Lãi suất huy động không thấp như công bố

Thứ tư, 04/07/2012, 11:39
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều công bố mức trần lãi suất huy động là 9% cho kỳ hạn từ 1 cho đến dưới 12 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít ngân hàng và người có tiền vẫn thoả thuận để có mức lãi suất cao hơn.
Được người bạn thân giới thiệu, chị Nguyễn Thị T. T. mang 200 triệu đồng đến gửi ở một chi nhánh ngân hàng ở quận 1. Tại đây, nhân viên ngân hàng cho biết nếu gửi khoảng 3 – 6 tháng, ngoài khoản lãi suất 8,9%/năm như niêm yết, họ sẽ tặng thêm cho chị 1,1%. Nếu số tiền nhiều hơn, phần cộng thêm sẽ tăng lên.

Chị T. T. rủ thêm hai người chị và em trai cùng gửi, tổng cộng được 410 triệu đồng, phía ngân hàng đồng ý tăng thêm cho chị 3,1%. Chị T. T. kể: “Tôi phải ký gần chục tờ giấy khác nhau, nhân viên ngân hàng giải thích là thủ tục để hợp thức hoá khoản tiền chi thêm”.
 


Người gửi tiền vẫn có thể thỏa thuận để nhận được lãi suất cao hơn công bố. Ảnh minh họa

Trong các tờ ký có phiếu lãnh thưởng của chương trình khuyến mãi. Hoàn tất thủ tục, chị T. T. nhận sổ tiết kiệm, mức lãi ghi trên sổ 8,9%/năm, nhưng chị được nhận ngay số tiền mặt phần cộng thêm.
 
Ở chi nhánh ngân hàng khác ở quận 5, có người gửi 350 triệu đồng thoả thuận được mức lãi suất 13,5%/năm, và còn nhận được thêm quà tặng áo mưa, túi xách du lịch.
 
Bà Phương Minh, khách hàng của một chi nhánh ngân hàng ở quận Tân Bình cho biết, với số tiền gửi trên 1 tỉ đồng, trước đây khi lãi huy động ở mức 14 – 15%/năm, bà luôn được ngân hàng ưu ái ở mức 18 – 20%/năm.

Hiện nay khi trần lãi suất hạ xuống 9%, ngân hàng vẫn cộng thêm để bà được 14,5%/năm. Sổ tiết kiệm của bà ghi 9%, bà được trả thêm vào tài khoản hàng tháng 3%, còn lại 2,5% là phiếu mua hàng của siêu thị được nhân viên ngân hàng giao tận nhà.
 
Từ ngày 8.6.2012, với các kỳ hạn trên 12 tháng, các ngân hàng được quyền thoả thuận lãi suất theo cung – cầu nguồn vốn từng ngân hàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã đưa ra chính sách tiền gửi rút gốc linh hoạt, tiền gửi lãi suất bậc thang áp dụng cho kỳ hạn gửi tiền thực tế.

Chẳng hạn, ngân hàng nhận tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng và cho phép người gửi tiền hưởng lãi suất trên 12 tháng dù khách hàng đã rút trước hạn sau 1 tháng, 3 tháng… Tình trạng này diễn ra phổ biến và ngân hàng Nhà nước ngay sau đó đã “tuýt còi”. Dù vậy, ngân hàng vẫn lách được.

Một khách hàng kể, ở chi nhánh một ngân hàng lớn, bà gửi kỳ hạn trên 12 tháng để hưởng lãi cao nhưng vẫn được rút tiền linh hoạt mà không bị phạt. Theo đó, ngân hàng sẽ làm một hợp đồng tín dụng, tài sản thế chấp chính là sổ tiết kiệm đã gửi trước đó. Bà có thể cầm hợp đồng này rút tiền ra chi tiêu, mà ngân hàng lại hợp thức hoá được việc khách hàng rút trước hạn.
 
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, chính sách của ngân hàng Nhà nước thả nổi lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng là một quyết định hợp lý. Đây là bước đầu để đi đến tiến trình tự do hoá lãi suất, thả nổi lãi suất cho tất cả các kỳ hạn. Song, vì là mệnh lệnh hành chính, nên một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng không có tính thanh khoản cao, thấy đó là sự trói buộc, nên đã lách quy định.

 
Theo SGTT

Các tin cũ hơn