có khoảng vài trăm tỉ đồng.
 
Vì thế khi xe Bentley vẫn còn khá hiếm ở Hà Nội thì Hoàng đã mua chiếc siêu xe trị giá cả chục tỉ đồng này đơn giản như người ta mua... xe đạp. Một nhân viên của Hoàng kể rằng mỗi dịp tết đến, sau khi đi đối ngoại các nơi, phát thưởng tết và tổ chức liên hoan cuối năm cho nhân viên xong là cả gia đình Hoàng lên máy bay đi du lịch nước ngoài, xa thì sang châu Âu, gần thì châu Á chứ ít khi ăn tết ở nhà.
 

Khi đại gia… hết tiền
Thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian dài, dự án đình đốn khiến không ít đại gia thành con nợ (ảnh có tính chất minh họa).

 

 Nếu Hoàng chỉ dừng lại ở lĩnh vực này thì có lẽ sẽ chẳng có chuyện gì để nói, nhưng có lẽ không muốn chỉ loanh quanh với sắt thép, Hoàng quyết định mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang đầu tư bất động sản.

Cách Hoàng đầu tư vào bất động sản là mua lại dự án của doanh nghiệp khác hoặc góp vốn vào những doanh nghiệp đã có sẵn đất sau đó lập dự án, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây chung cư. Nếu chỉ tập trung làm một, hai dự án thì có lẽ Hoàng cũng kiếm đủ bởi vào thời điểm năm 2008- 2009, khi thị trường bất động sản đang ở đỉnh, chỉ cần có dự án là đã có khách hàng đến xin nộp tiền góp vốn.
 
Nhưng có lẽ quá tự tin vào khả năng của mình "đánh đâu thắng đấy" vả lại cũng vì thấy thời cơ kiếm tiền lớn như vậy nên Hoàng quyết định làm to, cái thì mua đứt, cái thì góp cổ phần mấy dự án ở Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Hoàng còn lập dự án đầu tư khu công nghiệp mấy trăm ha ở một tỉnh sát Hà Nội... Nghĩa là với từng ấy lĩnh vực, nếu thành công thì chỉ sau vài năm, từ công ty chẳng mấy người biết, doanh nghiệp của Hoàng sẽ phát triển thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành.
 
Nhưng với từng ấy dự án thì số vốn cỡ vài trăm tỉ của Hoàng cũng chỉ như "muối bỏ biển". Bởi chỉ riêng lĩnh vực bất động sản, với quy trình thủ tục khá nhiêu khê nên thông thường từ khi kiếm được đất cho tới xong hết thủ tục, có quy hoạch chi tiết 1/500 và giấy phép xây dựng cũng phải kéo dài từ 2 đến 4 năm. Và trong suốt quá trình ấy là rất nhiều tiền phải bỏ ra mà không có cái gì để thu.
 
Và để có vốn, Hoàng cũng phải áp dụng cái bài của hầu hết doanh nghiệp bất động sản là huy động vốn từ những người có nhu cầu mua nhà và các nhà đầu tư thứ cấp, hay nói nôm na là bán nhà trên giấy bằng các loại "hợp đồng góp vốn" hoặc "hợp đồng vay vốn", và tài sản để thế chấp lòng tin với khách hàng là chính những dự án đang đi "chạy" thủ tục, kể cả dự án mới chỉ được... chấp thuận về chủ trương.
 
Tuy nhiên, vào thời điểm nhà nhà đi buôn đất như mấy năm trước thì việc làm ấy hoàn toàn... bình thường, thậm chí các nhà đầu tư còn tự nguyện đến xin được góp vốn làm dự án nên ngày ấy, mỗi lần đi qua trụ sở công ty Hoàng, đặt ngay mặt tiền một con phố lớn, lúc nào cũng thấy tấp nập khách đến tìm hiểu dự án, ký hợp đồng.
 
Nếu như thị trường bất động sản cứ như năm 2009 - 2010 thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng trong khi thủ tục chưa làm xong thì thị trường đã xuống dốc không phanh. Chờ đợi suốt mấy năm mà các dự án chỗ thì cắm được vài cái cọc, chỗ thì quây hàng rào rồi để đấy, cái thì xây mãi chẳng xong, các nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng quay ra đòi tiền. Cùng lúc mấy dự án đều bị khách hàng đòi tiền, trong khi tiền nhận của nhà đầu tư đâu phải thu về để cất trong tủ.
 
Vậy là vừa trả lại một ít cho chủ nợ, Hoàng vừa phải khất. Siêu xe cũng phải cho "đi ở" để lấy tiền trả nợ. Hôm trước, đi qua trụ sở công ty Hoàng thấy biển hiệu công ty đã được thay. Hỏi thì mới biết Hoàng đã chuyển trụ sở ra "ngoài rìa thành phố". Với tình trạng suốt ngày bị khách hàng "truy lùng" để đòi tiền góp vốn vào các dự án đang nằm án binh bất động kèm theo lãi suất, không biết ông chủ này sẽ cầm cự được bao lâu nữa?
 
Nhưng, trong giới kinh doanh bất động sản, tình cảnh như Hoàng không phải là cá biệt nếu không muốn nói là "hơi bị nhiều".

Cũng giống như Hoàng, chủ một dự án chung cư từng được quảng cáo là loại "khủng" nhất Hà Nội về quy mô thời gian gần đây cũng liên tục bị khách hàng "bêu riếu" lên mặt báo vì thất hứa về tiến độ dự án dù đã thu gần hết tiền nhà của khách hàng, thậm chí dự án đã phải ngừng thi công nhiều tháng vì hết tiền. Chính chủ đầu tư cũng thừa nhận dự án bị ngừng thi công là vì nợ. Mới đây, dự án khởi động trở lại sau khi một số ngân hàng chấp nhận cho vay vốn.
 
Vào thời điểm thị trường bất động sản lên như diều gặp gió, chỉ cần có quyết định cấp đất làm dự án là chủ đầu tư đã có thể ung dung ngồi thu tiền. Vì vậy mà hàng loạt doanh nghiệp bất động sản ra đời.
 
Từng là cán bộ một doanh nghiệp xây dựng của nhà nước và "nên người" nhờ cơn sốt chứng khoán năm 2007- 2008. Sau khi dắt lưng được vài chục tỉ đồng, anh Văn cùng vài người bạn cũng đều thành tỉ phú từ chứng khoán quyết định thành lập công ty cổ phần bất động sản.
 
Là "dân" xây dựng nên tất cả đều tự tin sẽ thành công bởi ngoài nghề xây dựng, thì họ còn là chuyên gia trong việc lập dự án và rất biết "quy trình", "thủ tục" để dự án sớm được cấp phép. Văn được giao giữ chức giám đốc công ty cổ phần này. Dự án đầu tiên là liên doanh với một doanh nghiệp khác để xây chung cư.
 
Thời gian đầu, Văn khá tự tin rằng công ty mà anh và bạn bè lập ra sẽ chẳng mấy mà nổi đình nổi đám, bởi tất cả đã hoạch định chiến lược rất bài bản: sau khi triển khai thành công một vài dự án, họ sẽ phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán, với "công nghệ thổi giá" từng làm rất thành công ở công ty cũ thì chắc giá cổ phiếu công ty này sẽ lại sốt trên sàn... tồn lại là một tương lai... hốt ra tiền đã được nhìn thấy. Vì vậy mà Văn khá hào phóng. Đến kỳ nghỉ hè là anh thưởng cho vợ con bằng chuyến đi Singapore "để mua hàng hiệu cho nó rẻ mà lại được hàng xịn".
 
Nhưng, "người tính không bằng trời tính", thị trường bất động sản đóng băng suốt gần 2 năm qua khiến mọi kế hoạch của Văn vẫn chỉ nằm trên giấy. Dự án đầu tiên để xây dựng thương hiệu công ty cũng bị chậm tiến độ. Mới đây thấy anh phải đi gặp khách hàng để giải trình về việc tiền đã thu mà dự án thì vẫn ngổn ngang. Gặp nhau, anh dù vẫn cười nói nhưng thần sắc không còn "vượng" như trước nữa.
 
Không đầu tư bất động sản, nhưng anh Đông, giám đốc một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu và dịch vụ cũng đang trong tình cảnh cố tìm mọi cách để tồn tại.
 
Vốn là người có thâm niên làm xuất nhập khẩu, cách đây hơn 20 năm đã từng đi khắp Đông Âu gom cả lô xe tải mang về Việt Nam bán, vì thế khi "rời nhà nước", anh Đông lập ngay công ty cổ phần làm dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu.

Công ty của anh làm đủ thứ từ phòng vé máy bay, nhập khẩu ôtô, du lịch, cung ứng nhân lực... nghĩa là cứ "ra thóc" và không bị cấm là anh làm. Mấy năm trước, khi nhập khẩu ôtô đang ăn nên làm ra, sẵn mối cung cấp xe ở Nhật và Trung Đông, mỗi tháng anh nhập về cả lô 10 - 20 chiếc toàn xe hạng sang như Camry, Prado.
 
Ngày ấy, anh thuê hết một tầng của tòa nhà ngay ở trung tâm thành phố và có giá thuê vào loại đắt nhất Hà Nội để làm trụ sở.

Thỉnh thoảng gặp anh, thấy ông giám đốc lúc nào mặt mũi cũng tươi rói, quần áo bảnh bao, đầu tóc bóng mượt, đi xe Lexus sang trọng như quan chức ngoại giao, hỏi chuyện làm ăn anh nói kiểu "khiêm tốn" rằng: "Cũng đủ nuôi quân", chỉ riêng nhập ôtô mỗi cái xe anh lãi được vài ngàn "đô" thôi, còn những mảng khác để anh em nó làm". Vì thế với người quen nếu muốn mua xe đều được anh "ra lộc" bằng cách giảm giá 500 - 1.000 USD so với các salon khác.
 
Vậy mà đầu năm nay, sau vài lần thu hẹp diện tích, cuối cùng anh đã phải di dời văn phòng ra cách trung tâm 10km "cho nó thoáng đãng chứ trong phố chật chội bí bách quá", mà cũng chỉ dám thuê 2 phòng thôi. Cách đây không lâu, gặp anh hỏi chuyện làm ăn, anh bảo vừa đi nước ngoài về để tìm hợp đồng.

Hỏi việc kinh doanh, anh bảo: "Thời buổi khó khăn, giám đốc cũng phải lao đi thôi, mà đi một mình cho tiết kiệm, nhân viên cũng phải cho nghỉ bớt rồi". Hôm trước, tình cờ nghe anh bạn đồng nghiệp kể cái xe Lexus cũng bị anh "cho đi ở" ngoài salon rồi, mà "nghe nói ông ấy còn vay mượn mọi người cũng kha khá nữa".
 
Sản xuất kinh doanh khó khăn trong khi lại phải chịu lãi suất cao suốt một thời gian dài đã khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động.

Hôm đến một công ty may mặc chuyên làm hàng xuất khẩu châu Âu, vào lúc cao điểm có vài trăm công nhân, vậy mà giờ đây cả trụ sở chỉ còn mỗi ông giám đốc với anh bảo vệ ngồi ngáp ruồi cả ngày. Hỏi chuyện làm ăn, ông bảo phải tạm cho công nhân nghỉ việc vì hàng làm ra cũng không có khách.
 

Khi đại gia… hết tiền
 Từ một đại gia, cho tới khi bị bắt, cha con ông chủ Công ty Thái Sơn để lại khoản nợ các ngân hàng hơn 1.000 tỉ đồng.

 

Đại gia "nhập kho" vì nợ
 
Nhưng chuyện doanh nghiệp bị đình đốn sản xuất, làm ra không đủ trả lãi ngân hàng không còn là chuyện hiếm. Có người từ đại gia mà trở thành bị can vì tội lừa đảo. Chuyện hai cha con ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thái Sơn ở Hải Phòng là một ví dụ.
 
Đầu tháng 8 vừa qua, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã bắt giam ông Phạm Văn Thụ, về hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" liên quan đến các khoản vay ngân hàng. Con trai ông Thụ là Phạm Hải Thanh, nguyên TGĐ Công ty Thái Sơn, Dương Hoàng Sơn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Sắt thép Thanh Sơn cũng bị khởi tố cùng tội danh.
 
Phất lên từ nghề phá dỡ tàu cũ, đến năm 1995, khi có vốn, ông Thụ thành lập Công ty TNHH Thái Sơn với các ngành nghề: buôn bán tư liệu sản xuất, kim khí, điện máy; kinh doanh sắt thép, phế liệu, phương tiện vận tải thủy, bộ. Đầu năm 2000, nhờ cơn sốt phôi thép, giá thép tăng nên ông Thụ được xếp vào hàng "đại gia" ở đất cảng.
 
Tuy nhiên, năm 2010, khi ngành phá dỡ tàu cũ cùng ngành sản xuất thép, ngành đóng mới tàu thủy bắt đầu có dấu hiệu đi xuống thì những nhà xưởng, thiết bị của hàng loạt các nhà máy được xây dựng trên nguồn vốn ngắn hạn trở thành gánh nặng với ông Thụ.

Để duy trì các nhà máy, nhất là các nhà máy đóng tàu, nhà máy sản xuất phôi thép... ông Thụ với sự giúp sức của Phạm Hải Thanh, Dương Hoàng Sơn đã chỉ đạo một số doanh nghiệp thành viên hoạt động trong lĩnh vực thương mại lập hồ sơ vay vốn ngân hàng để nhập khẩu sắt thép, sau đó chiếm dụng vốn nhằm lấy tiền duy trì hoạt động các nhà máy, trang trải các khoản nợ ngắn hạn. Số tiền vay ngắn hạn, vay thương mại lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.
 
Đến tháng 8/2011, 13 ngân hàng đã xếp Công ty TNHH Thái Sơn và những công ty "con" của công ty này vào dạng "con nợ xấu", buộc ngừng cho vay.

Tuy nhiên, quá trình thu hồi nợ, các ngân hàng phát hiện mình đã bị lừa vì hầu hết những hợp đồng tín dụng do các công ty thành viên của Công ty Thái Sơn lập ra đều dựa trên khối tài sản ảo, thấp hơn nhiều lần so với thực tế. Thậm chí, cùng một tài sản nhưng ông Thụ đưa đi thế chấp tại nhiều ngân hàng. Vì vậy cho đến khi bị bắt, số tiền mà cha con ông Thụ đã rút ra từ các ngân hàng lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.
 

Theo CAND

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn