Khác với không khí nhộn nhịp, đông đúc tại các vườn đào, vườn quất dịp giáp Tết, những vườn Phật thủ nằm ven bên sông Đáy thuộc xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội vẫn khá yên ắng như thường nhật. Nhưng ít ai biết được rằng, để có được những trái Phật thủ loại 1 cung cấp cho thị trường, các thương lái đều phải đến tận vườn để lựa chọn và tự tay cắt từng quả.
Trái phật thủ có giá tiền triệu. Ảnh: CAND
Anh Nguyễn Quang Hải, Chủ vườn Phật thủ xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Hầu hết các trái Phật thủ trong vườn đã được các thương lái đến đặt giá từ rất sớm, người ta sẽ đến cắt từ khoảng 15 - 25 âm lịch, hiện quả trong vườn coi như đã hết”.
Về mức giá bán ra, chị Trịnh Thị An, Thương lái trái cây cho biết: “Có những quả bình thường, nhỏ hơn hoặc không có tay, giá chỉ khoảng 50.000 đồng; còn những quả to đẹp phải từ 500.000-700.000 đồng trở lên. Trước Tết khoảng nửa tháng, không chỉ riêng Hà Nội, mà khách ở Hải Phòng, Quảng Ninh đều về đây mua hàng”.
Với một mảnh vườn chưa tới 1 ha đất, nếu thời tiết thuận lợi, chăm bón tốt, hàng năm gia đình anh Hải đều có thể thu về hàng trăm triệu đồng nhờ cây Phật thủ, bởi loại cây này có thể thu hoạch quanh năm, gối đầu nhau, đặc biệt là vào những ngày rằm, mùng 1 và ngày Tết Nguyên đán. Bình quân mỗi ha trồng Phật thủ cho thu nhập 500 triệu đồng/năm. Ở Đắc Sở, một số hộ trồng tới 2-3 ha, đạt thu nhập tới gần 1 tỷ đồng. Bởi vậy thật dễ hiểu khi Phật thủ được mệnh danh là giống cây đổi đời của người dân Đắc Sở.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Từ khi địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây ăn quả, trong đó có cây Phật thủ, đời sống của nhân dân địa phương từ sản xuất nông nghiệp đã phát triển tương đối tốt. Nhiều gia đình có nguồn thu khá cao, có thể xây được nhà tầng từ phát triển cây này”.
Theo Dantri