Sinh ra trong một gia đình có tiếng, 3 đời đều là doanh nhân nên "máu" kinh doanh dường như đã ngấm vào vị Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú cũng như các con ông.
Cụ thân sinh của ông, cụ Đỗ Thế Sử là một trong những nhà sáng lập công ty tiền thân của DOJI, và là một doanh nhân rất được trọng vọng. Anh chị em ông cũng đều thành đạt trên thương trường.
Và đến thế hệ thứ ba, con gái Đỗ Vũ Phương Anh (sinh năm 1980) và con trai Đỗ Minh Đức (sinh năm 1983) cũng là hai Phó tổng giám đốc Tập đoàn DOJI đều là những cái tên đáng chú ý trong lứa doanh nhân trẻ, hiện đại ngày nay.
Ba cha con ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. |
"Khi trưởng thành, nghề nghiệp do con cái quyết định, tôi không ép buộc. Nhưng cũng may mắn là máu và ngọn lửa nhiệt huyết kinh doanh đã có sẵn trong người các con tôi", ông Phú cho biết.
Hàng chục năm gắn bó với thương trường, vị doanh nhân đã 61 tuổi Đỗ Minh Phú cho rằng hai chữ "M": Marketting và Men-power (nhân lực) là 2 "vũ khí" báu vật khi kinh doanh và doanh nghiệp nhà ông cần cả hai thứ đó. Do vậy, khi con trai Minh Đức tốt nghiệp đại học ở Anh, ông gợi ý lấy tiếp bằng cao học về marketting.
"Tôi cho rằng đây là công cụ tốt nhất để chuyển tải thông điệp về sản phẩm của mình và tiếp cận khách hàng, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp", ông Phú lý giải.
Vũ khí còn lại, ông giao cho cô con gái Phương Anh. Ông giải thích: "Quản trị doanh nghiệp, sử dụng nguồn nhân lực là một công việc tối quan trọng khác nên tôi khuyên con gái học MBA".
Như vậy, dù không gò ép con cái theo nghiệp nhưng người cha Đỗ Minh Phú lại khéo léo giao cho hai con nhiệm vụ là đi tìm kiếm để bổ sung bí kíp kinh doanh cho cha. "Tôi muốn làm sao các vũ khí của tôi phải là những chuyên gia tốt nhất trong lĩnh vực mà họ đảm nhiệm", ông Phú nói.
Đỗ Vũ Phương Anh hiện là Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Khối Hành chính - Nhân sự - Quản trị kiêm Tổng kiểm soát của Tập đoàn DOJI. Phương Anh tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hawaii, Mỹ với học vị Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh cao cấp. Đỗ Minh Đức là Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc phụ trách khối Kinh doanh, Marketing Tập đoàn DOJI. Anh có bằng Cử nhân Kinh tế Đại học City, học vị Thạc sĩ Marketing Đai học Westminston (Anh), và chứng nhận Chuyên gia đá quý tại GIA (Gemology Institute of America), Mỹ. Ngoài công tác ở Tập đoàn DOJI, cả hai đều là Giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Cả hai người con sau khi đi học nước ngoài đã mang về cho công ty những gì cha muốn. Người con gái Đỗ Vũ Phương Anh hiện làm Phó tổng giám đốc phụ trách quản trị nhân lực và giám sát toàn bộ hoạt động của tập đoàn.
Con trai Đỗ Minh Đức là Phó tổng giám đốc phụ trách khối Kinh doanh và Marketing. Năm 2012, doanh nghiệp của 3 cha con dẫn đầu TOP 500 doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam với doanh thu đạt hơn 32.000 tỷ đồng.
Rất hài lòng về năng lực cũng như sự hăng say trong công việc của các con nhưng ông Phú chia sẻ, trong công ty, họ cũng là nhân viên và ông không có khái niệm nuông chiều.
"May mắn của tôi là các trợ thủ đều tự lực và tôi không cần phải giúp đỡ hay đứng đằng sau bệ đỡ, đẩy họ lên. Không chỉ hai con tôi mà các lãnh đạo cốt cán thuộc thế hệ trẻ khác cũng như vậy và tôi rất tự hào vì họ", ông Phú tâm sự.
DOJI được xem là một trong những "ông lớn" trên thị trường vàng và ông Phú cũng được đánh giá là một doanh nhân kỳ cựu trong lĩnh vực lắm rủi ro này. Rủi ro cũng là bài học về vàng đầu tiên ông dạy cho các con mình.
"Với chúng tôi, kinh doanh vàng không phải theo kiểu đánh bạc để nhận mặt sấp hay mặt ngửa. Kinh doanh vàng cũng phải có những nguyên tắc riêng bởi vàng có rất nhiều bẫy và bạn có thể sảy chân xuống hố bất cứ lúc nào", người cha quá hiểu về sự lấp lánh của vàng cảnh báo. Ông luôn dạy các con nguyên tắc nằm lòng: Đừng bao giờ say sưa với lợi nhuận quá đà để kéo theo rủi ro đến mức mất vốn bất cứ lúc nào.
Ông Phú quan niệm vàng như con ngựa bất kham, kiểm soát nó không dễ. Nói về việc kinh doanh vàng của mình, ông tự nhủ: "Nắm cương để thuần phục con ngựa ấy đã khó rồi, nay lại còn muốn cưỡi lên nó và phi trên một đoạn đường dài thì lại càng khó khăn hơn". Năm 2012, ngoài vàng, doanh nghiệp của ông còn tham gia vào một lĩnh vực "nóng" và cũng rủi ro không kém là ngân hàng khi tham gia tái cơ cấu TienPhong Bank.
Nhiều người khi đó cho rằng ông "liều khi cứ lao vào đá" đúng lúc khó khăn, ngành ngân hàng không còn sốt dẻo và đã hết thời lãi khủng như trước. Còn ông Phú, sau một năm "ngược dòng" với TienPhong Bank chỉ cười và nói nửa đùa nửa thật: "Nếu thị trường ngân hàng cứ xuôi chèo mát mái, cơm lành canh ngọt thì sẽ khó mà đến lượt những người như tôi. Đến giờ tôi vẫn hài lòng về con đường mình chọn".
Nhìn lại một năm phải đảm nhận hai "vai", lại toàn vai khó khăn với vàng và ngân hàng, ông Phú tự tin cho rằng cái Tết của nhân viên năm nay "no hơn, ngon hơn và tình hơn". Chia sẻ về Tết, ông Phú tâm sự: "Ngày nay nhiều người cứ ghét Tết nhưng tôi lại rất thích bởi nó mới thực sự là thời gian nghỉ ngơi, sum họp của tôi và các con trong suốt 365 ngày của năm".
Theo lời ông, cả DOJI lẫn TienPhong Bank đều có nguyên tắc quy định nhân viên không được tặng sếp những món quà Tết bằng tiền hoặc có giá trị lớn.
"Thực sự tôi thích nhận chút quà Tết của nhân viên bởi đó là thể hiện tấm lòng của họ sau cả năm trời cùng làm việc nhưng nguyên tắc đó là không được bằng tiền hoặc không phải là mòn quà đắt tiền. Tôi rất thích những mòn quà Tết như một cây giò do chính tay nhân viên của mình giã hay một cân cá khô họ đã kỳ công phơi nhiều ngày trước khi đem tặng. Những món quà như vậy thực sự khiến tôi rất cảm kích", ông Phú mỉm cười nhớ lại.
Theo VNE