Ngành trái cây Việt Nam mất trắng cả nghìn tỷ đồng/năm

Thứ tư, 04/07/2012, 10:51
Với sản lượng trên 7 triệu tấn/năm nhưng có tới 30% bị thất thoát vì công nghệ sau thu hoạch (CNSTH) gần như “zero”, ngành trái cây VN đang tự ném đi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Điều lạ là ai cũng biết nhưng nhiều năm nay chẳng thấy xoay chuyển gì?!
 
>> "Không để dân bán nông sản giá thấp"
>> Lúa mất giá, nông dân bán ruộng lúa chín cho vịt ăn! 
>> Nông dân lại khổ vì “được mùa mất giá”

Tại Hội thảo về CNSTH trái cây, diễn ra hôm qua 3/7 tại TPHCM, TS.Võ Mai – PCT Hội Làm vườn VN, nguyên CT Hiệp hội trái cây VN khẳng định: “CNSTH của ta hả? Gần như zero! Tôi mới đi dự Hội thảo quốc tế ở Malaysia về đây, qua đó thấy tủi cho ngành trái cây VN ta quá!”.

TS. Mai minh chứng: “Ở VN nói đến chuyện nhà đóng gói cho trái cây thôi cũng thấy xa xỉ, còn ở Malaysia thì nhan nhản, đi đâu cũng có, CNSTH của họ đã tiến tới tầm Âu, Mỹ nên Tổ chức quốc tế về CNSTH đã chọn làm Hội thảo quy mô toàn cầu”.

Chẳng hạn như sản phẩm mít, nước này có đủ cách thức để tạo giá trị gia tăng như: cơm mít để ăn, hột mít làm bột, xơ mít làm thức ăn chăn nuôi, vỏ mít để ép làm gỗ... nên thu lợi nhuận rất cao.

Đối lập lại, trái cây của ta có tới 99% bán nguyên liệu thô, trong khi mặt hàng trái cây tươi rất nhạy cảm, dễ héo, thối, nát, mất chất vì không có công nghệ bảo quản. Thực tế buồn này đã khiến 30% trái cây bị thất thoát, tức mỗi năm “bốc hơi” tới hàng nghìn tỷ đồng.
 

Thu hoạch và bảo quản cực kỳ thô sơ khiến trái cây VN thất thoát nghiêm trọng.
 
Còn ông Nguyễn Ngữ - Trưởng phòng Nghiên cứu thiết bị và CNSTH (Phân viện Cơ điện NN và công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN-PTNT) cho biết, trái cây VN có 3 điểm yếu nhất: Một là không nghiên cứu kỹ về chỉ số thu hoạch; hai là công nghệ sau thu hoạch lạc hậu; ba là dư lượng thuốc hóa học trong quả còn khá nhiều.

Đây chính là các “tử huyệt” khiến ngành trái cây VN yếu thế trước sự cạnh tranh gay gắt của trái cây Mỹ, Úc, Trung Quốc, Thái Lan đang ồ ạt đổ vào thị trường VN. Một nghiên cứu về loại trái cây có thế mạnh xuất khẩu hàng đầu VN là trái thanh long cũng cho số liệu giật mình: Vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm) tỷ lệ thất thoát lên tới… 66%!
 
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả VN: Trong tháng 6/2012 kim ngạch XK rau quả của VN ước đạt 60 triệu USD, đưa tổng kim ngạch XK từ đầu năm đến nay đạt 324 triệu USD.

Ngoài ra, trong nửa đầu năm nay, VN cũng bỏ ra 143 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả từ Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… Tính chung trong 6 tháng, ngành rau quả xuất siêu 200 triệu USD.
Câu chuyện thời sự hiện nay là nguy cơ rau quả VN bị đình chỉ xuất khẩu vào châu Âu (cũng có nghĩa sẽ bị “thổi còi” ở cả Nhật, Mỹ…) và “lùm xùm” chuyện thương lái Trung Quốc đổ sang VN giở chiêu trò thu mua giá cao sau đó quỵt nợ, sâu xa cũng đều do chuyện CNSTH bê bết và chiến lược phát triển đầu ra cực kém.

TS. Võ Mai cho rằng, việc 5 loại rau quả gồm húng quế, ớt ngọt, cần tây, khổ qua (mướp đắng), mùi tàu (ngò gai) phải “stop” vào thị trường châu Âu đã làm nổi bật nhất cái yếu điểm thuốc bảo vệ thực vật bị sử dụng tràn lan, không thể kiểm soát.

Còn chuyện thương lái Trung Quốc sang mua trái cây thô, thực tế dân ta vốn dĩ thu hoạch giản đơn, chẳng có công nghệ bảo quản gì nên dễ dàng bị bắt chẹt và lừa phỉnh thôi.

“Những sự kiện này chính là hồi chuông cảnh báo cho ngành trái cây VN, nếu sản xuất không an toàn, không có CNSTH thì dần dà thế giới sẽ chẳng ăn rau quả VN nữa!” – TS. Mai nói.

Dù sao, một vài “ánh sáng nhỏ” trong bức tranh tối về CNSTH của VN vẫn đang được một số người tâm huyết với ngành trái cây âm thầm gây dựng, bằng việc hình thành các mô hình điểm về công nghệ đóng gói, bảo cây tại một số vùng nguyên liệu lớn.

Đơn cử như Hội Làm vườn VN đang xây dựng các mô hình VietGAP bắt buộc phải có nhà đóng gói, bảo quản trái cây sau thu hoạch tại một số tỉnh ĐBSCL.

Ví dụ như HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (Bến Tre), Tổ hợp tác quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), HTX Tầm Vu (Long An), Tổ hợp tác Long Trị (Long An)…Đây là điều kiện cần để trái cây có sức hút với khách hàng quốc tế; đồng thời giúp nông dân xây dựng kinh tế tập thể, làm ăn lớn.

Ngoài ra, một số DN như thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận), Chánh Thu (Bến Tre), Long Nguyên (Tiền Giang)… đã tự nghiên cứu, đầu tư để áp dụng CNSTH vào nâng cao giá trị cho sản phẩm trái cây, đồng thời có chính sách thu mua nông sản GAP giá cao hơn, giúp nông dân hào hứng làm theo GAP.

Tuy nhiên, TS. Võ Mai khẳng định “các mô hình còn nhỏ bé lắm, tất cả đều chỉ mới bắt đầu thôi”. Vì thế, rất cần một chính sách “đột phá” của nhà nước, trong đó khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu đề tài chế biến và bán bản quyền, đồng thời DN đầu tư cho CNSTH được hưởng nhiều ưu đãi.

“Có sản xuất theo VietGAP mà đến khâu chế biến sau thu hoạch bỏ ngỏ, thì nói thật, đừng bao giờ nói chuyện nâng cao hiệu quả cho ngành trái cây VN!” – TS. Mai nói.

 
Theo NNVN

Các tin cũ hơn